Châu Âu - Vấn đề người nhập cư
Một nhóm riêng biệt các nước Bắc Âu đã không phải gánh chịu nhiều tổn hại từ những vấn đề mà những nước châu Âu lục địa khác phải đối mặt. Theo tôi, các nước vùng Scandinavia xứng đáng được có một bài phân tích riêng vì đây là một nhóm độc đáo, hay là một trường hợp đặc biện khác với những trường hợp khác.
Những người lập luận rằng các hệ thống phúc lợi vẫn có thể hoạt động được thường đưa ra trường hợp của Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch để chứng minh cho việc những chính phủ dành ra những khoản tiền khổng lồ chi trả cho hệ thống an sinh xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với những bất cập liên quan. Do đó, họ kết luận rằng việc nêu lên thất bại của Pháp, Ý hay Tây Ban Nha (thay vì lấy ví dụ các nước Bắc Âu) chính là đang đưa ra lời ngụy biện chống lại nhà nước phúc lợi.
Lập luận bác bỏ đầu tiên đối với luận điểm này đó là bằng chứng cho thấy ngay cả những nước Scandinavia cũng không hoàn toàn thoát khỏi chi phí của những chính sách mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, tỉ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển là 7,5 phần trăm vào năm 2011, cũng không thấp hơn Ý bao nhiêu (8,4%), và cao hơn rất nhiều so với những nền kinh tế tiên tiến của châu Á như Nhật Bản (4,6%), Hàn Quốc (3,4%) và Singapore (2%).
Tuy vậy, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng các nước Scandinavia thực ra đã làm tốt hơn rất nhiều so với các nước châu Âu láng giềng về mức độ tăng trưởng. Trong khi GDP bình quân đầu người (tính theo đô la Mỹ) tăng trưởng từ năm 2002 đến năm 2011 với tỉ lệ trung bình hằng năm là 5,3 phần trăm ở Ý và 6,1 phần trăm ở Pháp, thì tỉ lệ này là 6,4 phần trăm trong cùng giai đoạn tại Đan Mạch, 7,3 phần trăm tại Thụy Điển và 8,9 phần trăm tại Na Uy.Hơn thế nữa họ đã xoay sở để làm được như vậy trong khi vẫn giữ được chi tiêu xã hội ở mức cao – một hiện tượng cần được giải thích thêm.
Đầu tiên, đáng chú ý là Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch đều là những quốc gia nhỏ hơn Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Dân số gộp lại của ba nước Scandinavia này chỉ bằng một phần mười so với tổng dân số của ba nước trên. Na Uy, với 5 triệu người, có ít dân cư hơn Singapore. Quy mô vấn đề, sự đa dang về lợi ích và sự phức tạp trong công tác quản trị do đó là rất khác biệt tại các nước Scandinavia.
Tuy nhiên, thành phần dân cư còn quan trọng hơn kích cỡ - đây chính là điểm mấu chốt để hiểu được chủ nghĩa biệt lệ của các nước Scandinavia. Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch có khối dân cư tương đối đồng nhất, mang lại tính cố kết nội bộ mà các khu vực khác của châu Âu không thể có được. Người dân của những ngước này có một cảm nhận mạnh mẽ hơn về tính duy nhất và sự thống nhất. Mỗi dân tộc của ba quốc gia này tự coi mình là một bộ tộc, trong đó các thành viên của bộ tộc chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ vì những thành viên khác. Bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ không phải chỉ cho bản thân bạn mà còn cho những người trong cùng bộ tộc, bởi vì bạn gần như cảm thấy rằng bạn đang giúp đỡ một người thân của mình chứ không phải một nhóm người vô công rỗi nghề từ những vùng đất lạ khác trên thế giới. Đối mặt với mức thuế cao mà các quốc gia này phải áp dụng để cân bằng ngân sách, giả định các yếu tố khác không đổi thì các ông trùm tư bản giàu có và những cá nhân có thu nhập cao khác ít có xu hướng chạy trốn khỏi những xã hội với một bộ tộc như trên, ngay cả khi họ không thiếu lựa chọn hoặc phương tiện để làm như vậy. Thêm vào đó, đây là những thành phần tài năng hàng đầu của xã hội – những người có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội cho bản thân họ và cho người khác. Khi bạn là một dân tộc và một gia đình, bạn sẽ ít có thái độ nghi ngờ về việc phải trả thuế để hỗ trợ cho những thành phần nghèo hơn trong xã hội, nhưng khi xung quanh bạn có rất nhiều người nước ngoài và luật pháp khăng khăng rằng không nên có bất cứ sự phân biệt nào trong chi trả phúc lợi, khi đó thái độ sẽ thay đổi.
Khi tôi đến thăm Na Uy vào những năm 1970, xã hội này khi đó hầu như hoàn toàn chỉ có người da trắng. Đó là một đất nước xinh đẹp với những dãy núi và dòng sông băng hùng vĩ, lạnh giá và rất mực yên tĩnh. Tôi có thể cảm nhận được sự đoàn kết tại đất nước này. Ở một quốc gia như vậy, không chỉ những người có việc làm mới sẵn lòng đóng nhiều thuế hơn, mà những người không làm việc cũng ít có xu hướng lợi dụng hệ thống này hơn – một lần nữa, bởi vì tồn tại một cảm giác thuộc về cộng đồng. Hay nói cách khác, ngay cả những người sống nhờ trợ cấp thất nghiệp cũng ít tận hưởng hơn.
Tất cả những điều này đã và đang biến đổi một cách chậm rãi nhưng chắc chắc trong vài năm trở lại đây, vì các quốc gia Scandinavia đã thực thi một chính sách tự do trong việc tiếp nhận người tị nạn và nạn nhân bị ngược đãi. Mỗi năm, Thụy Điển đón nhận khoảng 2.000 người tị nạn, hầu hết trong số họ đến từ các nước châu Phi, và hiện nay có hơn 80.000 dân tị nạn sinh sống tại đây. Cách mà dòng người nhập cư này làm thay đổi quan điểm về chủ nghĩa cộng đồng vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu mẫu hình quan sát được ở những quốc gia khác là một chỉ dấu, thì hệ quả - không sớm thì muộn – cũng sẽ là sự thay đổi trong nhận thức người dân về sự hào phóng mà họ đang dành cho những nhóm dân cư có thu nhập thấp hơn trong xã hội. Hiện nay, khu vực Scandinavia vẫn ít đa dạng chủng tộc hơn nhiều so với phần còn lại của châu Âu.
Khắp châu Âu, diện mạo và cảm giác về xã hội ngày nay rất khác so với thời điểm mà tôi sống tại đó lúc còn là sinh viên, chỉ ngay sau Thế chiến II. Lúc bấy giờ ở Luân Đôn, tôi đang tìm kiếm một căn phòng cho thuê và phải gọi điện hẹn chủ nhà để đi xem căn hộ, theo thông tin của những mẩu quảng cáo mà họ dựng lên. Qua điện thoại, tôi nói với họ rằng: “Tên tôi là Lee, nhưng tôi là người Hoa. Nên nếu ông không muốn cho một người Hoa thuê nhà thì hãy cho tôi biết, để tôi không phải đến đó xem căn hộ.” Lee là một cái họ khá thông dụng của người Anh và tôi muốn tránh bất cứ hiểu lầm không cần thiết nào ngay từ ban đầu. Mà cũng đúng như vậy, có một số chủ nhà khuyên tôi một cách lịch sự rằng không nên đi xem. Đó là xã hội Anh ngày trước – vẫn chiếm phần lớn là người da trắng và theo cách này hay cách khác vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối với những người không phải da trắng.
Nhiều năm trôi qua, vì tỉ lệ sinh giảm và nhu cầu về lao động, nên các nước châu Âu đã mở cửa cho người nhập cư từ châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu. Những người nhập cư đã làm giảm bớt áp lực về kinh tế và nhân khẩu nhưng cũng làm gia tăng các loại tội phạm khác nhau.
Tại Đức, có ít nhất 2,5 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sự bất bình trong lòng người dân Đức về số lượng của nhóm người này đã khơi mào một loạt những phản ứng tiêu cực dữ dội, với những báo cáo về những vụ phạm tội không thường xuyên nhưng đáng lo ngại có động cơ phân biệt chủng tộc được thực hiện bởi những người bản địa cực đoan. Tại Pháp, sự gia tăng của những vùng ngoại ô xung quanh những thành phố lớn, đặc biệt là Paris, nơi người nhập cư thiểu số chiếm số đông đã trở thành một vấn đề đau đầu cho chính phủ. Bạo động đôi khi diễn ra vì người dân những khu vực này cảm thấy bị đẩy ra ngoài rìa. Bất ổn xã hội vào năm 2005 đã mất kiểm soát, với gần 9.000 chiếc xe bị đốt trên khắp đất nước và chính phủ phải tuyên bố một tình trạng khẩn cấp kéo dài trong vòng hai tháng. Cảm giác bị cách ly ra khỏi xã hội và bị thua thiệt tồn tại ngay cả trong cộng đồng những sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc các sắc dân thiểu số. Số liệu chính thức cho thấy trong số những người quốc tịch Pháp, tỉ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp gốc Phi cao gấp ba lần so với người gốc Pháp.
Nước Anh cũng hỗn tạp hơn nhiều. Bất cứ ai dạo bước qua trung tâm những thành phố lớn của Anh đều có thể nói với bạn về điều này. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng đã từ từ chuyển từ người Hoa sang những nhóm dân tộc khác vì người Hoa khiêm tốn hơn và được xem là ít gây vấn đề nhất. Rất nhiều người trong thế hệ dân nhập cư người Hoa đầu tiên là chủ của các tiệm ăn và con cái của họ trở thành những người thành đạt. Sự chú ý giờ đây tập trung nhiều hơn sang nhóm người Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh, những người có xu hướng sống với nhau trong những khu vực lân cận thành những cộng đồng lớn. Có các trường học hoàn toàn chiếm đa số bởi các tộc người thiểu số bởi vì dân nhập cư vẫn chưa hòa nhập được vào xã hội bản địa.
Yếu tố tôn giáo góp phần thêm vào sự phức tạp của vấn đề. Nhiều người nhập cư là người đạo Hồi và, trong những năm gần đây, họ đã lên tiếng nhiều hơn về việc muốn xây dựng nhà thờ với các tháp giáo đường. Ảnh hưởng trực quan mà vấn đề này mang đến cho cảnh quan kiến trúc truyền thống của châu Âu không giúp làm dịu bớt nỗi lo sợ vốn dĩ đã lớn dần lên trong lòng người dân bản địa, đó là nỗi lo sợ về việc nền văn hóa và cộng đồng mà họ lớn lên đang ngày một bị thay đổi bởi những người ngoài đầy phiền nhiễu. Nếu người nhập cư theo đạo Thiên Chúa thì có lẽ tính phức tạp của vấn đề đã được thay đổi. Nhưng rồi sự chia rẽ vẫn hiện diện vì rất nhiều trong số họ là người Hồi Giáo mà tôn giáo thống trị ở châu Âu lại là Thiên Chúa Giáo – còn việc nhiều hay ít người châu Âu đi nhà thờ lại là một vấn đề khác.
Người châu Âu không cởi mở đối với vấn đề người nhập cư như người Mỹ. Họ đã không thành công trong việc hòa nhập dân nhập cư dù những người này đã sống lâu dài trong cộng đồng của họ. Mỹ là nước đón nhận những người mới nhiều hơn vì bản chất đây là một xã hội nhập cư, với các vị Cha Hành Hương đến đây từ 400 năm trước. Nhiều dân nhập cư đã phát triển trở thành tầng lớp thượng đẳng của xã hội Mỹ, bao gồm những người như Jerry Yang, doanh nhân gốc Đài Loan đồng sáng lập công ty Yahoo. Trái lại, châu Âu lại bao gồm những dân tộc được hình thành từ rất lâu và rất tự hào về nền văn học, văn hóa và lịch sử lâu đời của mình.
Trong hai ba năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo châu Âu – bao gồm David Cameron, Nicolas Sarkozy và Angela Merkel – lần lượt tuyên bố hiện tượng đa văn hóa đã thất bại tại những nước này. Nói cách khác, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ định cư ở Đức đã không trở thành người Đức, cũng như người Algeria và Tunisia ở Pháp không trở thành người Pháp. Càng ngày người châu Âu càng thấy khó có thể hòa nhập những con người này. Chủng tộc là gốc rễ cho khả năng khó hội nhập đó, mặc dù tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ cũng là các tác nhân. Nhưng châu Âu cũng không thể ngưng những dòng người nhập cư này vì họ đáp ứng một nhu cầu nội địa cấp thiết.Vì vậy có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến việc các chính phủ châu Âu để cho dân nhập cư vào nước mình khi họ có thể, và chỉ ngừng lại khi chu kỳ bầu cử sắp đến và các đảng cực hữu công kích những đối thủ ôn hòa của mình bằng những luận điệu giận dữ. Tuy nhiên bạn hãy nhìn tình huống này đi, họ đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn không dễ tìm ra lối thoát.