Một Trung Quốc mới - Con người, Xã hội và Kinh tế
Vào mùa thu năm 1989, ngay sau biến cố Thiên An Môn, Tiền Ninh (Qian Ning), con trai của cựu Phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen), đạt được học bổng theo học tại Đại học Michigan. Trước khi tới Mỹ, anh này đang ở độ tuổi 30 và làm việc cho tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily). Một vài năm sau, anh ta viết một cuốn sách có tựa đề “Việc học ở nước Mỹ” (Studying in America) và được cho phép xuất bản tại Trung Quốc. Tiền Ninh xuất thân từ một gia đình có truyền thống cộng sản, nhưng những gì được viết trong cuốn sách của anh lại khá nổi loạn.
Tại thành phố Ann Arbor, Michigan, anh ta nhận ra rằng cuộc sống còn có cả những bữa tiệc, những buổi nướng thịt barbecue và những tình bạn tuyệt vời, chứ không chỉ là sự tự phê bình căng thẳng và đấu đá chính trị ở Bắc Kinh. Trong một đoạn văn, anh viết rằng những người vợ đã theo chân chồng đến Mỹ sẽ không còn là những người phụ nữ Trung Quốc điển hình khi trở về quê hương. Họ đã thấy cơ hội được sống một lối sống khác. Đó là cách Tiền Ninh gián tiếp thổ lộ rằng anh đã thay đổi cách nhìn của mình về những điều khả thi ở xã hội Trung Quốc. Đây là một nước Trung Quốc mới, với vô số kênh tương tác với thế giới bên ngoài.
Từ từ nhưng chắc chắn, quá trình mở cửa của Trung Quốc đang thay đổi diện mạo của xã hội nước này. Khi tôi lần đầu đến thăm Trung Quốc vào năm 1976, tôi thấy một xã hội khép kín và cứng nhắc. Những người dân Trung Quốc trên đường phố nhìn hao hao nhau trong những bộ cánh xanh hoặc đen. Mặc dù không phải trong kỳ nghỉ, họ vẫn cử một nhóm đông các em học sinh đến để hát chào đón tôi: “Huan ying, huan ying! Re he huan ying” (Hoan nghênh, hoan nghênh! Nhiệt liệt hoan nghênh!). Tôi thầm nghĩ: “Chúng đáng lẽ nên ở trường học, chứ không nên phí phạm thời gian đi từ trường tới sân bay, rồi lại về trường học, như thế mất nguyên cả một ngày học.” Có một sự cứng nhắc nhất định ở hệ thống này. Họ sẽ chào đón một vị khách và cố gắng gây ấn tượng với vị khách này bằng sự tiếp đón nồng ấm và hiếu khách, cùng lúc với cả những con số và quy mô hoành tráng cùng sự đồng bộ. Tôi nghĩ tình trạng này đã qua rồi. Họ biết rằng các vị khách không bị ấn tượng bởi những thứ này nữa. Những bộ đồng phục xanh đen cũng không còn. Bây giờ bạn có thể nhìn thấy đủ thứ màu sắc trên đường phố. Các thương hiệu cao cấp của phương Tây nhận thấy Trung Quốc là một thị trường triển vọng. Năm 2009, Trung Quốc thế chỗ Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn thứ hai trên thế giới, đứng sau mỗi Nhật Bản. Văn hóa tặng quà đem lại nguồn nhu cầu đặc biệt về đồng hồ và đồ làm từ da cao cấp. Mercedes-Benz và BMW tăng gấp đôi doanh số bán hàng ở thị trường Trung Quốc trong hai năm qua, ngay cả khi đơn đặt hàng ở các nước phát triển đã chững lại. Tầng lớp trung lưu ở nước này hiện tại đang theo đuổi sự chăm sóc vẻ ngoài, những bộ cánh lộng lẫy, và một cuộc sống tiện nghi. Họ cho rằng cách sống quá đơn giản không thể tạo nên một xã hội hạnh phúc.
Cũng như Tiền Ninh, lớp trẻ Trung Quốc hiện nay sống trong một ngôi làng toàn cầu. Mọi người di chuyển khắp nơi: người Trung Quốc tới Mỹ và châu Âu, và người Mỹ và người châu Âu lại tới Trung Quốc. Ngay cả nếu họ không có cơ hội học tập tại Michigan, sự tiếp cận với internet, phim truyện và sách báo nước ngoài cũng mở ra một cánh cửa đến với thế giới mà thế hệ của một vài thập niên trước chỉ có thể mơ đến. Tầm nhìn của họ được rộng mở. Quan điểm của họ về vị trí bản thân – cũng như vị thế của đất nước Trung Quốc – sẽ thay đổi. Một thế hệ mới được sinh ra và lớn lên sau thời kì mở cửa một ngày nào đó sẽ làm chủ đất nước. Họ sẽ làm được như vậy mà không phải chịu gánh nặng của những ký ức về quá khứ rối ren của Trung Quốc. Một nước Trung Quốc mà họ biết qua những trải nghiệm thường ngày – chứ không phải từ cuốn sách lịch sử – là một Trung Quốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ cuộc Chiến tranh thuốc phiện, và đang trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày.
Điều này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc của ngày mai? Liệu trong vòng 30 năm tới chúng ta có thể thấy một Trung Quốc quyết liệt hơn và dân tộc chủ nghĩa hơn nữa? Có thể lắm chứ. Tôi thấy chủ nghĩa dân tộc lớn dần chính là giai đoạn đầu tiên của đất nước Trung Quốc mới này, bởi vì người Trung Quốc cảm thấy như họ có thêm sức mạnh. Nhưng khi họ bắt đầu nhận thấy khả năng của mình chỉ có hạn, họ sẽ có một khoảng ngừng và tự suy ngẫm. Họ sẽ tiết chế phô trương sức mạnh cứng, bởi họ nhận ra rằng làm vậy chẳng thể làm người Mỹ rời bỏ khu vực. Và họ cũng sẽ nhận ra nếu họ càng áp đặt quan điểm của mình lên các nước láng giềng nhỏ hơn, thì những nước này càng xích lại gần Mỹ và đề nghị cung cấp các cơ sở để tàu sân bay Mỹ qua lại – như một sự bảo đảm cho chính mình.
Một vài năm trước, một vị lãnh đạo người Trung Quốc ở tuổi 70 đã hỏi tôi: “Ông có tin vào lập trường của chúng tôi về trỗi dậy hòa bình?” Tôi trả lời: “Tôi tin – nhưng tôi có lời cảnh báo. Thế hệ của ông đã trải qua cuộc chiến chống lại người Nhật, cuộc nội chiến, rồi Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa, vụ Bè lũ bốn tên, và giờ là chính sách Mở cửa. Ông biết rằng sẽ có nhiều cạm bẫy, và rằng để Trung Quốc có thể leo lên từng nấc thang mà không gặp rủi ro, ông cần sự ổn định từ bên trong, và hòa bình ở bên ngoài. Nhưng ông đang khắc sâu vào đầu lớp trẻ sự kiêu hãnh và lòng yêu nước quá lớn về một Trung Quốc đang trên đà hồi phục. Lớn đến mức khi họ bắt đầu biểu tình phản đối người Nhật, họ trở nên bạo lực. Và khi con trai tôi, thủ tướng Singapore, đến thăm Đài Bắc vào năm 2004, nó và Singapore bị công kích trên các phòng chat trên mạng internet của Trung Quốc, và bị gọi là kẻ vô ơn và phản bội. Quả là căng thẳng.” Vị lãnh đạo Trung Quốc nói rằng họ sẽ đảm bảo cho những người trẻ hiểu rõ điều này.
Tôi hy vọng là họ làm vậy. Một lúc nào đó trong tương lai, một thế hệ [người Trung Quốc – ND] có thể tin rằng mình đã chạm đến đỉnh trước khi họ thực sự như vậy. Điều đó thật buồn, và góp phần gây bất ổn cho khu vực. Trên thực tế, chỉ riêng việc chèo lái sự nổi lên của Trung Quốc là mục đích đủ để tận dụng được hết tài năng và đam mê của thế hệ này.
Qua thời gian, tôi tin chắc rằng Trung Quốc sẽ có khả năng nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với các nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo tiên tiến. Hiện tại họ đang cố gắng sánh ngang Mỹ ở những phân khúc cao nhất – không gian và công nghệ quốc phòng. Năng lượng của họ đang tập trung vào các sức mạnh nền tảng chiến lược ở bình diện toàn cầu. Rồi sau đó Trung Quốc có thể dần đuổi kịp [Mỹ – ND] trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng, tuy nhiên sản phẩm tiêu dùng hiện đang đứng chót về quy mô. Đó là bởi dù bạn có thể rất giàu có, nhưng nếu GPS hay tên lửa của bạn chẳng hạn phải phụ thuộc vào Mỹ, bạn vẫn có thể bị vượt mặt. Nghiên cứu vũ trụ và hệ thống GPS không phải là nguồn tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng có thể đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của họ không dễ bị quấy nhiễu bởi các hành động quân sự.
Chẳng có gì là bất biến trong quá trình phát triển của bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên tới nếu không có gì làm chệch đường. Nhưng có rất nhiều thách thức nghiêm trọng trong nước mà chính phủ Trung Quốc sẽ phải dành một khối lượng đáng kể năng lượng, thời gian và nguồn lực để giải quyết. Nếu bất cứ thách thức nào vượt khỏi tầm kiểm soát, suy thoái kinh tế hoặc bạo loạn xã hội nghiêm trọng có thể xảy ra. Ngay cả khi duy trì được sự ổn định thì những yếu tố hạn chế vẫn tồn tại. Chẳng hạn như tại sao iPhone không được phát minh ở Trung Quốc? Luật sở hữu trí tuệ và hệ thống doanh nghiệp hiện nay không tạo đủ động lực để giải phóng sức mạnh sáng tạo của người Trung Quốc mà chúng ta đã được chứng kiến ở trong lịch sử. Nhưng tôi khá lạc quan rằng lãnh đạo Trung Quốc hiện có đủ ý chí và khả năng để giải quyết những thách thức trong nước này một cách hợp lý. Trong hơn ba thập kỷ rưỡi tiến hành “gai ge kai fang” (cải cách khai phóng), hay là cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chứng minh rằng nước này có khả năng xem xét lại những chính sách sai lầm và kiểm soát được tình hình trước khi những chính sách này gây ra vấn đề lớn hơn.
Có một thời kỳ những thành phố liền kề sao chép lại rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng của nhau. Tại Thâm Quyến, Chu Hải và Macau, có tới bốn sân bay nằm gần nhau. Đó là trước khi họ kiềm chế được tình hình. Đã có thời các thị trưởng được đánh giá dựa trên tốc độ phát triển của thành phố mình, bất chấp việc nó có bền vững hay không. Bởi vậy thay vì tập trung vào những dự án tạo nên giá trị trường kì, họ đơn giản chỉ tập trung thúc đẩy các chỉ số GDP. Hệ quả là họ bỏ mặc môi trường, bỏ qua quá trình lập kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên họ cũng đã điều chỉnh việc này.
Trong quá trình phát triển, tình trạng căng thẳng nghiêm trọng có thể đến từ khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh trong đất liền, và ở một mức độ nhất định là khoảng cách giữa các thành phố. Các thành phố ven biển tăng trưởng nhanh hơn các thành phố nội địa ít nhất khoảng 30%, với một xuất phát điểm cao hơn hẳn. Những thành phố này thu hút đầu tư nhiều hơn, tạo công ăn việc làm tốt hơn và cung cấp tiêu chuẩn sống cao hơn cho cư dân của mình. Và khoảng cách này cứ được nới rộng thêm.
Tất nhiên việc một vài chênh lệch trong tăng trưởng tồn tại ở một đất nước rộng lớn như Trung Quốc là điều đương nhiên. Tôi không tin các tỉnh phía tây sẽ có ngày trở nên phồn vinh và tiên tiến ngang các tỉnh ven biển và ven sông. Hãy lấy nước Mỹ làm ví dụ. Bờ Đông và Bờ Tây đông dân hơn và thịnh vượng hơn các vùng nằm sâu trong đất liền, trừ một ngoại lệ là Chicago. Nhưng Chicago có dòng sông St Lawrence và Ngũ Đại Hồ (the Great Lakes) nơi tàu bè có thể qua lại. Khó có gì có thể thay thế được lợi thế địa lý ở gần biển. Hơn nữa, một vài tỉnh phía tây ở Trung Quốc nằm cách biển không xa nhưng lại có cả những vùng bán sa mạc, nơi có khí hậu khắc nghiệt. Những sinh viên xuất sắc muốn phát triển đều hướng đến vùng bờ biển hoặc Bắc Kinh để học đại học. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn, bởi những giáo sư và giáo viên tốt nhất của bạn cũng chẳng muốn chuyển vào sâu trong đất liền. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh khái niệm một “xã hội hài hòa” và biến nó thành một trong những mục tiêu nhằm cân bằng sự phát triển giữa vùng duyên hải và vùng nội địa. Trung Quốc cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các vùng miền tây phát triển thông qua việc đề xuất các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các doanh nhân. Việc này vẫn đang trong giai đoạn tiến hành. Đến cuối cùng, bạn có thể nâng tiêu chuẩn của các tỉnh nội địa lên khoảng 60, 70% so với các tỉnh duyên hải. Thách thức đặt ra là đảm bảo kiểm soát được sự bất mãn đến từ chênh lệch giàu nghèo. Truyền hình vệ tinh đã làm trầm trọng hóa thêm vấn đề. Người dân từ Thành Đô hay Vân Nam có thể thấy được sự phát triển của Bắc Kinh trên màn hình ti vi. Họ thấy những sân vận động Olympic – đồ sộ và được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới. Và họ tự hỏ: “Có thứ gì trong đó dành cho tôi? Bao giờ thì đến lượt tôi?”
Sự chênh lệch dẫn đến những vấn đề khác. Người dân ở những vùng nghèo hơn muốn chuyển đến những vùng giàu có hơn. Cuộc di cư từ nông thôn lên thành thị diễn ra trên diện rộng và ước tính mỗi ngày có 1% dân số Trung Quốc di cư. Người Trung Quốc có một hệ thống hộ khẩu (hukou) hay đăng ký hộ gia đình. Nó giống như hệ thống koseki của người Nhật – bạn không thể chuyển nơi cư trú của mình từ nơi A sang nơi B mà không có sự cho phép. Và nếu bạn làm như vậy thì ở nơi cư trú mới bạn sẽ không có quyền tiếp cận các dịch vụ sức khỏe, nhà ở, trường học cho trẻ em, v.v… Nhưng điều này không ngăn được sự di cư. Mọi công nhân ở nông thôn chuyển lên đô thị đều làm những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu ở quanh thành phố, mà không được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội cơ bản cho bản thân hay con cái họ. Đây là tình thế khó mà trụ vững được. Lãnh đạo biết rõ điều đó. Nhưng nếu họ cho phép di cư tự do thì tất cả các thành phố sẽ trở nên quá tải. Bởi vậy họ cố gắng tìm kiếm những giải pháp khác. Họ thuyết phục chính quyền địa phương đảm nhận một vài trách nhiệm đối với những người nhập cư, bởi các đô thị không thể phát triển nếu thiếu lao động. Tôi cũng được biết rằng họ lên kế hoạch xây dựng sáu cụm thành phố ở miền trung Trung Quốc, mỗi cụm có thể tiếp nhận đến 40 triệu cư dân. Họ hy vọng sẽ chuyển được người dân từ nông thôn sang các thành phố này, thay vì các tỉnh ven biển. Tuy nhiên cần có một cơ chế điều hành, bởi những thành phố này sẽ không thể đem lại cho người di cư những cơ hội họ có thể tìm thấy ở những thành phố duyên hải.
Nguồn lợi dễ đạt được nhất trong nền kinh tế Trung Quốc cũng đã dần cạn kiệt. Các nhà lãnh đạo sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh tế chung nhằm đảm bảo giữ vững tăng trưởng trong một vài thập niên tới. Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh một thời gian nữa, với nguồn nhân lực giá rẻ. Lực lượng nhân công ở các tỉnh thành miền tây sẽ đưa Trung Quốc tiến lên với mức tăng trưởng đạt 7, 8, 9% trong vòng 15 – 20 năm. Sau đó, tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào năng suất – họ sẽ đào tạo người dân như thế nào để sản xuất được nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian. Nói cách khác là làm sao để bạn đào tạo và trang bị cho lực lượng này những kĩ năng và công cụ làm việc khác nhau – dù là ở trường đại học, trường bách khoa hay các trường dạy nghề.
Trung Quốc còn phải đối mặt với một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn: cần làm gì với những doanh nghiệp nhà nước ngày càng tỏ ra kém hiệu quả. Ở đây, Trung Quốc đối mặt với một vấn đề căn bản về động lực cá nhân. Họ cố gắng thúc đẩy công chức trở nên giống các doanh nhân tư nhân. Nhưng việc đó không hiệu quả, bởi trừ khi bạn nắm trong tay 20% cổ phần, và bạn sống với nỗi lo thị trường cổ phiếu sẽ nuốt sống bạn, thì bạn sẽ không tỉnh giấc và thấy phải làm một điều gì đó. Bạn vẫn nhận lương. Việc kinh doanh có đi lên hay đi xuống, bạn vẫn sẽ nhận lương. Nhưng nếu bạn có tài sản liên đới, toàn bộ sinh kế hay toàn bộ cổ phần của bạn ở một công ty, bạn sẽ lo lắng về nó 24 giờ một ngày.
Liệu người Trung Quốc có sẵn sàng tiếp nhận khái niệm tư nhân hóa này? Họ đang ở giai đoạn công chức được yêu cầu làm thương mại, nhưng điều gì sẽ thúc đẩy một công chức làm việc như một người sở hữu? Trừ khi Trung Quốc đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, mà điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Còn không thì tôi không chắc họ sẽ quyết tâm làm gì đó dứt khoát về vấn đề này.
Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc cần chuyển đổi từ dựa vào xuất khẩu sang dựa trên tiêu thụ nội địa, giống như nước Mỹ. Để điều này xảy ra, bạn cần thay đổi tư duy tầng lớp trung lưu và tầng lớp hạ-trung lưu, những người đã sống trong cảnh nghèo khó quá lâu, và luôn tự động tích lũy lượng tài sản tăng thêm ở ngân hàng hoặc dưới gối. Họ chỉ chi tiền khi họ thấy tin tưởng về tương lai. Người Mỹ chi tiêu – và họ vay mượn và chi tiêu – không quan trọng họ có tự tin về tương lai của mình hay không. Có một niềm tin cơ bản ở Mỹ rằng mọi thứ cuối cùng rồi sẽ ổn. Đó là cách nền kinh tế của họ tăng trưởng – bằng tiêu dùng nội địa. Rốt cuộc đó cũng là con đường mà Trung Quốc phải đi. Nhưng họ sẽ tiến hành thời kỳ quá độ đó ra sao?
Những người dân nghèo sẽ vẫn cư xử như người nghèo ngay cả khi họ giàu. Bạn chỉ muốn tích lũy nhiều tài sản hơn và có nhiều khoản tiết kiệm hơn bởi bạn đã nghèo quá lâu rồi, bạn sợ rằng bạn sẽ có thể nghèo trở lại. Bạn sẽ bắt đầu chi tiêu chỉ khi bạn trở nên tự tin và tin rằng sự thịnh vượng này sẽ ở lại đây và thật ngu ngốc khi gò bó cuộc sống của mình. Trung Quốc buộc phải tiến tới giai đoạn đảm bảo kinh tế tăng trưởng bền vững. Họ không có thừa mứa thời gian. Đây là một cuộc chuyển giao mà nước này phải thực hiện trong vòng một hoặc hai thập kỷ.
Tuy nhiên sự thịnh vượng cần được phân bổ một cách hợp lý. Chênh lệch về thu nhập là một yếu tố làm trì trệ tiêu thụ nội địa, bởi sức mua hiện giờ chỉ tập trung ở các tỉnh thành ven biển chứ không có ở bộ phận dân số lớn hơn sống tại nông thôn và các vùng nội địa. Trung Quốc sẽ tái phân bổ tăng trưởng hay nguồn lợi nhuận như thế nào? Bạn cần phải đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi.
Hỏi: Chúng ta đã được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970. Ông có thể phác họa những nhân tố chính, mà theo ông, đã làm nên sự chuyển mình khó tin này của nền kinh tế Trung Quốc?
Đáp: Trước hết tôi nghĩ nó liên quan đến việc Đặng Tiểu Bình thay đổi chính sách. Thời kỳ đó nước họ còn là một Trung Quốc nép mình, cô lập với thế giới. Đặng tới Singapore, quan sát xem chúng tôi làm thế nào để phát triển phồn thịnh với thương mại và đầu tư với bên ngoài trong khi đất đai hạn chế. Ông ấy mở cửa các Vùng đặc khu kinh tế, dân chúng phát đạt, mở thêm nhiều vùng kinh tế nữa, người dân tiếp tục phát đạt. Rồi Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) đưa Trung Quốc đến với WTO và cả đất nước này hiện giờ là một phần của một khu vực đầu tư tự do. Và chừng nào Trung Quốc còn là nguồn cung lao động và nhân lực có tay nghề, nhân lực chuyên nghiệp với giá rẻ, nước họ vẫn sẽ là một địa bàn xuất khẩu chi phí thấp và hấp dẫn. Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng tăng cường tiêu thụ nội địa bởi họ đã giàu có hơn rồi.
Hỏi: Như vậy, nhìn theo một cách nào đó, liệu đây có phải là sự lặp lại câu chuyện của các con hổ châu Á? Hàn Quốc mở cửa, Hong Kong mở cửa,Singapore cũng mở cửa.
Đáp: Không, quy mô ở đây rất lớn và khác biệt. Bốn con hổ có thể xếp chung vào một tỉnh của Trung Quốc! Đó là một quy mô khổng lồ, và kết quả của quá trình mở cửa nền kinh tế này sẽ tác động đến nến kinh tế toàn thế giới trong 20, 30, 40 năm. Ý tôi là, hãy nhìn xem, đồng euro đang gặp vấn đề. Ôn Gia Bảo đến thăm châu Âu, Angela Merkel tới Bắc Kinh để đáp lại chuyến thăm, nguyên do là bởi Ôn Gia Bảo có dự trữ ngoại hối tương đương 3,2 nghìn tỉ đô la Mỹ. Cán cân kinh tế đã thay đổi như vậy đấy. Tôi không thấy Trung Quốc phung phí 3,2 nghìn tỉ đô la. Họ có thể mua vài trái phiếu đồng euro giá trị thấp như một sự đầu tư, chứ không phải đem cho không. Lợi ích của họ nằm ở việc châu Âu sẽ không sụp đổ, nếu không các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu sẽ gặp trục trặc, chứ không nằm ở việc đem cho không thứ gì.
Hỏi: Ông thấy những vấn đề gì đang nổi lên trong lòng Trung Quốc như một hệ quả của sự chuyển đổi kinh tế quá nhanh chóng này?
Đáp: Tôi nhận thấy điểm yếu của họ trong hai lĩnh vực. Thứ nhất, họ không có các thể chế quản trị - cá nhân sẽ mạnh hơn vị trí nắm quyền. Thứ hai, họ không có nền pháp quyền, mà chỉ có luật lệ của cá nhân nắm quyền. Vì vậy mọi thay đổi ở vị trí lãnh đạo có thể là một sự thay đổi chênh lệch đến vài cấp bậc của những người thuộc hàng chóp bu. Đây thực sự là một yếu tố bất ổn.
Hỏi: Vậy họ có khả năng điều chỉnh hai yếu kém này không?
Đáp: Không dễ đâu. Cái đó thuộc về văn hóa của nước họ. Và liệu Đảng Cộng sản có lợi ích gì không khi tạo nên một hệ thống khác mà vì nó họ có thể mất khả năng kiểm soát đất nước? Tôi không biết. Tôi nghĩ chẳng có động cơ nào để thay đổi hệ thống cả.
Hỏi: Liệu có điều gì có thể xảy ra buộc Trung Quốc phải thay đổi, cứ cho là trong vòng 15 hay 20 năm tới?
Đáp: Tôi không biết, có thể là một cuộc khủng hoảng nào đó chẳng hạn. Nhưng tôi không cho rằng một cuộc khủng hoảng sẽ đem lại một giải pháp như kiểu mô hình pháp quyền của phương Tây về việc quản trị các thể chế. Tôi thấy họ đang tự phát triển hệ thống giải quyết tranh chấp của chính mình.
Hỏi: Ông có cho rằng sự thiếu hụt nền pháp quyền có thể là một trở ngại cho Trung Quốc trên con đường phát triển văn hóa sáng tạo, nơi mà quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và tôn trọng?
Đáp: Họ sẽ chú ý và hành động chỉ khi Trung Quốc có đủ sản phẩm trí tuệ để bảo vệ. Họ vẫn chưa chạm tới giai đoạn đó. Điều này cản trở phát minh và việc đăng ký bằng sáng chế. Tình hình cũng có thể dần thay đổi khi Trung Quốc tạo được một động lực sáng tạo đủ lớn để hình thành những dự án mới.
Hỏi: Nhưng nếu Trung Quốc hội nhập hơn với kinh tế quốc tế và nhiều công ty nước ngoài muốn kinh doanh với họ hơn, chẳng phải nước này sẽ chịu áp lực phải điều chỉnh cho phù hợp với những khía cạnh nhất định của nền pháp quyền như hợp đồng hay sở hữu trí tuệ?
Đáp: Về việc này họ có thể có một loạt lĩnh vực có trọng tài phân xử. Nhưng đó sẽ là một khu vực cách biệt thôi. Tôi không tin việc này [bên thứ ba phân xử - ND] sẽ trải rộng toàn xã hội. Tôi không nghĩ những vụ việc như vụ Ô Khảm có tòa án xét xử, mà sẽ được giải quyết bằng vũ lực. Đó là ý kiến của riêng tôi. Tôi thấy nền pháp quyền chẳng phải xuất phát từ hư không. Trung Quốc đâu có học tập hệ thống của phương Tây sau đó băn khoăn: chúng ta phải làm gì để cải thiện hệ thống của mình? Họ sẽ tự cải thiện bằng cách điều chỉnh các cơ chế khi họ phát triển, khi họ gặp vấn đề.
Hỏi: Nhưng Trung Quốc đâu có phản bác lại việc học hỏi từ phương Tây. Suy cho cùng thì chủ nghĩa Marx đến từ phương Tây mà.
Đáp: Không, không, không, đó là một vấn đề hoàn toàn khác biệt, và tôi cũng không nghĩ họ tin vào chủ nghĩa Marx. Đó là một giai đoạn họ theo Liên Xô. Đó là lòng trung thành theo thần học. Chẳng hạn khi Trung Quốc nói về dân chủ, định nghĩa về dân chủ của họ không hề giống với của Mỹ, của Anh, hay của chúng tôi. Đối với tôi, điều quy tắc căn bản, tiêu chuẩn đánh giá thực sự của dân chủ đó là: Bạn có thể thay đổi chính phủ bằng phiếu bầu hay không? Chỉ có vậy thôi. Trung Quốc đã học hỏi chúng tôi, làm thế nào để chúng tôi nắm giữ quyền lực? Chúng tôi có phiếu bầu. Và khi chúng tôi thua ở một khu vực bầu cử, chúng tôi phải chuẩn bị cho vòng kế tiếp: chúng tôi có thể mất thêm ghế, hoặc giữ được ghế của mình, hoặc lấy lại những ghế đã mất. Nói cách khác, bạn có thể thay đổi được chính phủ chỉ bằng phiếu bầu. Harold Laski đã thâu tóm lại vấn đề bằng một câu kinh điển: bạn làm cách mạng hoặc bằng đồng thuận, hoặc bằng bạo lực. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách bằng bầu cử, hay giải quyết vấn đề thông qua phiếu bầu.
Hỏi: Hệ thống hộ khẩu (hukou) là chủ đề tranh luận căng thẳng ở Trung Quốc thời gian qua, nhiều người đã kêu gọi xóa bỏ nó. Ông có nhận thấy chính phủ Trung Quốc đang thay đổi chính sách về hộ khẩu, có thể không phải ngay lập tức, nhưng đang dần dần nới lỏng hơn và linh hoạt hơn trong quy định về di cư lên thành thị không?
Đáp: Có lẽ vậy, nhưng điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ áp đặt gánh nặng tiếp nhận những người di cư này lên các thành phố và chính quyền thành phố. Trừ khi các thành phố được tăng thêm ngân sách, còn không làm sao họ gánh được chi phí này?
Hỏi: Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với một sự đình trệ nghiêm trọng, trừ khi nước này tiến hành một số thay đổi căn bản với nền kinh tế. Và bản báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cần phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Đáp: Đó là phương pháp ít hiệu quả hơn. Động lực đối với các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước không giống nhau. Họ nhận được chỉ thị: nỗ lực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Nhưng dù bạn có làm việc hiệu quả hay không, bạn vẫn được trả lương. Sự thay đổi sẽ tới khi bạn sở hữu khối tài sản đó. Toàn bộ tài sản của bạn luôn trong tình trạng không an toàn và bạn sẽ phải tập trung vào công việc 24 trên 24 giờ. Liệu các doanh nhân Trung Quốc có sẵn sàng làm như vậy không? Ở Nga họ tư nhân hóa và các tập đoàn đầu sỏ chính trị tiếp quản một phần lớn nền kinh tế. Sau đó, một số tập đoàn điều hành khá hiệu quả bởi đó chính là tài sản của họ.
Hỏi: Theo ông thì Trung Quốc có đang làm như vậy không?
Đáp: Bạn làm như thế nào để tư nhân hóa một cách công bằng? Bạn bán doanh nghiệp cho ai chứ?
Hỏi: Nhưng dựa trên những gì ông đã nói về “quan hệ” (guanxi) và “ô dù” trong hệ thống của Trung Quốc, điều này [tư nhân hóa – ND] sẽ hòa hợp với mô hình của họ.
Đáp: Và bạn chỉ đem doanh nghiệp đi cho như thế sao? Tôi nghĩ những vấn đề rắc rối sẽ xuất hiện, và sẽ có sự cạnh tranh giữa những người chóp bu. Ngay lập tức sẽ có một cuộc đấu tranh vì quyền lực. Trường hợp của Liên Xô là sự sụp đổ của một nhà nước. Liên bang Xô viết sụp đổ, quá khứ trở nên xa vời, và khi tất cả những việc này xảy ra, họ hoàn toàn choáng váng.
Hỏi: Giả sử sự kém hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp nhà nước gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khiến nền kinh tế chững lại, liệu đó đã đủ để Trung Quốc thay đổi?
Đáp: Tôi không thể nói trước được. Nếu sự chững lại thực sự nghiêm trọng, Trung Quốc sẽ phải nghĩ cách thúc đẩy các nhà quản lý hoặc thay thế bằng những người có tư duy kinh doanh và trao quyền lợi cho họ. Chính quyền Trung Quốc làm như thế nào? Trao quyền cho bạn bè và các đồng chí trong đảng ư? Làm sao điều đó có thể đảm bảo rằng đây đúng là những người có đủ phẩm chất để điều hành công ty? Nếu họ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng và các doanh nhân phát triển, thì sau này các doanh nghiệp này có thể đảm nhận việc điều hành doanh nghiệp nhà nước, bởi họ thực sự là những người tự đi lên bằng sức mình. Họ chuyên nghiệp và biết cách làm việc với các lực lượng thị trường.
Hỏi: Vậy điều đó (thay đổi – ND) là khả thi nếu như có đủ doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển.
Đáp: Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp này không có đủ nguồn quỹ. Ngân sách chỉ rót tiền vào doanh nghiệp sở hữu bởi nhà nước. Nếu Trung Quốc muốn cải thiện tình hình, họ buộc phải trích quỹ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó họ có thể có một nhóm các doanh nhân tiềm năng, những người có thể dần dần tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước. Tôi nghĩ đấy là một giải pháp.
Hỏi: Ông có cho rằng cách Trung Quốc tổ chức nền kinh tế và cách tổ chức chính trị ngăn cản sức sáng tạo hay phát minh trong những ngành công nghiệp tiên tiến, điều mà ông có thể thấy là thế mạnh hàng đầu của một nền kinh tế như Hoa Kỳ chẳng hạn?
Đáp: Vâng, tất nhiên, và đó là lý do tại sao Mỹ không sản xuất iPad hay iPhone. Nó không phải của họ, mà của Steve Jobs. Ông ta phát minh ra nó, ông ta có bằng sáng chế, và ông ta trở thành tỉ phú.
Hỏi: Vậy liệu đó có phải là một trở ngại cho sự phát triển của Trung Quốc? Chẳng phải nó sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ?
Đáp: Điều đó lâu nay vẫn là một trở ngại. Bạn hãy nhìn vào mọi phát minh như iPhone, iPad, mạng Internet, tại sao chúng không đến từ Trung Quốc? Thiếu tài năng không phải là nguyên nhân, nhưng rõ ràng đang thiếu một điều gì đó.
Hỏi: Giả dụ như thế này, liệu có một ngày một số sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, với lý lịch sáng chói, có thể quay trở lại Trung Quốc và…
Đáp: Và thay đổi hệ thống?
Hỏi: Ít nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Đáp: Khi những sinh viên này quay lại họ sẽ được sắp xếp vào vị trí thích hợp - ở vào khoảng tầm trung, và đến khi họ leo lên được đến những vị trí đứng đầu, họ đã bị hệ thống “tiêm nhiễm” và họ sẽ hành động như những người đi trước. Đó là vấn đề của họ. Ý tôi là nếu Trung Quốc cử người tới Mỹ học quản lý tầm trung rồi trở về và đảm nhiệm điều hành một hệ thống khác, tôi nghĩ cũng được thôi. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền lực, mà theo tôi họ sẽ không làm vậy. Nó đi ngược lại bản chất [của chế độ - ND]. Họ sẽ làm gì sau đó chứ?
Hỏi: Vậy hệ thống có sức ì lớn này liệu có thể giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức cao, hay nền kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại như Ngân hàng Thế giới đã nói?
Đáp: Tôi thì tin là nó sẽ chững lại. Khi nguồn nhân lực giá rẻ đã cạn kiệt, họ sẽ chững lại.
Hỏi: Ông có tin trong vòng 15 đến 20 năm nữa, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi không?
Đáp: Tôi nghĩ có thể họ nhắm đến khả năng chuyển đổi này. Nhưng khả năng chuyển đổi không đi cùng với một tỉ giá hối đoái hợp lý. Bạn có thể chuyển đổi và hạ giá đồng tiền của bạn để tăng xuất khẩu. Họ sẽ tăng giá trị tiền tệ nhưng với tốc độ dần dần. Họ sẽ luôn muốn có lợi thế của xuất khẩu chi phí thấp. Trung Quốc là một nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, chứ không dựa trên tiêu thụ nội địa như Mỹ, và Mỹ muốn Trung Quốc chuyển sang hệ thống này. Tôi nghĩ sớm muộn rồi họ cũng buộc phải chuyển sang hệ thống này thôi, nhưng phải có thay đổi trong tư duy của tầng lớp trung lưu và hạ-trung lưu. Bạn phải khuyến khích người dân chi tiêu nhiều lên chứ không chỉ đơn giản là tiết kiệm. Tôi tin rằng rốt cuộc thì tiêu thụ nội địa chính là nguồn cơ bản duy nhất cho sự tăng trưởng bền vững. Nhưng để viễn cảnh đó xảy ra, bạn cũng phải phân bổ lại tăng trưởng, bởi những người dân sống ở các tỉnh thành nội địa không có sức mua. Bạn cần đảm bảo mọi người dân đều phát triển và có lợi.
Hỏi: Vậy nhìn vào viễn cảnh mà ông vẽ nên, thì các chính phủ phải tiến hành những biến chuyển đáng kể đối với hệ thống xã hội – đặc biệt về sự tiếp cận giáo dục, đào tạo, mà theo ông thì qua đó, mọi người sẽ đều được hưởng lợi. Vậy nhu cầu, đòi hỏi về kinh tế liệu có thúc đẩy thay đổi xã hội?
Đáp: Vâng, bạn có thể nói như vậy. Nhưng cái cách họ nhìn nhận vấn đề là: nếu họ không làm như thế, kinh tế sẽ đình trệ. Vì thế họ sẽ thay đổi bởi họ không muốn nền kinh tế của nước mình đình trệ.