Giá trị của đám đông
Tiền của người nào dễ lấy nhất?
- Tiền của đàn ông háo sắc
- Tiền của phụ nữ yêu thích sắc đẹp
- Tiền của người nghèo đột nhiên giàu có
- Tiền của người giàu sợ chết
- Tiền dành cho việc giáo dục trẻ em
- Tiền của những kẻ lười biếng muốn tiết kiệm công sức
- Tiền của những người cô đơn dành cho thú cưng
- Tiền của người già vì sức khoẻ
Nhớ rằng:
- Phụ nữ sợ xấu
- Bố mẹ sợ con dốt
- Người già sợ chết
- Đàn ông sợ thất bại
Giá trị quan của đám đông và cách đám đông bị thao túng
Vào thời điểm tớ viết bài này, đám đông vẫn đang “tranh luận” giá trị thực sự của PI Networks. Nếu thời điểm cậu đọc bài này nếu chủ đề nó không còn “hot trend” nữa. Cậu cũng không có khái niệm gì về nó cả. Thì cậu chỉ cần biết đây chẳng qua là một ví dụ cho một trận nháo nhào của đám đông.
Chuyện là khi PI được lên sàn giao dịch Crypto (02/2025), giới coin thủ đa phần chê bai PI Network bản chất không phải là Crypto vì không có cơ chế “xác thực” đúng nghĩa, cũng chả có tính phi tập trung.
PI thủ thì cũng toàn những kẻ mơ mộng. “Chúng bay cứ chờ xem, sau này ai giàu hơn ai sẽ biết!”.
Quay ngược lại thời gian khoảng 5, 6 năm trước, coin thủ cũng bị giới đầu tư truyền thống như chứng khoán, đất đai dè bỉu. Họ cho rằng Crypto chỉ là một mô hình lừa đảo ponzi (kim tự tháp), thế nào rồi cũng sập.
Thế rồi sau này khi giá Bitcoin lên tới gần 100,000$ họ lại bảo đây là một khoản đầu tư “mạo hiểm” có thể thử nghiệm. Quả thật là vật chất quyết định ý thức mà!
Tớ chỉ thấy những cuộc tranh luận này giống kiểu chó chê mèo lắm lông.
Điểm chung ở đây là mọi người đều tin và bấu víu vào một thứ lửng lơ ở đâu đó. Nhưng những thứ lửng lơ đó lại mang về cho họ giá trị thật, thô ở đây là tiền. Thế là họ tìm đủ mọi lý do để lý giải, biện minh rồi bấu víu vào nó.
Thực ra để kiểm soát đám đông chỉ cần hai công cụ: tiền & lý do.
Tiền
Vật chất sẽ quyết định ý thức, khi họ cho đám đông thật nhiều tiền thì dù lý do có sai, có vô lý đến đâu đều có thể chuyển hóa thành đúng, thành có lý cả.
Một người nói cậu sẽ nghĩ đó là xàm. Hai người nói, ba người nói, trăm người nói thì cậu sẽ bắt đầu dao động.
Rồi đến cả những người mình coi trọng, một ông tiến sĩ nọ, vị giáo sư kia đứng ra nêu quan điểm rằng thể loại này có giá trị nội tại, thì dù giá trị quan của cậu có vững đến mức nào cũng sẽ có lúc bị lung lay, bị lật lại.
Thêm nữa là nếu lần lật lại này cậu lại thu được tiền từ nó. Lúc này cậu sẽ rơi vào cái bẫy khi tự huyễn rằng mình là người thông minh, là thức thời.
Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền.
Lý do
Có một lần tớ coi video của một chị KOL chứng khoán đi tới cuộc họp cổ đông của doanh nghiệp nọ và nói thế này:
Thực ra ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không thiếu và không ngại chi tiền nhưng họ cần một lý do. Không biết trong năm nay công ty mình có những định hướng phát triển gì để nhà đầu tư có lý do để xuống tiền?
Ô thế ra các “nhà đầu tư” bỏ tiền ra họ chỉ cần một lý do. Cái lý do mà theo giá trị quan của họ xác nhận là đúng, là phù hợp.
- Các anh xuất thân từ kỹ thuật thì tin vào kỹ thuật và khoa học.
- Các chị tài chính thì tin vào tình hình kinh doanh, tiềm năng phát triển của thị trường.
- Các cậu lính toe mới thì thần tượng vào những câu chuyện tăng trưởng vũ bão trên thương trường.
Cậu nên nhớ rằng “Lý do có thể được tạo ra bằng tiền”.
Vậy họ lấy tiền bằng cách nào?
Bơm xả, nhấn bàn đạp, rồi cho bánh xe lăn đi theo quán tính. Họ chỉ tốn công nhấn bàn đạp lúc ban đầu nhưng quán tính của đám đông sẽ đẩy nó đi xa.
Và rồi họ lấy tiền tại những khoảng trượt quán tính đó, bằng những thuật ngữ mỹ miều như “trào lưu”, “cuộc cách mạng”, “thời đại của”, “chúng ta của sau này”….
Bánh xe lăn được bao xa thì tùy thuộc vào “chất lượng” của đám đông. Còn “chất lượng” của đám đông thì đến từ niềm tin, sự cuồng tín, thu nhập, tri thức và độ chịu chơi của những con người trong đó.
Khi cậu nghĩ là cậu học cao hiểu rộng nhiều khả năng cao cậu lại là đối tượng dễ bị lợi dụng
Có người nói hiện nay đám đông kiến thức càng nhiều, khoa học càng phát triển thì đám đông sẽ càng ngày càng khôn ra.
Tớ lại không nghĩ vậy. Kiến thức càng nhiều càng dễ bị lợi dụng.
Bitcoin ngày xưa không có giá trị ngoại trừ là cuộc chơi tài chính. Nhưng sau vài vòng đảo qua đảo lại, giới “tinh hoa”, hay còn được coi là thế lực đứng đằng sau, họ có đủ tiền để thuê được người giỏi chuyên môn làm ra những sản phẩm tạo ra giá trị thực ở mảng Crypto.
Tớ cũng không ngạc nhiên lắm nếu sau này Crypto sẽ hoặc tiếp tục phát triển, hoặc lụi tàn. Cả hai đều có thể lý giải và có khả năng xảy ra.
Tớ chỉ biết rằng bản chất nó là một công cụ đòn bẩy dựa trên niềm tin của đám đông. Thành công hay không thì hạ hồi phân giải.
Đặc biệt giai đoạn hiện tại, xã hội đã được sắp xếp và vận hành theo nền kinh tế tri thức. Nghe thì có vẻ tuyệt vời và hợp lý khi người giỏi, người tài sẽ được xã hội trọng dụng.
Tuy nhiên có một góc tối ít người kể ra là cơ hội thăng tiến và đi lên về mặt kinh tế, địa vị xã hội của những người đi sau càng ngày càng khó do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đây là đặc điểm chung của những xã hội được coi là phát triển, và thịnh vượng.
Giới trẻ càng ngày càng giỏi, thu nhập theo giá trị tuyệt đối của họ cũng cao dần lên. Thế nhưng nhu cầu vươn lên, khát khao kiếm tiền của những người này cũng sẽ ngày một lớn. Cái mà họ cần chỉ là một lý do hợp lý theo nhận thức và thế giới quan của họ.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên “Lý do có thể được tạo ra bằng tiền”.
Giai đoạn hiện tại của tớ thì họ đánh vào FOMO (fear of missing out); vào cảm giác bị bỏ lại, thua kém vì luôn phải chạy theo sau, đuổi không kịp những hình mẫu “tinh hoa” ở phía trước.
Sau này tớ nghĩ có lẽ họ sẽ đánh vào cảm giác thỏa mãn cái tôi. Tôi sẽ là một thứ gì đó khác biệt.
Tuy nhiên cậu thử nghĩ xem ai cũng nghĩ mình khác biệt thì có chắc là những người đó thực sự khác biệt????
Vậy nên hành xử thế nào cho đúng?
Phải nhận biết, xác định được tính chất đám đông, giá trị mà đám đông đó tin tưởng. Mặc dù chính bản thân cậu có thể không tin vào nó!
Bỏ đi cái tôi, giá trị quan của chính mình mà chỉ nên coi đây là một cuộc dạo chơi.
Đừng bao giờ lấy cứng chọi cứng, dù cậu có giỏi cỡ nào cũng sẽ không địch lại được đám đông. Trừ khi cậu có thể tự tạo hay tận dụng được đám đông.
Xem đám đông như nước triều có lên và có xuống. Nắm quy luật của nó để theo con nước mà đi.
Hãy tin nhưng đừng bám víu!