Myanmar - Các vị tướng thay đổi phương hướng
Khi chúng ta mắc kẹt trong ngõ cụt, chỉ còn một phương hướng hành động lý trí duy nhất. Quay đầu lại và bước ra khỏi đó. Trên nhiều phương diện, đây là cách nói so sánh hữu ích nhằm hiểu được thay đổi sâu sắc về định hướng dẫn dắt đất nước của chính phủ quân sự Myanmar bắt đầu từ năm 2011. Nhưng đây không phải là sự quay đầu xuất phát từ quá trình tìm kiếm linh hồn bên trong hay sự giác ngộ thực thụ. Nó cũng không phải là hành động tuyệt vọng nhằm tự bảo toàn của một chế độ độc đoán tin rằng mình đang trên bờ vực sụp đổ. Ta có một cách giải thích đơn giản hơn nhiều. Các vị tướng đã thấy rằng đất nước này đang không còn lối thoát. Chẳng còn lựa nào nào khác.
Chuyện ngó qua biên giới sang sự thịnh vượng tương đối ở Thái Lan hẳn đã đẩy nhanh sự khám phá này. Xét về tài nguyên thiên nhiên, Myanmar giàu như Thái Lan, nếu không muốn nói là giàu hơn. Nhưng nếu phải so sánh, chẳng hạn như quả bưởi ở mỗi nước, ta sẽ thấy là quả bưởi của Thái to hơn và ngon hơn vì có các nghiên cứu về khoa học và công nghệ. Người Thái cũng đã phát triển thành nước sản xuất lớn nhất trong khu vực sản phẩm hoa lan và các loại cây trồng, hoa quả khác. Về lý thuyết, Myanmar cũng phải làm được như thế, bởi vì nó được thiên nhiên ban cho khí hậu và đất đai tương tự. Trên thực tế, chẳng có điều gì xảy ra. Nhưng phần thất vọng nhất của chuyện so sánh này có lẽ là thực tế người Miến Điện phải sang bên kia biên giới Thái Lan để đổi các loại đá quý lấy hàng y tế. Đất nước ngày càng bị bỏ xa đằng sau.
Cơn bão Nargis là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả chế độ và người dân Myanmar. Thảm họa năm 2008 này đã đẩy hàng triệu người trên cả nước vào cảnh vô gia cư vì một chính phủ mất phương hướng đã không thể tỏ ra hiệu quả khi hỗ trợ chính các công dân của mình và cũng chẳng sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ các nước khác như Mỹ và Pháp. Đối lập hẳn là phản ứng của chính phủ Trung Quốc với động đất ở Tứ Xuyên vốn không kém phần hủy diệt. Binh lính rất nhanh nhẹn trong các nỗ lực cứu nạn, các lãnh đạo Trung Quốc – gồm cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, bao quát mọi việc và cả quốc gia hợp sức lại. Có những chuyên gia về Myanmar tin rằng cơn bão đã đóng vai trò như một cú hích thúc đẩy nước này qua điểm thử thách, nhờ đó đã gieo được những hạt giống cải cách. Có lẽ họ không đứng xa sự thật lắm.
Không cần nhiều phô trương, đất nước này bắt đầu cải cách một cách nghiêm túc từ năm 2011. Các tù nhân chính trị được thả, trong đó có cả Aung San Suu Kyi và hàng trăm người khác. Người giành giải Nobel Hòa Bình được phép chạy đua bầu cử vào quốc hội năm 2012 và bà được bầu một cách xứng đáng. Chế độ nhanh chóng bắt tay vào xử lý bầu cử và tù nhân vì họ muốn thuyết phục Phương Tây bỏ cấm vận, tin rằng điều đó sẽ giúp đất nước có được một cú hích quan trọng về kinh tế. Ban đầu phương Tây phản ứng thận trọng nhưng cuối cùng đã chấp nhận, và sự khôi phục hình ảnh Myanmar trên trường quốc tế được hoàn tất bằng chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama vào tháng 11/2012. Năm 2015, quốc gia này dự định sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng đầu tiên kể từ cuộc bầu cử nổi tiếng năm 1990 khi Aung San Suu Kyi thắng áp đảo nhưng chính phủ quân sự không công nhận. Chậm rãi nhưng chắc chắn, Myanmar sẽ quay trở lại thành một đất nước bình thường.
Những năm 1960, lãnh đạo Miến Điện – Tướng Ne Win đã chọn con đường chủ nghĩa xã hội. Ông trục xuất người Ấn Độ – những người do người Anh đưa vào để giúp nền kinh tế vận hành bởi vì họ là các nhà buôn và doanh nhân, chỉ để lại còn mỗi người Miến Điện và một nền kinh tế đóng cửa. Đất nước đã bị trì trệ suốt 40 năm.
Có thời gian – khoảng một thập niên trước, tôi có tiếp xúc với Khin Nyunt, người sáng láng nhất trong số các vị tướng và là người duy nhất có khuynh hướng cải tổ. Tôi giục ông ấy học hỏi Suharto – cởi bỏ đồng phục, thành lập đảng chính trị và thắng cử. Tôi nói, khi ấy anh sẽ được người dân ủng hộ và anh có thể mở cửa. Nhưng không lâu sau đó, Khin Nyunt bị quản thúc tại gia. Tôi mất liên lạc với chế độ, và tôi cho rằng Singapore không có lợi gì nếu tôi đến Myanmar thuyết phục họ về sự cần thiết phải thay đổi trong khi rất nhiều người đã cố gắng và đã thất bại. Chuyện đó không phải việc của tôi.
Hai năm qua, Myanmar đã đi những bước quan trọng theo hướng mở cửa. Tôi tin lần này các vị tướng sẽ không quay lưng lại với cải cách. Câu hỏi duy nhất là: Họ sẽ tiến về phía trước nhanh như thế nào ?
Một nhân vật được nhiều người hy vọng là Aung San Suu Kyi. Bà là nhân vật hình tượng, người đã tập hợp các lực lượng chống lại quân đội ở trong nước. Một số người đang kêu gọi bà đóng vai trò lãnh đạo trong một chính phủ tương lai. Tôi có chút nghi ngờ. Bà kết hôn với một người Anh và con cái bà mang nửa dòng máu Anh, vì thế cho dù bà là con gái của Aung San, người giải phóng Miến Điện, bà vẫn không được một số người trong nước coi là người Miến Điện một cách hoàn toàn. Hiến pháp cũng có những quy định đang cản trở bà trở thành Tổng thống. Vào tuổi 68, bà cũng đã già rồi. Nhưng cho dù bà có thể lãnh đạo, bà cũng sẽ phải vật lộn với những cuộc nổi dậy sắc tộc từ bắc tới nam. Liệu bà có khả năng dập tắt những cuộc nổi dậy đó?
Người Miến Điện sống ở nước ngoài là một nhóm khác có thể thúc đẩy đất nước mở cửa nhanh hơn. Họ là những người giỏi nhất từ Myanmar đã bị đẩy đi lưu vong trước đây. Con cái của họ không còn cảm thấy có nghĩa vụ với đất nước, nhưng những ai rời Myanmar khi trẻ hay đã trưởng thành vẫn còn những mối dây tình cảm. Với tình hình chính trị đang thay đổi, nếu họ được thuyết phục trở về để mở các công ty, điều đó chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy đất nước.
Hỏi: Trong một trong các cuốn sách trước của ông, Những Sự thật Khó khăn nhằm Phát triển Singapore (Hard Truths to Keep Singapore Going), ông nói rằng mình đã không thèm đoái hoài đến các vị tướng Miến Điện trong cả đời mình, rằng họ là một lũ ngốc không nhận ra mình cần làm gì.
Đáp: Họ rất cứng đầu. Nhưng chính họ đã nghĩ lại và thừa nhận mình đã húc đầu vào tường.
Hỏi: Có một số thảo luận về chuyện liệu có phải chính cái gọi là can dự mang tính xây dựng của ASEAN hay cấm vận của phương Tây cuối cùng đã khiến người Miến Điện quyết định cải cách và mở cửa hay không. Quan điểm của ông là gì?
Đáp: Không quan trọng là cái nào. Điều quan trọng là họ đã quyết định theo đuổi một tương lai khác.
Hỏi: Nếu cải cách tiếp tục và Myanmar mở cửa, liệu chúng ta có tiếp tục nhìn thấy sự thống trị và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar không?
Đáp: Có, bởi vì họ đã xây một con đường cao tốc. Và họ đã giúp người Miến Điện trong suốt nhiều năm bị cô lập. Vì thế họ đã thành bạn bè và họ biết rằng đây là những người bạn lâu bền. Người Ấn Độ đang tìm cách tham gia vào bức tranh này bằng một số viện trợ nhưng tôi không nghĩ họ có thể cạnh tranh với người Trung Quốc.
Hỏi: Liệu người Mỹ có thể tạo chỗ đứng ở nước này trong nỗ lực nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực không?
Đáp: Họ ở xa quá. Việc khai triển quyền lực (của Mỹ) nằm ở quá xa. Myanmar có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc, với tỉnh Vân Nam của nước này.
Biên dịch và Hiệu đính: Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị Hương Giang