23 phút để đọc

alt

Lee Kuan Yew (2013). “Southeast Asia”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 159-203.

Sự phát triển quan trọng nhất trong nền chính trị Indonesia kể từ cuối thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Suharto là một sự phát triển không ấn tượng một cách đáng ngạc nhiên. Nó không liên quan đến các cuộc biểu tình đường phố ồn ào kêu gọi những thay đổi sâu rộng hay các kế hoạch táo bạo của chính phủ để thay đổi nền kinh tế đất nước. Bạn không thể tạo ra một bom tấn Hollywood từ điều đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng các sử gia, những người nhìn lại nhiều năm trước, sẽ nhận ra bản chất rất quan trọng của nó. Sự phát triển mà tôi đang đề cập đến chính là sự khu vực hóa, còn được gọi là sự phân quyền (hay phi tập trung hóa – NHĐ).

Năm 1999, người kế nhiệm cương vị Tổng thống của Suharto, ông B.J. Habibie, đã lặng lẽ ký thành luật việc chuyển giao quyền lực từ Jakarta đến khoảng 300 huyện vốn hợp thành đất nước rộng lớn này. Các đạo luật bắt đầu có hiệu lực trong năm 2001 và kết quả mang lại đầy ấn tượng. Với việc mỗi khu vực tự chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình thông qua các quan chức được bầu ở địa phương, đất nước như được hồi sinh. Sự phát triển kinh tế hiện nay được trải rộng một cách đồng đều hơn. Quyền tự chủ địa phương cũng đã làm dịu đi những áp lực từ chủ nghĩa ly khai và giúp đất nước đoàn kết như một. Một Indonesia được phân quyền thịnh vượng hơn và có khả năng đạt đến tiềm năng đầy đủ của mình hơn.

Trước khi ban hành các đạo luật này, Indonesia đã có một trong những hệ thống chính trị tập trung nhất trên thế giới. Những quyết định quan trọng về kinh tế được đưa ra tại Thủ đô bởi Tổng thống và Nội các của ông và được thực hiện trên khắp đất nước bởi các quan chức và đại diện của chính quyền trung ương. Tất cả mọi thứ đều được tổ chức thông qua Jakarta. Những nhà đầu tư nước ngoài, kể cả những người đến từ Singapore, đã hiểu được các quy tắc của trò chơi. Họ biết rằng lệ phí ban đầu để đầu tư thậm chí là cho những khu vực xa xôi của đất nước đều được chi trả ở Jakarta. Tất nhiên, các khoản thu thuế và lợi nhuận phát sinh từ việc khai thác những nguồn tài nguyên phong phú của đất nước đã chảy ngược trở về Thủ đô, nơi mà sau đó đã quyết định cách thức những lợi ích sẽ được tái phân bổ như thế nào.

Trong nhiều năm, hệ thống này đã có hiệu quả khá tốt dưới sự lãnh đạo của Suharto. Là một quân nhân, Suharto đã kế nhiệm cương vị Tổng thống của Sukarno năm 1968 và nắm quyền trong 3 thập kỷ kế tiếp. Thành tựu của ông phải nói là ngoạn mục. Suharto kế thừa một đất nước khó khăn bởi lạm phát phi mã và đang suy tàn với các điều kiện kinh tế nghiêm trọng. Ông đã thay đổi tình thế bằng việc tập trung các nguồn lực của đất nước cho sự phát triển. Trong khi Sukarno dành hết sức lực cho việc đấm vào mặt bàn trong các hội nghị quốc tế và cố gắng làm cho Indonesia – và bản thân ông – trở thành người lãnh đạo của các quốc gia đang nổi lên, Suharto hiểu rằng Indonesia không thể cất tiếng nói trên sân khấu toàn cầu nếu không thành công trước tiên trong việc giải quyết các vấn đề trong nước. Khi Liên bang Malaysia ra đời, Sukarno đã đưa ra khẩu hiệu Ganyang Malaysia, có nghĩa là Đánh tan hay Nuốt chửng Malaysia. Suharto, với quyết tâm ổn định các mối quan hệ quốc tế của đất nước, đã hạ khẩu hiệu này, chấp nhận Malaysia như một nước láng giềng và công nhận rằng Sabah và Sarawak thuộc về Malaysia.

Indonesia đã có những bước phát triển quan trọng trong khoảng 30 năm dưới thời Suharto, ông đã bổ nhiệm các nhà quản trị có trình độ và những nhà kinh tế học nghiêm chỉnh để điều hành đất nước. Phải so sánh Myanmar và Indonesia để có thể hiểu được tầm quan trọng của những đóng góp của Suharto. Hai quốc gia đã có xuất phát điểm giống nhau về mức độ phát triển. Cả hai đều là những đất nước trù phú và được điều hành bởi những nhà lãnh đạo quân sự. Tuy nhiên, Tướng Ne Win của Myanmar, hay Miến Điện thời bấy giờ, đã đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa. Nếu không có những chính sách cứng rắn nhằm thúc đẩy phát triển của Suharto, Indonesia đã giống Myanmar. Suharto có thể đã thất bại vì tham nhũng và chủ nghĩa gia đình trị. Nhưng lịch sử cũng sẽ đánh giá ông vì những thành quả đã đạt được, tự chúng đã minh chứng điều đó: mang lại giáo dục cho người dân, phát triển kinh tế và xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, hệ thống tập quyền mà Suharto dựa vào không phải là lựa chọn tốt nhất để thống nhất một đất nước đa dạng như vậy. Đất nước Indonesia được hình thành bởi 17.500 hòn đảo trải dài trên 5.000 km và là nơi sinh sống của hơn 200 nhóm sắc tộc khác nhau. Trong những năm 1960, Goh Keng Swee đã nhấn mạnh rằng sự tan rã cuối cùng của Indonesia gần như là “không thể tránh khỏi”. Ông đã nhận ra các lực lượng đang hoạt động trên quần đảo này khó có thể được mô tả như là đang chia sẻ một nhận thức bản sắc chung, dù là về khía cạnh văn hóa hay lịch sử.

Ngôn ngữ là một nhân tố giúp ngăn chặn sự tan rã, và Sukarno, dù có những sai lầm và hạn chế, có thể được khen ngợi về điều này. Sukarno đã chọn tiếng Malay là quốc ngữ, không phải tiếng Java. Nếu muốn chọn tiếng Java, ông đã có thể dẫn ra nhiều lý do thỏa đáng cho lựa chọn đó. Người Java là nhóm sắc tộc chiếm đa số ở Indonesia. Ngôn ngữ của họ tinh tế với một nền văn học lâu đời. Bản thân Sukarno cũng là người Java và Jakarta, thủ đô đồng thời cũng là trung tâm kinh tế và văn hóa của đất nước, được đặt tại đảo Java. Tuy nhiên, Sukarno hiểu rằng tiếng Java sẽ không liên kết đất nước, bởi vì nó đã bị xem là tiếng nước ngoài ở nhiều nơi trên đất nước Indonesia. Những đảo khác sẽ xem nó là một gánh nặng và điều này sẽ chia cắt đất nước. Mặt khác, tiếng Malay đã được sử dụng rộng rãi như là ngôn ngữ thứ hai vì nó là ngôn ngữ của các thương nhân và các thủy thủ, những người không chỉ đã đi khắp đất nước mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Ông đã chọn tiếng Malay và quyết định tất cả các trường học sẽ dạy nó như tiếng mẹ đẻ, còn tiếng địa phương hay phương ngữ là ngôn ngữ thứ hai. Kết quả là bất kỳ người nào phát ngôn ở Jakarta ngày nay đều được hiểu bởi người dân ở khắp đất nước. Đó là một hành động đúng đắn và là món quà lớn nhất mà Sukarno dành cho Indonesia.

Tuy nhiên, một ngôn ngữ chung duy nhất là không đủ. Suharto còn duy trì đất nước thông qua một lực lượng quân sự hùng hậu, ví dụ ông đã từng sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc nổi dậy ở Aceh. Điều này chỉ mang lại ổn định chừng nào việc sử dụng vũ lực còn có thể được duy trì. Nhưng vai trò của quân đội đã thay đổi. Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, Suharto muốn vị Tổng tư lệnh của mình, Tướng Wiranto, đàn áp cuộc nổi dậy của sinh viên và công nhân. Tuy nhiên, Tướng Wiranto đã từ chối vì ông hiểu những giới hạn của hành động quân sự. Khi Habibie kế nhiệm cương vị Tổng thống của Suharto, đã có một nỗi lo sợ thật sự rằng hàng loạt các phong trào ly khai trên khắp đất nước có thể lợi dụng tình hình chính trị thay đổi để đòi độc lập.

Chính quyền Habibie đã quyết định rằng khu vực hóa là con đường phải đi. Tuy nhiên, thay vì chuyển giao quyền lực cho khoảng 30 tỉnh, một điều mà theo thời gian có thể khuyến khích một số tỉnh đòi độc lập, giới lãnh đạo Jakarta đã đi tắt đón đầu bằng cách tuyên bố 300 huyện và khu tự trị là những đơn vị chính quyền cơ sở. Sau đó, trong năm 2004, chính phủ đã công nhận rằng phương pháp tiếp cận này không thể tránh khỏi những vấn đề và đã ban hành các đạo luật để tái thiết lập quan hệ thứ bậc giữa tỉnh và huyện. Tuy nhiên, sau năm 2001, mỗi khu vực đã lấy lại toàn quyền quyết định trong nhiều vấn đề địa phương, như y tế, giáo dục, công trình công cộng, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, môi trường, lao động, v.v… Thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư cũng đã được giao lại cho chính quyền địa phương, ngoại trừ các lĩnh vực dầu hỏa, khí đốt và nguyên liệu phóng xạ. Việc ông Habibie không xuất thân từ Java mà từ Nam Sulawesi hẳn đã tạo nên sự khác biệt. Nếu một người Java kế vị ông Suharto thì hệ thống bánh xe và nan hoa có thể sẽ vẫn tiếp tục tồn tại ít nhất là một khoảng thời gian nữa. Việc ông Habibie đã trải qua 20 năm học tập và làm việc tại Đức, nước có hệ thống liên bang thay vì hệ thống đơn nhất, có thể cũng đã đóng vai trò nhất định. Ngoài ra, ông Abdurrahman Wahid, người kế nhiệm cương vị Tổng thống của ông Habibie vào cuối năm 1999, đã tôn trọng các đạo luật mà ông Habibie đã ký và tạo điều kiện để chúng được thực thi đầy đủ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về quá trình khu vực hóa của Indonesia đã nói rằng, sau năm 2001, hai phần ba công chức trước đây làm việc cho chính quyền trung ương giờ chịu trách nhiệm báo cáo trước các chính quyền địa phương, và trên 16.000 cơ sở dịch vụ, bao gồm trường học và bệnh viện, đã được chuyển đổi tương tự.

Sự chuyển đổi có tính rủi ro khá cao, nhưng đã diễn ra thành công. Ngày nay, mỗi khu vực quản lý các nguồn tài nguyên của chính mình và trực tiếp giao dịch với các công ty nước ngoài. Bơ đã được trét đều ra xung quanh và cục diện của toàn quần đảo đã thay đổi. Một số quy trình đã được tăng tốc bởi vì các doanh nghiệp đã không còn phải đối phó với nhiều lớp chính quyền nữa. Chính quyền địa phương quen thuộc hơn với các sự kiện trên thực địa, điều này cho phép họ có thể phản ứng với những hoàn cảnh đang thay đổi. Các cuộc khảo sát hậu phân quyền cũng cho thấy nhiều người dân Indonesia tin rằng các dịch vụ công đã được cải thiện từ năm 2001. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này ít nhất một phần là kết quả của việc những nhà làm chính sách quan trọng đã không chỉ báo cáo lên trên, về Jakarta, mà còn xuống dưới, đến những người dân đã bầu cho họ và đến các cơ quan lập pháp địa phương.

Quần đảo Riau là một ví dụ về việc một khu vực đã được hưởng lợi từ những thay đổi như thế nào. Trước đó, quần đảo này thuộc sự quản lý của Jakarta, tuy nhiên hiện nay, họ trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư từ Singapore và Malaysia – điều này hết sức hợp lý, vì Batam, thành phố lớn nhất của tỉnh, nằm gần Singapore hơn là Jakarta. Đầu tư nước ngoài đã tăng đáng kể, đồng thời có nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Nhưng quan trọng nhất, sự phân quyền đã giữ Indonesia thành một đất nước thống nhất. Không khu vực nào có thể tuyên bố rằng nó đang bị Trung ương áp bức hay đối xử không công bằng, vì số phận của mỗi khu vực giờ đây nằm trong tay của chính người dân khu vực đó. Lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang được quản lý bởi chính quyền địa phương. Giải pháp quân sự đối với chủ nghĩa ly khai dưới thời Tổng thống Suharto đã biến Indonesia thành một nồi áp suất. Mối quan hệ giữa Trung ương và các tỉnh thường xuyên căng thẳng và người ta phải đảm bảo rằng nắp đậy được giữ chắc chắn, hoặc sẽ có một vụ nổ xảy ra. Giải pháp trao lại sự tự chủ cho các địa phương của Tổng thống Habibie đã giải thoát hơi nước từ nồi áp suất và làm cho tình hình được duy trì trong một thời gian dài.

Quá trình khu vực hóa là không thể đảo ngược. Một khi bạn đã đưa cho các khu vực quyền sở hữu trực tiếp cộng đồng của họ, thì không thể đặt sự kiểm soát trở lại. Sẽ có những điều chỉnh khi đất nước tìm kiếm sự cân bằng tự chủ phù hợp, ví dụ giữa các tỉnh và các huyện, nhưng Indonesia sẽ không quay trở lại hệ thống tập quyền như thời Tổng thống Suharto.

Tuy nhiên, sẽ là quá bất cẩn khi tin rằng con đường phát triển của Indonesia, nhờ những phát triển tích cực này, không còn những khó khăn và bấp bênh nữa. Sự khu vực hóa có thể là một điều rất tốt cho đất nước, những nó không phải là một hạt đậu thần kỳ. Những thách thức truyền thống cũng như những thách thức mới gần đây, bao gồm sự bế tắc chính trị tại Trung ương, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và tham nhũng tràn lan, tiếp tục đe dọa làm chệch hướng Indonesia. Do đó, việc liệu Indonesia có đối mặt với những thách thức này, với cách thức và vào thời điểm như thế nào, sẽ quyết định vận mệnh của người dân đất nước.

Singapore đã nếm trải mùi vị của vấn đề gây nên bởi bế tắc chính trị khi chúng ta cùng lúc ký Hiệp ước Dẫn độ và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng với Indonesia. Tổng thống rõ ràng đã tin rằng hiệp ước là vì lợi ích của đất nước ông, nếu không ông ta đã không ký nó. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp quốc gia, hay Dewan Perwakilan Rakyat (DPR), đã chặn hiệp ước lại với lý lẽ bề ngoài có vẻ là do nó đe dọa chủ quyền của Indonesia. Bất kỳ nhà phân tích chính trị nào cũng có thể nói với bạn nguyên nhân thật sự mà họ muốn tạm dừng thỏa thuận: Một cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2009, và các nhà lập pháp, mà phần lớn trong số họ không thuộc đảng của Tổng thống, muốn tăng các cơ hội cho đảng của họ bằng cách hạ thấp vị thế của Tổng thống. Có thể nào mà Tổng thống, vốn là một vị tướng quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng chưởng lý, lại không hiểu các quyền chủ quyền của Indonesia là gì? Binh sĩ của Singapore đã huấn luyện hơn 20 năm ở Indonesia trong suốt thời kỳ của Thống thống Suharto mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào. Tuy nhiên, đó là một phần của cái gọi là wayang kulit, hay sân khấu chính trị, và nó vẫn tiếp tục gây tai họa cho Indonesia, xuất phát từ cách thức các thể chế được tổ chức tại Trung ương như thế nào.

Hiến pháp Indonesia được sửa đổi vào năm 2002 nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống được bầu cử trực tiếp bởi người dân. Trước đó, Tổng thống được bầu gián tiếp bởi các nhà lập pháp. Do đó, Tổng thống đương nhiên nhận được sự ủng hộ của cơ quan lập pháp và không phải lo lắng về việc các chính sách của mình sẽ bị cản trở. Nhưng hệ thống mới tạo ra khả năng Tổng thống sẽ xuất thân từ các đảng khác chứ không phải từ đảng đang chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, điều này đến lượt nó lại có khả năng gây nên bế tắc. Nếu những nhà sửa đổi Hiến pháp Indonesia đã nghiên cứu hệ thống của Pháp, họ sẽ xem xét việc trao cho Tổng thống quyền kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp, hoặc ngay sau khi đắc cử, hoặc có thể sau đó một thời gian, để Tổng thống có thể thu hút toàn bộ cử tri nhằm tạo ra một sứ mệnh cầm quyền rõ ràng hơn.

Cấu trúc được thiết kế năm 2002 có xu hướng tạo nên sự bế tắc và cản trở việc ra quyết định tại Trung ương. Hơn nữa, cải cách khó có thể diễn ra vì bất kỳ dự thảo luật nào cũng phải được thông qua bởi DPR, mà cơ quan này không có động cơ để từ bỏ bất cứ quyền lực nào của mình. Duy trì khả năng cản trở Tổng thống phù hợp với mục tiêu của DPR. Nhìn từ góc độ này, khu vực hóa là sự cứu cánh, bởi vì nhiều quyết định quan trọng đã được trao lại cho các khu vực.

Cản trở lớn thứ hai đối với Indonesia là cơ sở hạ tầng. Khi bạn sở hữu 17.500 hòn đảo, khả năng kết nối những hòn đảo này trở nên rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế, bởi vì những trung tâm dân cư quan trọng cần được kết nối với nhau để cho sự tăng trưởng trong một khu vực sẽ tạo thuận lợi cho khu vực khác. Nhiều bến phà tốc hành và chuyến bay nội địa hơn sẽ giúp ích đáng kể. Việc xây dựng những cây cầu nối các đảo cũng sẽ vô cùng có lợi. Không có điều nào đang được thực hiện đủ. Cầu bắc qua eo biển Sunda, vốn sẽ là cây cầu dài nhất của đất nước nối đảo Sumatra và Java, hai đảo quan trọng nhất Indonesia, đã được nói đến trong nhiều năm rồi. Nếu được xây dựng, cây cầu này sẽ biến hai đảo này thành một đảo lớn, tạo ra nhiều tiềm năng kinh tế. Nhưng không may, lời nói đã không được biến thành hành động.

Các nhà phân tích Indonesia thấy rằng sự cải thiện cơ sở hạ tầng đã chậm lại so với thời kỳ Tổng thống Suharto. Chính phủ hiện tại đã tổ chức một loạt hội nghị cấp cao về cơ sở hạ tầng và đã lên những kế hoạch lớn nhằm nâng cấp đường giao thông và các hình thức liên kết khác, nhưng vẫn thiếu những dự án thực tế. Sự thất vọng càng lớn hơn bởi sự thật rằng rất nhiều người trong tầng lớp tinh hoa Indonesia thích tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần của mình tại Singapore. Cuối mỗi kỳ nghỉ ngắn, họ trở về với một ý thức mạnh mẽ rằng giao thông và các sân bay của chính họ đang cần sự đầu tư và phát triển rất lớn.

Cuối cùng, đất nước phải giải quyết với tình trạng tham nhũng tràn lan. Sự khu vực hóa đã không làm được gì để giảm thiểu tình trạng này, vì các tỉnh trưởng cũng đang đòi hỏi phần của họ trong chiếc bánh. Tham nhũng là kết quả của những kẽ hở ở tất cả các cấp chính quyền. Một đô la được chi ra, nhưng 10 xu bị rút ra ở đây và 20 xu ở kia, và đến lúc nó tới được người công nhân bình thường, hay nhà đầu tư nước ngoài đang cố gắng thu lợi nhuận, thì chỉ còn lại rất ít. Tổng thống Yudhoyono hiểu rằng phá bỏ tham nhũng khó khăn như thế nào một khi nó đã được cho phép hình thành. Việc đó sẽ cần sự hành động hết sức quyết đoán và lâu dài, và phải bắt đầu từ Trung ương. Nếu tham nhũng có thể được giảm xuống đáng kể, khi đó một tương lai mới có thể được tạo ra và một Indonesia mới là có thể.

Indonesia đã đạt thành tích không làm quá tệ trong thập kỷ vừa qua, liên tục tăng trưởng từ 4% đến 6%. Đất nước hầu như đã không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Họ đang thu hút đầu tư lớn từ Trung Quốc và Nhật Bản, nhờ vào sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong khoảng 20 đến 30 năm tới, tôi sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy đất nước chuyển mình. Malaysia có khả năng tạo ra những bước tiến lớn hơn. Họ nhỏ gọn hơn về mặt địa lý. Họ có hệ thống giao thông tốt hơn và một lực lượng lao động có khát vọng hơn.

Mặc dù sự phát triển tích cực đang diễn ra ở Indonesia, nhưng họ vẫn là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên với lối suy nghĩ của những người muốn kiếm sống thông qua những gì mà thiên nhiên cung cấp hơn là những gì bạn có thể tạo ra bằng chính đôi tay của mình. Họ tin rằng họ có những nguồn tài nguyên đủ cho họ dùng trong một thời gian dài. Và họ có thể đúng. Họ có những vùng lãnh thổ lớn chưa được khai thác. Họ có dầu và khí đốt, chúng có thể bị cạn kiệt, nhưng họ cũng có gỗ và dầu cọ, không bị cạn kiệt, bởi vì đây là những sản phẩm nông nghiệp có thể được trồng lại nhiều lần. Những nguồn tài nguyên mà họ sở hữu có xu hướng tạo ra văn hóa an nhàn để nói rằng: “Đây là đất của tôi. Anh muốn những gì bên dưới đó phải không? Hãy trả tiền cho tôi để có nó”. Theo thời gian, điều này đã nuôi dưỡng một đặc tính không dám làm vốn sẽ không dễ dàng để khắc phục.


Hỏi: Indonesia tiếp tục có những tham vọng quyền lực lớn và vì sự tăng trưởng của họ trong những năm qua, họ đã cải thiện được hình ảnh quốc tế của mình. Ấn tượng của ông đối với những tham vọng đó và tác động của chúng đối với Châu Á cũng như đối với một nước láng giềng nhỏ như Singapore là gì?

Đáp: Nhìn chung, Indonesia hy vọng Singapore ủng hộ họ trên vũ đài quốc tế. Tôi cho rằng nếu điều đó không chống lại lợi ích của chúng tôi, chúng tôi sẽ ủng hộ họ. Ở ASEAN, họ vẫn là nhà lãnh đạo trên thực tế. Họ có 240 triệu dân. Tất nhiên, nếu là 240 triệu dân trên một hòn đảo lớn, điều đó sẽ khác. Nhưng dù vậy, họ vẫn là quốc gia lớn nhất.

Hỏi: Người ta cho rằng Indonesia trước đây đã làm cho ASEAN phát triển bằng cách cho phép các quốc gia khác, như Singapore và Malaysia, gây được sự chú ý. Họ không hống hách, không giống như Ấn Độ trong SAARC (Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á). Một Indonesia tự tin hơn có muốn tiếp tục giữ vị trí trung tâm ở ASEAN không?

Đáp: Chúng ta sẽ phải đợi xem. Nhưng ngay cả khi họ làm điều đó, tôi không thấy làm thế nào họ có thể lấy đi được những gì chúng tôi đã thiết lập cho chính mình, đó là một trung tâm thông tin, hậu cần, thương mại và đầu tư.

Hỏi: Khi ông là Thủ tướng, một trong những đặc điểm rõ ràng trong quan hệ giữa Indonesia và Singapore là mối quan hệ gần gũi của ông với Tổng thống Suharto. Vì vậy, hai quốc gia đã phát triển sự hiểu biết lẫn nhau. Ông có thấy những khó khăn hay những vấn đề phía trước hay không khi mà mối quan hệ đó không còn nữa?

Đáp: Dù không còn sự qua lại như ngày xưa, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long thỉnh thoảng vẫn gặp Tổng thống Yudhoyono. Sự trao đổi thương mại thường xuyên được tiến hành thông qua những người Indonesia gốc Hoa. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Singapore phát triển một nhóm nòng cốt không phải là người Malay nhưng có thể nói tiếng Malay lưu loát để chúng tôi có thể duy trì những mối quan hệ này. Điều này là quan trọng nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cả Malaysia và Indonesia.

Hỏi: Với sự thống trị của Trung Quốc ở phần này của thế giới, ông thấy mối quan hệ Indonesia-Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào?

Đáp: Người Trung Quốc sẽ đối xử tôn trọng và lịch sự đối với họ. Họ muốn nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Indonesia sở hữu và tôi thấy rằng mối quan hệ đó đang phát triển. Họ đã dỡ bỏ lệnh cấm, được áp đặt dưới thời Tổng thống Suharto, về việc dạy tiếng Trung và việc kỷ niệm những ngày lễ của người Trung Quốc. Vì vậy, sự tương tác với Trung Quốc sẽ lớn mạnh. Họ đang khuyến khích người Hoa của họ đến Trung Quốc để kinh doanh.

Hỏi: Một vấn đề khác mà những nhà đầu từ nước ngoài, trong đó có Singapore, đã chú ý là việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế ở Indonesia. Các công ty bị áp lực phải tăng cổ phần của chủ sở hữu địa phương. Ông nghĩ điều này sẽ diễn ra nhiều hơn hay ít đi?

Đáp: Nhiều hơn, tôi nghĩ vậy. Họ muốn có một phần bánh lớn hơn.

Hỏi: Ông có thấy Indonesia vẫn còn là nơi ươm mầm của chủ nghĩa khủng bố không? Và sự gia tăng của lực lượng dân quân Hồi giáo có phải là một mối đe dọa đối với sự ổn định của Indonesia?

Đáp: Nếu bạn đọc các báo cáo, bằng cách nào đó Tổ chức Jemaah Islamiyah đã tuyển thêm một số tân binh ở Indonesia và họ đã tiến hành các vụ đánh bom ở Bali và khách sạn Marriott. Tuy nhiên, tôi thấy Indonesia khác với Malaysia. Malaysia là chủ nghĩa Hồi giáo cởi mởi hơn. Có những thay đổi quan trọng đang diễn ra ở Indonesia do ảnh hưởng của Ả-Rập Xê-út. Mô hình chủ nghĩa Hồi giáo của họ được lấy làm tiêu chuẩn vàng vì họ đã tổ chức những cuộc họp và chi trả chi phí cho những người Hồi giáo từ những khu vực khác của thế giới đến tham dự. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các nhóm chủ nghĩa Hồi giáo gây sức ép ở Indonesia. Tuy nhiên, những điều này không thay đổi đột ngột – đặc biệt là nếu nói về văn hóa của người dân.

Biên dịch và Hiệu đính: Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị Hương Giang

Ngày cập nhật: