21 phút để đọc

alt

Lee Kuan Yew (2013). “Japan: Strolling into Mediocrity”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 125-136

Thách thức nghiêm trọng nhất Nhật Bản phải đối mặt là vấn đề dân số. Dân số của đất nước này đang nhanh chóng già đi và không tự thay thế. Tất cả những vấn đề khác – một nền kinh tế đình đốn và một sự lãnh đạo chính trị yếu ớt – đều nhạt nhòa đi khi so với vấn đề này. Nếu Nhật Bản không giải quyết vấn đề dân số thì tương lai của nó sẽ rất đáng lo ngại.

Chỉ riêng những số liệu đã cho thấy rõ. Tỉ lệ sinh đứng ở mức 1,39 trẻ trên một mẹ, quá thấp so với mức thay thế 2,1. Với mức sinh ngày càng thấp, số lượng người lao động chu cấp cho mỗi người già đã giảm từ 10 người năm 1950 xuống 2,8 người trong những năm gần đây. Con số này này được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống, tới mức 2 vào năm 2022 và có thể là 1,3 vào năm 2060. Tới khi con số này chạm mức 1,3, những người lao động trẻ có thể thấy quá sức chịu đựng đến mức họ sẽ chọn cách rời bỏ. Dân số, vốn tăng trưởng trong vòng sáu thập kỷ rưỡi sau chiến tranh từ 72 triệu người lên 128 triệu người, đã cho thấy sự sụt giảm trong ba năm qua và hiện tại đang ở mức 127,5 triệu người. Một nền kinh tế thu hẹp lại không còn cách bao xa. Tình thế hoàn toàn không mang tính bền vững.

Đã nhiều năm, phụ nữ Nhật Bản chấp nhận vai trò được chỉ định theo văn hóa của họ trong gia đình và trong xã hội. Họ khá hạnh phúc khi ở nhà sinh nở và nuôi dạy con cái, phục vụ người già và quán xuyến nội trợ. Nhưng khi phụ nữ đã đi đây đó, bị ảnh hưởng bởi những người ở những nơi khác trên thế giới, và khi họ đã nếm mùi vị của tự do lao động cùng sự độc lập về kinh tế, các quan điểm đã thay đổi sâu sắc và không thể đảo ngược. Ví dụ như một vài phụ nữ Nhật làm việc cho hãng hàng không Singapore Airlines đã kết hôn với những tiếp viên hàng không người Singapore. Họ đã chứng kiến cách sống của phụ nữ ở Singapore: tách biệt với nhà chồng và không có chồng kè kè ra lệnh.

Xã hội Nhật Bản cố hết sức kìm hãm làn sóng này và giữ cho phụ nữ phụ thuộc kinh tế vào đàn ông càng lâu càng tốt – nhưng thất bại. Trong một hoặc hai thế hệ, phụ nữ đã vứt bỏ vai trò của họ trong xã hội cũ. Họ thực hiện những tính toán riêng và quyết định rằng cách đối xử vốn có không còn xứng đáng với họ nữa. Họ không muốn mang gánh nặng con cái. Thật không may, một số lượng đáng kể những nhà tuyển dụng Nhật đã từ chối thay đổi theo thời đại. Không như Thụy Điển, nơi giúp phụ nữ có thể vừa có con cái vừa có sự nghiệp, nhiều công ty Nhật vẫn chuyển những người phụ nữ rời công việc để sinh con sang diện lao động tạm thời. Đối với những người phụ nữ có tham vọng và đang trên đà phát triển – cũng như đối với những người cảm thấy họ cần thu nhập toàn thời gian tương ứng với một sự nghiệp – thì quyết định có con trở nên quá tốn kém một cách không cần thiết. Nhiều người không bao giờ đủ can đảm để liều lĩnh, thậm chí ngay cả khi họ muốn có con.

Vấn đề tỉ lệ sinh thấp của Singapore không quá khác biệt so với của Nhật Bản. Nhưng có một điểm khác biệt căn bản: chúng ta đã giảm nhẹ vấn đề của mình bằng những người nhập cư. Nhật Bản thì rõ ràng là không khoan nhượng với việc chấp nhận người nước ngoài. Quan điểm cho rằng dân tộc Nhật phải thuần nhất đã ăn sâu đến mức không có nỗ lực nào trong việc thảo luận công khai các phương án được thực hiện. Đơn giản là không thể nào tưởng tượng ra một Nhật Bản đa chủng tộc – dù là trong công chúng Nhật hay trong giới tinh hoa chính trị của đất nước.

Tôi đã tận mắt chứng kiến niềm tự hào thuần chủng này. Trong thời Nhật chiếm Singapore, tôi có một quãng thời gian làm biên tập viên tiếng Anh ở Tòa nhà Cathay. Vào ngày 8 tháng Mười Hai hằng năm luôn có một nghi lễ ở đó, trong nghi lễ này những người lính Nhật mang kiếm dài của Samurai sẽ hô: “Ware ware Nihonjin wa Amaterasu no Shison desu (Người Nhật chúng ta là con cháu Nữ thần Mặt Trời)”. Nói cách khác, chúng tôi là thế còn các người thì không. Tôi nghi ngờ việc họ lặp lại câu nói đó nhiều lần như vậy ngày nay nhưng tôi không nghĩ niềm tin cơ bản đã thay đổi. Một sĩ quan dân sự Nhật được giáo dục và sinh ra tại đất Mỹ tên là George Takemura đã không được tin tưởng hoàn toàn. Anh ta làm việc ở Hodobu (Bộ Thông tin và Tuyên truyền Nhật) trong suốt cuộc chiếm đóng của quân Nhật và có tiếp xúc với những biên tập tin tức điện tín như tôi. Anh ta nói chuyện lẫn cư xử đều nhẹ nhàng.

Bám chắc vào một niềm tin như vậy có những hệ quả nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là những giải pháp hợp lý nhất theo lẽ thường cho thế tiến thoái lưỡng nan về dân số của họ có thể tự động bị loại bỏ. Ví dụ, nếu tôi là người Nhật, tôi sẽ tìm cách để thu hút nhập cư từ những dân tộc trông giống người Nhật và cố gắng hòa nhập họ – người Trung Quốc, người Hàn Quốc, có lẽ cả người Việt Nam nữa. Và sự thật là những nhóm dân như vậy đã tồn tại ở Nhật rồi. Có 566.000 người Triều Tiên và 687.000 người Trung Quốc sinh sống ở đất nước này. Nói sõi tiếng Nhật, họ hoàn toàn đã được đồng hóa vào phần còn lại của xã hội về lối sống lẫn thói quen và thiết tha được chấp nhận như một công dân Nhật hoàn chỉnh, được nhập tịch. Thực tế, nhiều người còn được sinh ra và lớn lên tại Nhật. Tuy vậy, xã hội Nhật vẫn không chấp nhận họ.

Để hoàn toàn hiểu đến tận cùng quan điểm biệt lập này, ta phải xem xét một nhóm khác cũng bị loại trừ: những người Nhật thuần chủng từ Mỹ La-tinh, còn được gọi là nikkeijin. Từ thập niên 1980, hàng chục nghìn người này, phần lớn từ Brazil, đã chuyển đến Nhật theo những chính sách di cư tự do được dựng lên với hi vọng họ sẽ là câu trả lời cho vấn đề dân số đang lão hóa của đất nước. Khi thực hiện hành trình nửa vòng trái đất, những nikkeijin này đã đi theo hướng ngược lại với ông nội hoặc ông cố của họ, những người đã xuất cảnh hồi thập niên 1920 để tìm kiếm việc làm ở các đồn điền cà phê khát nhân công tại Brazil. Cuộc thử nghiệm thất bại. Lớn lên trong một xã hội hoàn toàn khác, những nikkeijin bị những người bà con ở Nhật xa lánh về văn hóa đến mức họ bị đối xử như người nước ngoài. Cuối cùng, vào năm 2009, ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ đã chi cho những nikkeijin thất nghiệp một khoản phí tái định cư để họ quay lại Brazil. Ở một xã hội khác, một xã hội với một thái độ khác đối với người nước ngoài, cuộc thử nghiệm này có thể đã thành công. Thực tế, chính phủ Nhật Bản chắc hẳn cũng đã tin vào khả năng thành công trước khi họ thi hành chính sách. Ngay chính họ cũng đã đánh giá thấp mức độ không chấp nhận (người nước ngoài của xã hội).

Người nước ngoài hiện chiếm dưới 1,2 phần trăm tổng số cư dân ở Nhật, so với 6 phần trăm ở Anh, 8 phần trăm ở Đức và 10 phần trăm ở Tây Ban Nha. Nhật Bản thuần nhất đến mức những người Nhật trẻ đã trải qua một thời gian ở nước ngoài, thường là vì cha mẹ họ được đưa đi làm việc như những người định cư ở nước ngoài, sẽ có một thời gian khó khăn để hòa nhập khi về nước, ngay cả khi họ học ở những trường Nhật. Nhiều giao tiếp hằng ngày bị hạn chế, và người tiếp xúc thường đưa ra suy luận dựa trên ngôn ngữ cơ thể và âm yết hầu. Sẽ mất nhiều năm và cần một sự chuyển biến cơ bản trong quan niệm để đất nước này tính tới một giải pháp dân số dựa trên thu hút nhập cư. Nhưng Nhật Bản liệu có được thứ xa xỉ về thời gian để chờ thêm nhiều năm nữa trước khi đối mặt với vấn đề này hay không? Tôi nghi ngờ điều đó. Nếu họ để thêm 10 hay 15 năm nữa, họ sẽ trượt dốc không phanh và có lẽ sẽ quá muộn để cứu vãn.

Nhật Bản đã trải qua hai “thập kỷ mất mát”, và đất nước này hiện đang bước vào thập kỷ thứ ba. Từ năm 1960 tới năm 1990, GDP của đất nước này đã tăng trung bình hằng năm 6,2 phần trăm. Từ đống đổ nát sau chiến tranh, người Nhật đã tự nâng mình dậy, làm việc cật lực và xây nên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với sự trợ giúp từ người Mỹ. Khi các doanh nghiệp Nhật giành được các bất động sản ở phương Tây, những nhà phân tích lo ngại đã từng cảnh báo rằng Đại công ty Nhật Bản (Japan Incorporated) đã sẵn sàng thế chân các nước phát triển vốn đang dần chững lại – không khác cách một vài người bàn về Trung Quốc ngày nay. Nhưng vào năm 1991, bong bóng tài sản ở Nhật đã vỡ, khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng trì trệ kéo dài. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm từ 1991 chỉ khiêm tốn ở mức 1 phần trăm. Như tôi đã viết, thập kỷ đình trệ thứ ba đã bắt đầu. Nếu những hành động kiên quyết không được thực hiện sớm để giải quyết vấn đề dân số thì không có thay đổi về chính trị hay kinh tế nào có thể hồi phục đất nước này, cho dù chỉ thành một cái bóng mờ nhạt của sự năng động sau chiến tranh của nó.

Đặc điểm nhân khẩu học quyết định số mệnh của một dân tộc. Nếu bạn suy giảm dân số, với tư cách là một quốc gia, bạn đang suy giảm sức mạnh. Người già không đổi xe hơi và dàn ti vi. Họ không mua các bộ com-lê mới hay tới các câu lạc bộ chơi golf mới. Họ đã có tất cả những thứ họ cần. Họ hầu như không ăn tối ở những nhà hàng sang trọng. Vì lý do này, tôi rất bi quan về nước Nhật. Trong vòng một thập kỷ, tiêu thụ trong nước sẽ bắt đầu giảm và quá trình có lẽ không thể đảo ngược được nữa. Điều này lý giải một phần tại sao các gói kích thích lặp đi lặp lại chỉ có tác dụng khiêm tốn lên nền kinh tế. Nhật Bản của hôm nay vẫn là quốc gia sáng tạo thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, nếu đo bằng con số bằng sáng chế toàn cầu. Nhưng những phát minh là từ những người trẻ, không phải những người già. Trong ngành Toán, một người đạt đỉnh cao ở tầm tuổi 20 hoặc 21. Không một nhà toán học lớn nào cho ra những công trình lớn hơn sau độ tuổi đó.

Tôi đã thăm Nhật Bản vào tháng Năm năm 2012 để tham dự một hội nghị có tên “Tương lai châu Á”, được tổ chức bởi tập đoàn Nihon Keizai Shimbun. Khi nói chuyện với một vài lãnh đạo người Nhật tôi gặp, tôi có nói vòng quanh chủ đề dân số vì tôi muốn hiểu xem họ thực sự nghĩ thế nào. Tôi không hề nói: “Các vị sẽ nhận dân nhập cư chứ?” mà nói: “Giải pháp của các vị là gì?” Họ Đáp: “Trợ cấp cho chăm sóc trẻ nhiều hơn và các khoản thưởng cho trẻ sơ sinh.” Đó là cả một sự thất vọng. Các khoản thưởng cho trẻ sơ sinh sẽ không đảo ngược được tình thế. Việc chính phủ khuyến khích sinh con chỉ có một hiệu quả rất hạn chế ở những nơi họ thực hiện, bởi vì vấn đề không phải là chuyện tiền bạc mà là cách sống và nguyện vọng đã thay đổi của người dân. Ngay cả ở những nơi khuyến khích này tạo nên khác biệt, như Pháp hay Thụy Điển, quá trình cũng chậm chạp và cực kỳ tốn kém.

Người Nhật là một dân tộc gây ấn tượng mạnh. Khi trận động đất Tohoku xảy ra vào ngày 11 tháng Ba năm 2011, thế giới đã theo dõi đầy cảm phục cách người dân ở Nhật phản ứng – không hoảng loạn, không cướp bóc, chỉ có lòng tự trọng và vẻ khoan dung trên cảnh tàn phá, mọi người chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau. Rất ít xã hội nào có thể duy trì được sự bình tĩnh, trật tự và kỷ luật như thế trong suốt một thảm họa có tính nghiêm trọng như vậy. Nhật Bản hầu như là số một trong cách mà họ phấn đấu cho sự hoàn hảo đối với mọi thứ họ làm – từ việc sản xuất những chiếc ti vi và xe hơi không có lấy một lỗi nhỏ đến sự kết hợp của món sushi ngon lành nhất. Khả năng làm việc nhóm của nhân viên Nhật giúp họ vượt lên trên những quốc gia khác. Người Hàn Quốc và Trung Quốc có lẽ có thể sánh được với người Nhật ở cấp độ từng cá nhân. Nhưng theo đội nhóm thì không thể nào sánh được với người Nhật. Có thể chính ấn tượng này đã đưa tôi đến chỗ tin tưởng rằng một lúc nào đó người Nhật sẽ chuyển mình khỏi cơn ngủ mê về vấn đề dân số của họ – ngay khi thực tế khắc nghiệt nhìn thẳng vào mặt họ. Rốt cục thì làm sao có thể cho phép những người hàng xóm của bạn phát triển khi bạn dần lu mờ đi mà không có động thái gì về việc này?

Nhưng giờ tôi không còn tin vào việc Nhật chắc chắn sẽ có phản ứng. Nhiều năm trôi qua và tôi không thấy một chuyển biến nào. Có nhiều khả năng đây là một quốc gia đang dạo bước vào sự tầm thường. Cuộc sống, chắc chắn, sẽ vẫn thoải mái đối với những người Nhật trung lưu trong nhiều năm sắp tới. Không như những quốc gia đã phát triển ở phường Tây, Nhật Bản không tích những khoản nợ nước ngoài khổng lồ. Đất nước này cũng rất phát triển về công nghệ và người dân có học thức cao. Nhưng cuối cùng thì những vấn đề của Nhật Bản cũng sẽ đuổi kịp nó. Nếu tôi là một thanh niên người Nhật và tôi có thể nói tiếng Anh, có lẽ tôi sẽ chọn đường di cư ra nước ngoài.


Hỏi: Chúng ta đã chứng kiến tình hình thay đổi rất nhanh chóng. Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy Nhật Bản vươn lên rất nhanh. Ông có ngạc nhiên trước cách các sự kiện thay đổi không?

Đáp: Tôi không mong đợi điều này, nhưng rồi cách sống đã thay đổi.

Hỏi: Ông đã từng nói rằng khi Nhật Bản đã đến đường cùng, với tư cách là một dân tộc họ sẽ phản ứng. Họ sẽ chống trả bởi nó đã ăn sâu vào văn hóa của họ. Tại sao ông không nghĩ tương tự là họ sẽ có thể vượt qua được vấn đề dân số?

Đáp: Đó là tình huống họ chiến đấu với ai đó ở bên ngoài. Ở đây họ đang chiến đấu với ai đó bên trong họ. Phụ nữ phải thay đổi quan niệm – và cả đàn ông cũng vậy - để có nhiều con cái hơn. Nhưng phụ nữ đã thay đổi cách sống, không còn chỉ là người phục vụ cha mẹ, gia đình chồng, chồng và con cái, và họ đã nổi dậy.

Hỏi: Đó có phải là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của lãnh đạo chính trị đối với vấn đề này không? Singapore, ví dụ, đối mặt với vấn đề tương tự, nhưng những nhà lãnh đạo ở đây đang cố dẫn dắt. Họ đang cố thuyết phục, cảnh báo, khuyên lơn.

Đáp: Có lẽ là khác biệt văn hóa và họ không bàn về những chuyện này. Ngay cả nếu họ có bàn, tôi không nghĩ nó sẽ thay đổi suy nghĩ của người Nhật.

Hỏi: Có phải là giới lãnh đạo chính trị muốn thay đổi nhưng biết rằng dân chúng không sẵn sàng? Hay giới lãnh đạo chính trị đồng tình với dân chúng?

Đáp: Giới lãnh đạo chính trị là một phần của dân chúng. Nếu xã hội đang ở trong một cái khung tư tưởng lãnh đạm, anh không thể có một giới lãnh đạo năng động được. Người Nhật biết họ đang trong tình trạng đó, nhưng họ không làm gì cả. Họ dễ dãi.

Hỏi: Nhưng người ta không xem người Nhật là một dân tộc dễ dãi.

Đáp: Không may thay, trong vấn đề này, họ là thế.

Hỏi: Vậy ông có nghĩ sự xuất hiện của ví dụ như một lãnh đạo vĩ đại ở Nhật chẳng hạn có thể thay đổi được gì không?

Đáp: Không.

Hỏi: Nhưng ông thừa nhận rằng thương hiệu chính trị bất ổn của Nhật Bản là không có lợi. Lý giải của ông cho tính bất ổn này là gì?

Đáp: Quyền lãnh đạo xoay vòng giữa các thủ lĩnh samurai. Ở Nghị viện, anh có những phe phái được dẫn dắt bởi các samurai và chiến binh của họ. Và người có nhiều chiến binh hơn thì sẽ giành được chức thủ tướng. Tôi không biết liệu họ có đổi phe hay không. Có lẽ là có khi được dụ dỗ bởi các lời mời mọc về chức vụ. Nhưng dù có là gì thì nó cũng bất ổn và không cho người lãnh đạo cơ hội để tác động đến chính trị Nhật Bản.

Hỏi: Có lẽ người Nhật nghĩ về vấn đề dân cư theo kiểu: Phải, dân số sẽ suy giảm; phải, kinh tế sẽ suy thoái; nhưng nếu chúng tôi có thể giữ cho GDP theo đầu người tăng và duy trì mức sống, chúng tôi vẫn ổn.

Đáp: Không. Một dân số đang già đi sẽ không duy trì được GDP theo đầu người. Chính giới trẻ giữ cho nền kinh tế tiếp tục, và họ thiếu người trẻ.

Hỏi: Những hệ lụy về địa chính trị của một Nhật Bản bị thu hẹp là gì, đặc biệt là nếu xét sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Đáp: Ngay cả nếu họ bùng nổ số trẻ em và có một dân số tăng trưởng thì đối với họ sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn là một vấn đề lớn đến mức điều đó không tạo ra được khác biệt nào cả. Họ không thể chống lại Trung Quốc và họ chắc chắn không thể làm những gì họ đã làm trong thập niên 1930, khi họ cố gắng và gần như đã chinh phạt được phần lớn Trung Quốc. Họ cần đảm bảo an ninh từ Mỹ. Tự thân người Nhật không thể áp đảo hay ngăn trở người Trung Quốc. Nhưng người Nhật lại là đồng minh của người Mỹ, người Mỹ thì có thể. Và họ sẽ tiếp tục làm đồng minh, nhưng họ sẽ là một đối tác yếu hơn, một đối tác nhỏ hơn, đang suy tàn đi.

Hỏi: Vậy người Nhật sẽ nắm chắc tình bạn với Mỹ?

Đáp: Đó là lựa chọn tốt nhất của họ. Nhưng cùng lúc họ sẽ đầu tư và làm bạn với Trung Quốc, và dựa vào đó để kinh doanh.

Hỏi: Okinawa là một câu hỏi lớn dành cho người Nhật. Người Mỹ đóng hầu hết lực lượng của họ ở đây, nhưng người dân Okinawa cho rằng như vậy là không công bằng khi họ phải chịu chi phí an ninh cho toàn nước Nhật. Ông có nghĩ cuối cùng người Mỹ sẽ bị buộc phải rời đi không? Và nếu vậy, điều đó có ý nghĩa gì đối với an ninh của Nhật Bản?

Đáp: Tôi không thể nói liệu cuối cùng người Nhật có ủng hộ người Okinawa đẩy người Mỹ ra hay không, nhưng làm vậy không phải là lợi ích của Nhật. Nhưng nếu họ làm thế thì người Mỹ sẽ rút ra Guam và Midway, và đó là một quãng đường xa xôi đấy.

Hỏi: Trong thời gian 20 năm tới ông thấy mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật sẽ là loại quan hệ như thế nào?

Đáp: Còn tùy thuộc việc Mỹ có nền kinh tế kiểu gì. Nếu Mỹ không có tiền duy trì được liên minh, thì nó sẽ yếu đi. Nếu điều này xảy ra thì Nhật Bản phải quy phục Trung Quốc. Họ trở thành một dạng quốc gia phụ thuộc (a client state).

Hỏi: Một quốc gia phụ thuộc?

Đáp: Họ không thể chiến đấu với Trung Quốc. Họ phải lắng nghe Trung Quốc. Nếu có va chạm giữa tàu Nhật và tàu Trung Quốc trên quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư thì tàu Nhật sẽ rút lui.

Hỏi: Ông có thấy Nhật Bản đang bình thường hóa Lực lượng Tự vệ của mình không?

Đáp: Nếu ảnh hưởng của Mỹ lên khu vực giảm, Nhật Bản có thể phát triển một lực lượng tự vệ với vũ khí hạt nhân như một phương sách cuối cùng.

Hỏi: Và điều này sẽ giúp họ đáp trả Trung Quốc?

Đáp: Không đáp trả: Tự vệ thôi. Sao nó có thể đáp trả Trung Quốc được? Ba quả bom có thể xóa sổ Nhật Bản. Ba quả bom lại không thể xóa sổ được Trung Quốc.

Hỏi: Bắc Kinh sẽ ngăn cản nỗ lực của Nhật Bản trong việc bình thường hóa lực lượng tự vệ của họ hoặc phát triển tiềm lực hạt nhân chứ?

Đáp: Làm sao ngăn cản được? Nhật có quyền vũ trang bản thân. Những gì Trung Quốc có thể làm là tăng thêm vũ trang của mình thôi.

Hỏi: Một vấn đề khác bám gót mối quan hệ Trung-Nhật là ký ức về Đệ nhị Thế chiến. Liệu đây có tiếp tục là một vấn đề trong thời gian dài tới hay không?

Đáp: Người Nhật đã chiếm đóng Trung Quốc, chiếm tất cả các thành phố lớn. Nếu người Mỹ không đe dọa họ bởi lệnh cấm vận dầu mỏ thì họ có thể đã chinh phục được (toàn bộ) Trung Quốc. Trong bao lâu, tôi không biết, bởi họ sẽ đã mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh du kích. Người Trung Quốc không quên điều này.

Hỏi: Người Nhật khăng khăng rằng họ đã nhiều lần xin lỗi.

Đáp: Họ đã, nhưng họ tiếp tục viếng đền Yasukuni, nơi tất cả những tội phạm chiến tranh được chôn cất.

Hỏi: Ông từng một lần thuật lại một nhận xét ông nghe từ một lãnh đạo Nhật Bản, rằng nếu người Mỹ đánh người Việt, và họ đã làm thế, thì sau một thời gian nhất định, họ có thể lại bắt tay nhau. Nhưng nếu Nhật đánh Trung Quốc, thì thậm chí sau 100 năm, họ cũng không thể bắt tay nhau được.

Đáp: Đã một thời gian dài rồi đấy – từ năm 1931.

Hỏi: Lý giải của ông cho việc này là gì?

Đáp: Bởi vì Trung Quốc là một đất nước rất lớn, và một quốc gia nhỏ hơn rất nhiều đã cố chiếm giữ nó. Và họ đã gần như làm được điều đó bởi vì người Trung Quốc lúc đó bị phân mảnh bởi loạn sứ quân.

Hỏi: Vậy là có một mối thâm thù giữa hai dân tộc?

Đáp: Tôi sẽ không nói thế. Trao đổi mua bán giữa họ tăng trưởng ở mức phi thường. Nhật đang đầu tư vào Trung Quốc. Trung Quốc mời gọi đầu tư từ công nghệ của Nhật. Và Trung Quốc cung cấp một nền tảng sản xuất giá rẻ. Nhưng vấn đề Chiến tranh Thế giới lần thứ hai là một lá cờ mà anh có thể vẫy lúc này lúc khác.

Hỏi: Singapore và Đông Nam Á có nên hi vọng mối quan hệ giữa hai bên sẽ phát triển và hai nền kinh thế sẽ gắn kết với nhau chặt chẽ hơn không?

Đáp: Có, việc cả hai bên cùng thịnh vượng nằm trong lợi ích của chúng ta.

Biên dịch: Tống Thị Thanh Duyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày cập nhật: