Ngoại truyện - Chuyện về Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái
Ngày 19 tháng 5, măm Giáp Tý (1924), tôi đang ngồi ở nhà biên tập, mở báo xem, thấy các báo Thượng Hải đăng những điện văn ở Quảng Đông gửi lại với hàng chữ viết to tướng.
Kinh thiên động địa chi ám sát… Việt Nam cách mạng đảng chi chá đạn thanh
Tôi vừa đọc đến đây, chân tay rung động. Liền đó 4, 5 ngày các báo ở Trung Hoa và các báo Anh Mỹ phát hành, tiếp tục đăng tải việc này luôn và thêm vào lời phê bình nữa. Người thế giới biết được người của Đảng cách mạng Việt Nam, việc này thiệt là một tiếng vang lớn về mặt truyền thanh.
Xem đó thì biết việc này ảnh hưởng lớn biết dường nào! Tôi tuy không can dự vào việc này, nhưng đã nghe đích xác nên xin ghi lại vào đây.
Tháng 2, năm Giáp Tý (1924), Toàn quyền Đông Dương Merlin đi Tokyo Nhật Bản, trên đường đi ngang qua Hồng Kông và Thượng Hải. Đảng ta ở ngoài đã được nghe tin như vậy. Nhiều người ở Quảng Đông lại càng múa tay muốn thử. Nhưng nói nghe thì dễ, làm thật thì khó, trăm việc việc gì cũng vậy!
Vả lại chuyến đi này của Merlin, cốt để kết mật ước với Chính phủ Nhật, quan hệ với cục diện Đông Dương rất lớn. Vì thế việc phòng vệ cho Merlin càng vạn phần nghiêm ngặt. Khi Merlin chưa xuất phát thì trinh thám trưởng Đông Dương đã phái nhiều tay chân rải ra khắp Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải, v.v…
Tuy nhiên bọn nó đề phòng càng chặt, thì bên này cũng ra công phu ứng phó. Cây dùi của Trương Tử Phòng, tiếng súng của An Trọng Căn đã muốn làm, dù có ngăn ngừa thì cũng không ngăn được.
Thượng tuần tháng 5, năm Giáp Tý (1924), Merlin từ Nhật Bản về lại Hồng Kông, toan qua Quảng Đông để can thiệp vào việc Chính quyền tàng trữ đảng ta. Chiếc tàu của Merlin là tàu binh của Pháp, vậy nên giờ nào đi, giờ nào đến người ngoài không thể dò biết được. Thế mà cuối cùng bên ta cũng có được thông tin về hành trình này của Merlin và nó đến được tai của Phạm Hồng Thái.
Phạm Hồng Thái lúc đầu xuất dương đã ngầm mang chí lớn, tự thề làm An Trọng Căn nước Việt. Một ngày tháng 3, ở Quảng Đông đã nghe được Merlin sắp đi tới nơi, lưỡi gươm ở trong vỏ đã thực sự muốn rút ra. Phạm quân lúc này cùng với người bạn kín là Lê Tản Anh cùng nhau tính việc hành thích. Một mặt thì lo bịt tai mắt bọn trinh thám, một mặt thì tranh thủ nhằm rình chụp thời cơ.
May lúc đó có người đang làm giáo viên của trường sĩ quan Hoàng Phố, đảng nhân ta có người theo nhờ chế tạo thuốc súng, lựu đạn. Người ấy cũng vui lòng chế ra hai quả lựu đạn bằng trái quýt. Sau lại nhờ quan quân Trung Hoa mượn được hai khẩu súng lục, rồi giao lại hết cho Phạm quân.
Theo như chương trình định sẵn thì 7h ngày 18 tháng 5 Merlin ngồi tàu tới Quảng Đông. 12h trưa thì vào nhà hàng cơm tại Sa Diện, ăn tiệc với các quan ngoại giao các nước. 6h hôm sau lại vào tửu điếm người Pháp ở Sa Diện ăn tiệc với Lãnh sự và kiều dân Pháp.
Đến ngày 17 người của ta thuê sẵn một chiếc thuyền kề cảng, Phạm liệt sĩ như cọp nấp ở trong thuyền, chực chờ Merlin lên bờ thì ném bom. Chẳng ngờ trước khi thuyền Pháp ghé bến cảng thì Cảnh sát đã bắt thuyền lớn nhỏ tránh xa đi nơi khác. Thuyền Merlin vừa ghé bến, chốc lát đã đi mất. Thế là kế hoạch đầu tiên của Phạm quân đã không thực hiện được.
Cơ hội vẫn còn, tinh thần thêm mạnh. Phạm quân tính vào nhà hàng, định thuê sẵn một gian buồng khách ở trên lầu, chờ đến lúc Merlin vào ăn tiệc thì tiến hành ám sát. Nhưng Anh Pháp tô giới ngày ấy phòng bị nghiêm ngặt lạ thường. Không có giấy hộ chiếu người ngoại quốc thì không cho thuê buồng phòng. Thế là kế hoạch thứ hai cũng hỏng.
Thế là chỉ còn một cơ hội nữa thôi!
Đồng hồ vừa chỉ vào 6h tối, Lãnh Sự và kiều dân Pháp, nào trai nào gái bước vào tửu điếm. Phút chốc có một thanh niên trai tráng theo chân đến. Người ấy sắc mặc pha vàng trắng, mà dưới bóng đèn điện thì thấy hơi hồng hồng. Mui trên có râu ngắn, kiểu râu Tây, đi giày Tây, tay xách kẹp da Tây, đi thẳng từ cửa mà vào trong sảnh. Hai tên cảnh binh, vẫn là người Tây, cũng nhận lầm là người Pháp vào ăn tiệc. Bởi vì toàn thân trang phục và phong thái y hệt người Pháp, lính cảnh binh đều không chút nghi ngờ.
Đồng hồ đánh 7h vừa dứt, dao kèm thìa muỗng ở trên bàn bắt đầu có tiếng lanh canh, mà trên bàn ăn lúc này bỗng nghe tiếng “đùng”! Ngói gạch nhà lầu rung rạo rạo! Người Pháp hai bên bàn ăn bị nổ chết bốn người: một là vợ chồng quan chức Lãnh sự Pháp, hai là vợ chồng trưởng ngân hàng Pháp. Cả hai người nữa bị trọng thương là Viện trưởng Quốc Y Viện và một tùy viên, cũng mấy ngày sau thì chết.
Khi lựu đạn đã bùng ra, cảnh binh Anh, Pháp và thủy binh trên tàu chạy tứ tung bắt người đánh bon. Lúc đó Phạm tiên sinh không muốn chết trong tay người Pháp nên chạy ra cửa cầu. Nhưng vì cảnh binh đã đón tận trước mặt, phải chạy quay lại bờ sông. Cảnh binh đuổi theo rất sát, liền rút súng lục trong túi ra, nhằm vào cảnh binh bắn hai phát, sau rồi gieo mình xuống sông Châu Giang.
Nguyên vì việc này mà canh phòng sau đó càng cẩn mật, Merlin cuối cùng vẫn thoát nạn. Phạm liệt sĩ ở dưới chín suối chắc còn vỗ ngực thở dài! Nhưng vẫn phải gọi là thành công. Bởi vì mục đích của Đảng không cốt ở giết người, mà cố muốn đe dọa bọn cầm quyền chính trị. Nay đạt được việc này cũng coi là thành công rồi.
Sau việc ấy đã 5, 7 ngày, các báo Hoa, Dương đều tán dương rằng Phạm Hồng Thái có “cả can đảm, cả mưu lược”. Vì viên đạn ấy không phát khi người ngoại quốc tổ chức yến hội, mà chỉ phát trong giờ Merlin với người Pháp tổ chức tiệc. Chỗ ném bom lại là đất tô giới của Tây. Thủ đoạn của liệt sĩ vừa dũng liệt mà lại rất tinh tế.
Vài tuần sau, Công sứ Pháp ở Bắc Kinh giao thiệp với Chính phủ Quảng Đông vài ba lần. Yêu cầu trục xuất người Việt Nam và bồi thường tổn hại. Lúc đó Tôn tiên sinh đang ở phủ Đại Nguyên Soái tỉnh Quảng Đông với Hồ Hán Dân làm tỉnh trưởng, trả lời rằng:
Ta chưa nghe nói có người Việt Nam nào ở đây. Nếu có nữa tất là người tốt, không ai là hung thủ. Toàn quyền Đông Dương đi lần này, kinh qua địa phận Quảng Đông, tất thẩy đều yên ổn như núi Thái Sơn. Vừa vào đến tô giới là quyền hạn của người Tây thì phát sinh tấn kịch nguy hiểm này. Đó là do bọn cảnh binh Anh Pháp bất lực, không thể chối từ được.
Từ đây về sau Chính phủ Pháp muốn cho những việc nguy hiểm đó không phát sinh nữa, nên cho phép cảnh binh Trung Hoa vào tô giới bảo hộ cho người quý quốc thì hay lắm.
Sau Phạm tiên sinh tuận quốc đã hai tháng, tức tháng 7 năm Giáp Tý (1924), việc Trung-Pháp giao thiệp xong rồi, tôi về Quảng Đông trồng cái bia tạm ở trước mộ liệt sĩ.
Đến tháng 12 năm ấy, các lãnh tụ của “Trung Quốc Quốc Dân Đảng” như Liêu Trọng Khải, Uông Tinh Vệ muốn kỷ niệm Phạm liệt sĩ để biểu thị cảm tình người Trung Quốc với Đảng ta. Mới đem 3000$ giao cho người Đảng ta, dời mộ Phạm liệt sĩ cải táng nơi một hòn núi nhỏ trước Hoàng Hoa Cương. Hoàng Hoa Cương là một 72 liệt sĩ, vì cách mạng với Mãn Thanh mà đồng thời tuận quốc. Bây giờ hợp táng nơi này, đối diện thì là mộ tiên sinh, kiến trúc tráng vĩ, có dựng bia đình, chữ mặt bia có đề rằng:
Việt Nam Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái Tiên Sinh Chi Mộ
Người đề chữ là Trần Lộ tiên sinh.