9 phút để đọc

Phan Bội Châu kể lại rằng:

Lúc còn bé đi học, tôi cũng thông hiểu chút ít đại nghĩa, vẫn không thích làm người tầm thường, thỉnh thoảng lại ngâm câu thơ trong sách Tùy Viên:

Túc dạ bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương.

Tức là:
Khuya sớm những mong ghi tên vào sử sách,
Lập thân hèn nhát ấy văn chương.

Ông Nguyễn Ái Quốc lúc lên 10 tuổi, nghe tôi lúc rượu say ngâm câu này, đến bây giờ ông vẫn còn thuật lại.

alt

F.H.Schneider《Quan lại ở Bắc Kỳ những năm 1880 - 1890》

Tôn Cường Để lên làm minh chủ

Số là ban đầu tôi định chiêu nạp bọn anh hùng lục lâm và những người trong đảng Cần Vương còn sót lại để dựng cờ khởi nghĩa ở khoảng Nghệ Tĩnh. Bởi vậy có một lúc nhiều khách rượu làng chơi cùng tôi giao du, lui tới thân mật lắm.

Bộ hạ cũ của Phan Tướng Công là Quỳnh Quảng và môn hạ của Bạch Xỉ là bọn Kiễm và Cọng hay ra vào lui tới nhà tôi luôn.

Nhà tôi là nhà làm nghề dạy học, nhưng mà học trò chỉ ở nhà ngoài, còn nhà trong thì chứa đầy khách hào kiệt, sơn lâm. Các ông đồ nho trong xóm gặp lúc đi ngang chợt ngó thấy tình trạng như thế, đều lắc đầu lè lưỡi, đến nỗi lần sau các ông không dám day mặt ngó vào nhà tôi nữa.

Việc chúng tôi mưu tính lần hồi chín chắn, gần tới ngày hẹn nhau phát lên rồi. Song ông bạn thân là Đặng quân Thái Thân nói với tôi:

Xem kỹ lại thời thế chưa có chỗ nào mình ​đảng thừa cơ làm việc lớn. Bọn ta vội vã làm càn, chắc là không xong việc gì được đâu. Nhưng ta cũng phải làm sao để chỉ tỏ cho người Pháp biết rằng quốc dân ta chẳng phải toàn là hạng người quá hèn, vậy thì ta cứ mạo hiểm làm một phen cũng được, có điều là mong ước sao chúng ta cất tiếng lên trước rồi phải có người nối lời sau mới được.

Nhưng nếu ta chỉ khởi sự trong khoảng Nghệ Tĩnh mà thôi, tôi e như chuyện cái thai đứa nhỏ khó đẻ, ở trong bụng mẹ lọt ra chưa kịp khóc oa oa mấy tiếng thì đã chết non mất rồi. Tôi trộm suy nghĩ mà lo ngại dùm cho tiên sinh chỗ đó.

Theo ý tôi tưởng, trước hết ta nên vô Nam ra Bắc, cầu anh em hào kiệt ở hai nơi cùng làm việc với ta. Đất Bắc Kỳ vốn nihều nghĩa sĩ, từ Quảng Nam trở vô Nam Trung cũng không thiếu gì hạng người khảng khái bi ca. Ta lấy nghĩa đề huê với họ rồi tất cả anh em ba nơi đồng thời khởi nghĩa, để chia bớt sức mạnh của bên địch, mà vây cánh đồ đảng chúng ta đông, như vậy họa chăng mới làm nên công việc.

Đặng quân vốn người hăng hái, gan dạ, nhân phẩm lại cao, trải 10 năm vừa là thầy vừa là bạn tôi. Nay nghe lời ông nói rất đúng, tôi mới tỉnh ngộ, liền bàn định trước hết hãy vô Nam Trung, rồi sau sẽ ra ngoài Bắc, liên kết với các phe đảng anh em toàn quốc, để sắp đặt khởi ​nghĩa sau.

Lúc bấy giờ bạn đồng niên với tôi, ông Đặng Văn Bá cũng tán thành chí tôi đã định, bèn cùng tôi đi vô trong Nam.


Tôi vô Nam chuyến này, nghe nói trong đảng Cần Vương hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, có viên kiện tướng là ông Nguyễn Thành, sau khi bị bắt nhờ có Nguyển Thân cứu dùm, may mà được tha, giờ ông đang ở trong núi làm ăn. Song chí khí hồi xưa vẫn còn nồng nàn, chưa phải là tro tàn lửa nguội, chẳng qua như chim cắt đang đợi có gió thu đó thôi.

Mùa xuân, tháng hai năm Quý Mão (1903), tôi với hai họ Đặng cùng vô Quảng Nam. Lúc đi ngang Huế, gặp ông Lê Võ từ Bình Định trở về tới đó.

Lê Quân vốn con nhà làm tướng. Bốn người anh đều chết vì nạn nước. Ông nhỏ tuổi nhất trong nhà, thành ra may mắn chưa chết. Khi gặp tôi ở kinh thành, Lê Quân tỏ bầy chí khí như phơi gan trải mật. Chúng tôi hôm sớm quấn quýt với nhau, trở nên thân thiết. Rồi cùng chúng tôi đi vô Quảng Nam, tìm đến ra mặt cụ Nguyễn Thành.

Ông cụ này, hồi khởi nghĩa binh mới có 18 tuổi, đã xông pha hùng hổ, nhiều lần đánh bên địch phải thua; họ khen cụ biết cách cầm quân. Cụ chính là người trội nhất của nghĩa đảng vậy.

​Chúng tôi đến, cụ mới làm quen mà đã coi như bạn thân lâu ngày. Anh em cùng ngồi quây quần uống rượu nói chuyện. Cụ Nguyễn Thành bàn bạc công việc thiên hạ một cách hùng hồn và rất rành mạch đúng lẽ.

Tôi đem chí muốn ra phân trần. Cụ vỗ tay, nói:

Hay dữ! Thuở nay, ai muốn mưu toan đại sự, trước hết phải cần ba điều này: một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ. Hễ lòng người ta đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn đề quân giới, không khó giải quyết đâu.

Nhưng phải hiểu dân trí và tập quán của dân nước nhà, không thể nào bắt chước làm theo châu Âu cho được. Bọn ta muốn có cách kêu gọi nhân tâm cho dễ, nếu không mượn tiếng phò vua giúp chúa thì những nhà sang họ lớn kia, ai chịu phụ họa theo mình. Vậy thì ta dầu có bụng cứu nước mặc lòng, chẳng qua chỉ chết thân mình cho tròn được một tiếng vậy thôi, ngoài ra không ăn thua lợi ích gì cho việc lớn.

Vua Hàm Nghi trốn tránh ở chốn nào, đã lâu không nghe tin tức ra sao. Còn vua Thành Thái hiện tại thì ở trong tay người Pháp kiềm chế, anh em ta không làm cách gì ra vào thân cận bên mình ngài đặng. Sẵn có dòng dõi của đức Đông Cung Cảnh là đích tự Cao Hoàng, hiện nay ​đang còn. Chúng ta khởi nghĩa, nên trước hết tôn ngài lên làm cung chủ; có thế thì danh nghỉa mới thuận, hiệu lịnh được chuyên, mỗi khi ta cất tiếng kêu gào, thuận theo chiều gió, tất nhiên có tiếng vang bóng sâu xa lắm vậy. Các ông tính sao?

Tôi với hai ông Đặng, Lê, ban đầu thật chúng tôi chưa hề suy tính tới việc tôn người dòng dõi nhà vua. Tới đây nghe Nguyễn Quân, chúng tôi cho là phải lẽ lắm.

Than ôi! Trí dân chưa mở, thói cũ chưa chừa, chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa quốc gia, ở giữa lúc mới bắt đầu tiếp xúc như vầy, mình muốn nó đánh đổ bao nhiêu thói quen cổ thời mà quét đi cho sạch, nào có phải là chuyện dễ dàng. Tuy vậy, nghe mấy lời Nguyễn Quân vừa mới bày tỏ, tôi không chịu khuất phục cũng chẳng được nào!

Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư

Tháng 3 năm Giáp Thìn (1904), ở Nam Kỳ trở về, tôi lại ngụ ở Huế. Thỉnh thoảng lo tính một chuyện như cách vẽ rắn thêm chân. Đó cũng là một việc quan hệ về lịch sử tôi nên nói.

Nguyên lúc vua Đồng Khánh được lên ngôi rồi, hai nước Pháp Việt sửa thêm vào tờ điều ước cũ. Bây giờ cắt đất từ Thanh Hóa trở vào, Bình Thuận trở ra, gọi là Annam, thuộc về Pháp quốc bảo hộ. Then chốt của Chính Phủ bảo hộ ở trong tay ông Trú Kinh Khâm sứ nắm giữ. Những thực quyền về việc binh việc tài, đều về tay người Pháp chủ trì, còn quan lại thì người nước mình. Người ​Pháp chỉ xem xét sai khiến mà thôi.

Tôi suy nghĩ nếu như công việc mình tính làm đây mà được bọn người trong quan trường giúp ngầm, tất là dễ dàng nên việc.

Song tôi suy đi tính lại bọn làm quan là hạng trí não tầm thường, e mình khó lòng mưu toan với họ, mà rủi mưu toan với họ không xong, thì có tai họa xảy đến cho mình ngay.

Tuy vậy mặc lòng, chúng ta là người đã quyết hiến thân cứu quốc thì đầu cổ mình, tính mạng mình, đều có thể hy sinh không sá kể gì, vậy thì con đường họa phước lợi hại, ta cứ dấn mình vào mà đi, há nên chần chờ trốn tránh nữa sao?

Tôi bèn quyết kế tìm cách vận động các quan. Lúc ấy, tôi có tiếng hay chữ vang dậy chốn kinh đô, phần nhiều cụ lớn trong triều muốn được tôi ra vào môn hạ các cụ.

Tôi liền viết ra một cuốn sách, nhan đề là “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư”. Trong đó tôi tả rõ những cái thảm trạng thành tan nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi. Lại nói đến dân trí phải gấp mở mang, dân khí nên gấp bồi dưỡng, để làm nền tảng cho việc cứu quốc v.v. Cuốn sách này gồm có mấy muôn lời nói.

Tôi ôm sách tới ra mắt các cụ lớn, như cụ Đông Các Nguyễn Thảng, Công Bộ Đào Tiến, Lễ Bộ Hồ Lễ, Lại Bộ Nguyễn Thuật v.v.

Các cụ đều khen lời nói cứng, văn viết hay, ​và ngầm cho ý kiến tôi bày tỏ là đúng, nhưng thủy chung cụ chẳng dám nói rõ ý mình ra sao.

Lanh quanh hết mấy tháng trường như thế, rồi sau tôi biết rõ bọn cụ lớn kia, mình không cậy nhờ gì được mà trông. Ruột gan của họ, chỉ biết có sự phú quý của thân họ, nhà họ. Trước việc thì họ chỉ ngồi ngó thành bại, sau việc thì họ lựa sóng theo chiều. Nay ta mạo hiểm giãi bày tâm sự với họ nhưng thật không chỗ nào trông cậy họ được.

Tôi luống thẹn mình kém thần trí sáng, chẳng có tài làm cho tượng đá biết gật đầu, rồi càng nghĩ càng ăn năn trước kia mình tơ tưởng lợi dụng quan trường thật là bá láp. Nhưng việc này chẳng phải là không có kết quả gì.

Sau khi “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” ra đời rồi, các chí sĩ lẩn quất trong kinh đô, đều rõ biết ruột gan tôi ra thế nào. Ví dụ như ông Phan Châu Trinh và ông Trần Quý Cáp - về sau vì tội ái quốc mà bị tù, chết chém - lúc này làm quen thân mật với tôi, ấy chính là nhờ cuốn “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” giới thiệu vậy.

Ngày cập nhật: