Kỳ 15 - Những ngày cuối ở nước ngoài
Làm báo Quân Sự ở Hàng Châu
Năm Canh Thân, Tân Dậu (1920-1921), tôi thường đi đi lại lại ở Bắc Kinh, Hằng Châu, Quảng Đông. Cũng có khi đi qua ba tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc, qua Yên Đông, tới Triều Tiên rồi qua Nhật Bản. Có đôi ba lần đi thăm Kỳ Ngoại Hầu. Chẳng qua là đi du lịch xoàng, thực không có quan hệ gì đến việc cách mạng.
Chỉ duy nhất một việc không bao giờ đổi, là vì sinh nhai ở đất khách, nghề độc nhất là bán chữ. Như làm biên tập ở Đông Á Tân Văn, Bắc Kinh, hay Tạp chí Quân Sự ở Hàng Châu. Văn tự thì tôi làm cũng khá nhiều, nhưng mục đích ở kiếm tiền, không cốt ở làm văn. Duy chỉ có vài món sách vẫn là bút mực tâm huyết:
- Bản “Dư Chí Phúc Âm”, 12 chương lớn, chuyên thuộc về khai đạo cảnh giác cho Quốc Dân.
- Bản “Việt Nam Nghĩa Liệt Sử”, chỉ ghi chép lại những việc cũ của các đồng chí đã chết. Những kẻ sĩ hy sinh vì nước mà tôi mắt thấy tai nghe.
- Bản “Á Châu Chi Phúc Âm”, ước hơn 50 chương, chuyên phát huy tư tưởng Liên Á. Chủ yếu thì cốt ở Trung-Nhật đồng tâm. Đại lược cũng y như “Liên Á xổ ngôn”.
Năm Nhâm Tuất (1922), lúc bấy giờ tôi đang ở Bắc Kinh thì nhận được giấy của người bạn là Lâm Lượng Sinh đang làm biên tập của Tạp chí Quân Sự Hàng Châu. Tạp chí này được lập ra để Trung Hoa Chính phủ tiện thu dụng những người Việt từng tốt nghiệp trường sĩ quan ở Bắc Kinh mà không thể ở trong quân giới. Tiếp được giấy của Lâm tiên sinh tôi mới bỏ Bắc Kinh về lại Hàng Châu, gánh chức biên tập viên cho Tạp chí Quân Sự này, mỗi tháng được 70$.
Tôi về Hàng Châu cũng vì nghĩ đây là chỗ danh lam thắng cảnh bậc nhất ở đất Trung Hoa này. Vườn ông Lâm Bô, mộ ông Nhạc Phi, đình ông Từ Tích Lân, miếu mộ bà Thu Cận, hết thảy đều ở chốn này. Nếu ở lại đây rồi được đàm tâm với người chín suối, phúc phận chắc cũng lớn. Vả lại bạn cũ cách mạng ở đây còn nhiều, như cụ Mai Sơn (Nguyễn Thượng Hiền) cũng về ở chốn ấy.
Giai đoạn này tuy làm thuê bằng bút mực có được ít tiền, nhưng đại trượng phu ai có thiết gì. Được cái mỗi tháng dư được chút tiền thì cũng đủ chu cấp cho vài ba thiếu niên đi học. Ngoài ra còn có một việc cũng là thú vui tiêu khiển trong lúc cùng đồ. Hễ gặp bài xã luận, tiểu thuyết thì cố phát huy cho hết tinh thần thế giới cách mạng. Còn về những văn chương mà chửi mắng Đế quốc Thực Dân thì vì thuộc phạm trù quân sự, nên sướng miệng mà nói lắm.
Cải tổ “Việt Nam Quang Phục Hội” thành “Việt Nam Quốc Dân Đảng”
Tháng 7 năm Giáp Tý (1924), tôi về Quảng Đông ở lại ba tháng vì muốn cải tổ “Việt Nam Quang Phục Hội”. Nguyên trước đây “Quang Phục Hội” trải qua 4 năm tôi ngồi tù mà đảng nhân ta bảy rớt tám rụng rồi. “Quang Phục Hội” chỉ thành ra một bức thần vị để tế trên bàn thờ mà thôi.
Đến mùa xuân năm Giáp Tý này vì chuyện Phạm Hồng Thái ám sát quan toàn quyền Pháp mà sĩ khí cách mạng nước nhà tăng lên. Việc đảng may có hy vọng trùng hưng, nên anh em Quảng Đông khuyên tôi về lại để cải tổ.
Vừa lúc ấy Tưởng Giới Thạch tiên sinh đang làm hiệu trưởng trường sĩ quan Hoàng Phố, Lý Tề Thâm thì làm giám đốc. Tưởng Giới Thạch trước kia cũng học ở Chấn Võ Học Viện nên cũng được coi là có quen biết. Tôi cùng Nguyễn Hải Thần vào hiệu kiến hai ông ấy, tham quan trường, lại mưu việc đưa học sinh ta vào học. Tưởng cùng Lý rất tán thành.
Tôi sau đó bèn thương thảo với các đồng chí, bỏ đi “Quang Phục Hội” mà cải tổ thành “Quốc Dân Đảng”. Sau thảo ra bản đề cương và chương trình đưa cho anh em trong xứ và cả “Quốc Dân Đảng Trung Hoa” xem. Nội dung chia làm 5 bộ:
- Bình Nghị bộ
- Kinh Tế bộ
- Chấp Hành bộ
- Giám Đốc bộ
- Giao Tế bộ
Ở trong Chấp Hành bộ lại đặt ra 6 ty:
- Văn Độc ty
- Tuyên Truyền ty
- Quân Sự ty
- Tài Chính ty
- Thứ Vụ ty
- Huấn luyện ty
Quy mô tổ chức đều theo khuôn mẫu của “Quốc Dân Đảng Trung Quốc” sau đó chỉnh sửa lại một ít cho đúng với tình hình nước ta.
Việc ấy sắp đặt xong đến tháng 9 năm Giáp Tý (1924) tôi quay lại Hàng Châu. Còn những chương trình Đảng cương của “Việt Nam Quốc Dân Đảng” đều ủy thác lại cho ông Hồ Tùng Mậu tìm cách đưa về trong nước.
Sau tôi về lại Hàng Châu rồi, bản chương trình ấy có đưa được về trong nước hay không, có những thay đổi nào, tôi đều không biết được.
Bị bắt về nước
Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1925) tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi tiền qua Berlin cho Trần Trọng Khắc để đi học. Tính làm xong việc gửi tiền thì tức khắc đi Quảng Đông Ngay. Khi từ Hàng Châu xuất phát mang theo 400$ cũng là số tiền mà cần gửi.
Ngờ đâu lúc tôi đi mà thời giờ hành động của tôi nhất nhất đều có kẻ mật báo với người Pháp. Mà người mật báo lại chính là thư ký của tôi. Thật việc thiên hạ đến như thế, tôi làm sao biết được.
12h chính trưa ngày 11 tháng 5, xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm. Tôi vì nóng lòng gửi tiền nên gửi lại hành lý ở ga, chỉ mang 1 cái vali nhỏ ra khỏi ga. Tới cửa ga thì thấy một chiếc xe khá lịch sự, xung quanh là bốn người Tây. Tôi không nhận ra được là người Pháp, vì ở xứ Thượng Hải này người Tây ăn mặc sang trọng không biết chừng nào mà kể. Đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ của các lãnh sự quán lớn. Tôi có biết đâu chiếc xe này là hàng của quân bắt cóc đâu!
Tôi mới ra khỏi cửa ga vài ba bước, thì thấy một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng Quan Thoại mà cự cãi. Đương lúc cự cãi thì thình lình ba người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi lên xe. Máy xe tức khắc nổ, và rồi tôi đã ở trong tô giới Pháp. Xe chạy tới đây, binh lính Pháp đã chờ sẵn. Lúc này tôi mới nhận ra mình bị bắt mất rồi!