13 phút để đọc

Trong tù - Phan Bội Châu

Đầu hận bất tiên bằng bối đoạn,
Tâm nan tịnh giữ quốc gia vong.
Giang sơn thặng ngã chi tàn cuộc,
Hồn mông tùy quân thiệp viễn dương.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:

Lòng chả nỡ cùng nhà nước mất,
Đầu hiềm không trước bạn bè rơi.
Non sông lựa tớ nâng cơ đồ,
Hồn phách theo người vượt bể khơi.

alt

Trận đánh đầu tiên của Thế chiến I - Trận Liege (08-1914)

Tin buồn ở trong ngục

Sở dĩ lúc đầu Long Tế Quang bắt tôi vì nghi ngờ chúng tôi có quan hệ với Trần Quýnh Minh (tỉnh trưởng trước đó của Quảng Đông). Nhà Chu Sư Thái cũng bị khám xét, nhưng may là chỉ thấy được những chứng cứ của Đảng cách mạng Việt Nam, chứ không có một tý gì quan hệ với Trần Quýnh Minh. Long còn bắt người con là Chu Thiết Sinh giam cầm 15 ngày tra đi hỏi lại, nhưng cũng không thấy liên hệ nên mới không nghi ngờ nữa.

Nhưng Long vẫn coi chúng tôi là món hàng ngon để đem đi buôn chác với người Pháp. Long giam chúng tôi ở Sở Lục Quân để kỳ kèo nhằm xin mượn đường xe lửa lên Vân Nam để đánh Đường Kế Nghiêu. Thật không ngờ có một ngày tính mạng tôi lại chẳng khác gì một món hàng để trao đổi!

May nhờ trời thương, lúc bất giờ Tổng lý ở Bắc Kinh là Đàm Kỳ Thụy tiên sinh, người quân tử nhân hậu, xưa nay đối với Đảng ta bảo hộ rất nhiều. Lại may có Mai Sơn tiên sinh (Nguyễn Thượng Hiền) lúc đó đang ở Bắc Kinh. Anh em ta ở Quảng Đông đánh điện gấp cho tiên sinh cần cứu ông Đoàn. Đoàn lúc này là Bộ Trưởng Lục Quân, lấy mệnh lệnh của Bộ đánh điện lại cho Long, bảo Long phải giữ lại hai người chúng tôi.

Long bất đắc dĩ mới giam tôi ở Quan Âm Sơn. Cấm tuyệt người nước ta không ai được đi lại thăm hỏi, và cũng không cho tôi gặp người ngoài. Thế nhưng với lãnh sự Pháp thì nói là đã chém tôi rồi. Vì Long vừa muốn mua chuộc người Pháp mà lại sợ trái mệnh lệnh Bắc Kinh, nên chỉ một mình tôi là vừa có cả tin sống và chết lẫn lộn. Còn cụ Mai Lão Bạng thì giam riêng ở dinh cảnh sát.

Trong suốt 4 năm trong tù, tôi tuyệt không thấy mặt một người nước ta, mà ngay cả tiếng Việt một câu cũng không được nghe. May ở trong ngục làm bạn được một cậu nấu bếp cho phạm nhân là Lưu Á Tam, người Quảng Đông. Tôi cũng xưng là người Quảng Đông nên cả hai rất thân thiết. Mỗi ngày tôi đều nhờ Á Tam đi qua quán Chu Thị một lần, do đó tin tức bên ngoài vẫn lọt vào được trong ngục.

Sinh hoạt trong lao khổ nhất là không có rượu uống. Một năm bảy tháng họa may được một bầu rượu thì cho là sung sướng tuyệt vời. Đến như đồ nhắm rượu thì chỉ có văn tự ở trong bụng nhả ra là rất ngon rồi!

Năm Giáp Dần (1914) đầu tháng 7, tôi vào nhà giam được 8 tháng,trong suốt thời gian đó Á Tam thường mua báo cho tôi xem rồi tôi đọc lại cho nghe. Một ngày kia, trong lúc đọc Quốc Dân Nhật Báo, thấy một hàng chữ to Âu Châu Chiến Vận Khi Hỷ, tôi xem đoạn này xong, tưởng ngỡ cách mạng trong nước sẽ tận dụng được thời cơ, để người trong ngục như tôi được vỗ tay hoan hỉ. Nào có biết từ đó về sau thì những tin xấu, tin buồn trùng trùng điệp điệp kéo tới!

Than ôi! Trong 4 năm này, vô số trai gái ở trong nước lòng son máu nóng, vì nước vì nòi mà hy sinh quên mình, còn tôi lại may mắn sống sót. Ôi! Trời quá thương chăng!

Bây giờ đem những hung tin nghe được trong ngục biên lược ra thấy quả là nhiều:

  1. Ông Lương Lập Nham bị bắt ở Hồng Kông.
  2. Ông Trần Hữu Lực bị bắt ở Thái Lan.
  3. Ông Hoàng Trọng Mậu bị thất bại ở Quảng Tây.
  4. Ông Hoàng Trọng Mậu bị bắt ở Hồng Kông.
  5. Ông Đậu Cơ Quang thất bại ở Vân Nam.
  6. Ông Đậu Cơ Quang tuận nghĩa ở Hà Nội.
  7. Ông Lâm Đức Mậu, ông Giáo Trung bị bắt ở Thái Lan.
  8. Ông Lâm Đức Mậu, ông Giáo Trung đồng một ngày tuận nghĩa ở Hà Nội.
  9. Ông Nguyễn Trọng Thường về nước bị bắt.
  10. Ông Hoàng Trọng Mậu, ông Trần Hữu Lức tuận nghĩa ở Hà Nội.
  11. Vua Duy Tân cách mạng thất bại.
  12. Nam Xương (Thái Phiên) tiên sinh tuận nghĩa. Ông là người nhiệt tâm, đại nghĩa, lại có tài kinh tế và biện sự, là cộng sự với các ông Tiểu La và Ngư Hải đã lâu năm.

Than ôi! Thảm thay! Hơn ba năm sống gửi nhà lao, mà những tin tức lọt vào tai hết thảy là hơi buồn khí giận, còn gì là cái thú của người sống nữa đâu! Nên tôi ở trong ngục đã tuyệt thực bảy ngày, mong cho được chết. Dè đâu trong lúc ấy thì nghe được cái tin Châu Âu đại chiến nổi lên, tôi mừng quá lại ăn, lại cứ sống. Nhưng nào có biết cái buồn là sự thật, mà cái mừng là chiêm bao đâu!

Lãnh Sự Đức-Áo hỏi thăm Đảng cách mạng Việt Nam

Tháng 9, năm Ất Mão (1915), tôi đang rầu rĩ trong ngục, bỗng Á Tam đưa cho tôi một bức thư kín. Mở ra xem mới hay ông Đặng Tử Kính ở Thái Lan qua Quảng Đông biên thư gửi tôi.

Hai Công Sứ Đức-Áo trú ở Thái Lan có thăm hỏi Đảng cách mạng Việt Nam, có gặp qua ông Thân Vương là người giúp ta có ruộng cày bên Thái. Ông Thân Vương giới thiệu ông Đặng với hai người ấy. Ông Đặng tới yết kiến thì hai ông bảo rất vui lòng giúp chúng tôi nhưng cần phải gặp lãnh tụ Đảng.

Nhân người Thái vẫn quen biết tôi và Kỳ Ngoại Hầu mà Công Sứ kia cũng đã nghe tiếng sẵn, nên bảo ông Đặng qua Quảng Đông tìm chúng tôi. Nhưng lúc đó Kỳ Ngoại Hầu còn ở Châu Âu, mà tôi thì đang còn trong ngục. Ông Đặng không biết làm thế nào nên gửi thư hỏi qua ý kiến của tôi.

Tôi nghĩ cụ Mai Sơn (Nguyễn Thượng Hiền) tiên sinh mới từ Bắc Kinh về lại Quảng Đông, nên nhờ cụ qua Thái thay mặt cho Đảng. Cụ Mai Sơn từ trước tới giờ chưa đi vào đất Thái, nên tôi lại viết thư cho ông Đặng, giới thiệu cụ Mai Sơn cho ông Thân Vương đồng thời nhờ Thân Vương giới thiệu với hai Công Sứ.

Cụ Mai Sơn đến Thái Lan, đi đến cửa Công Sứ nước Đức thì đã có người chờ sẵn ở cửa. Vừa đưa danh thiếp vào tức khắc hai Công Sứ ra tận cửa, bắt tay hai người mình, rồi dắt nhau đi tản bộ. Đến chỗ không có bóng người, Công Sứ nước Đức lấy ra 1 vạn bạc tiền Thái trao cho hai cụ bảo:

Chính thức giúp cho các ngài nay chưa phải là thời cơ. Một vạn đồng bạc này gọi là thay một cốc cafe, kết giao với người quý quốc vậy. Nếu ở trong nước, các ngài làm sao cho phát sinh ra một việc ảnh hưởng lớn, đến tận tai Chính phủ hai nước chúng tôi, tất nhiên hai nước chúng tôi sẽ tiếp tục giúp cho.

Nếu việc không thành thì cũng coi như là giúp đỡ vậy. Nay số tiền chút đỉnh này là xuất tự ý của hai người chúng tôi, còn chưa phải là ý của Chính phủ hai nước chúng tôi đâu.

Xem việc này tuy nhỏ, những cũng đủ thấy được tinh thần người Đức lúc hành sự, không chuộng hư văn, không đánh trống khua chiêng. Lúc đầu tự tìm kiếm lấy Đảng ta, sau lại vứt vạn bạc như không. Khi trao bạc thì ở vào chốn không người, lại yêu cầu mình làm cho có ảnh hưởng thì mới tin và hẹn trước cho vài trăm vạn để mình có hy vọng.

Thân mật mà hàm ý tinh tế như thế, trọng việc nước mà kết người ngoài, không để ra một tí sơ hở. So với cách hành sự của người nước ta, được như thế có bao nhiêu người? Nghĩ mà chạnh lòng!

Một vạn đồng bạc từ Thái đến Quảng Đông, anh em đồng chí ta ở đây chia làm ba phần:

  • Một phần thì cụ Tán Nguyễn nhận về Đông Hưng, toan đánh lén về Măng Cay.
  • Một phần thì cụ Mai Sơn nhận để về Long Châu, toan đánh ngả Lạng Sơn.
  • Một phần thì cấp cho Hoàng Trọng Mậu, toan đánh đường Hà Khẩu - Vân Nam.

Số bạc này tính ra chỉ có 8000$ mà công dụng chia ra nhiều ngả thì thất bại là chắc rồi. Võ Mẫn Kiến, Nguyễn Hải Thần cùng mươi người anh em đánh lén một đồn Tây ở Lạng Sơn, cuối cùng thất bại lại còn có người bị thương. Hoàng Trọng Mậu thất bại nhiều lần từ Vân Nam về Quảng Tây, rồi qua Hồng Kông để đi qua Thái, cuối cùng bị bắt tại đây.

Ôi thôi! Vì ý kiến mà chia ra phe phái, hỏng đi việc nước. Đây là bài học mà chúng ta phải trông theo mà làm gương vậy!

Thế chiến thứ I - Kết minh với người Đức

Tháng 3, năm Đinh Tỵ (1917), Long Tế Quang thua phải bỏ Quảng Đông chạy về Quỳnh Châu. Lúc này Long mới tha tôi, cấp cho 200$. Tháng tư năm ấy, tôi quay lại nhà Chu Thị thì Chu Sư Thái nói với tôi rằng:

Gần vài tháng nay trinh thám Pháp không ngày nào không đến nhà ta.

Bởi vì Long thua bỏ Quảng Đông, người Pháp chắc biết tôi cũng thoát ngục nên rình bắt gắt lắm. Tôi nghỉ lại Quảng Đông một ngày liền chạy về Thượng Hải. Nhưng Thượng Hải là tô giới của Anh, Pháp, bọn gián điệp Pháp đông quá, nên tôi cũng không dám ở Thượng Hải. Nghe Mai Sơn tiên sinh đang ở Hàng Châu, tôi liền qua Hàng Châu ngay.

Vừa lúc đó Lê Dư ở trong nước ra, đang ở Nhật Bản cùng với Kỳ Ngoại Hầu. Lê viết giấy mời tôi qua, bảo rằng có sẵn 2000$ hễ đến Nhật Bản thì trao lại ngay. Tuy nhiên trong lòng tôi lúc này còn một mối bận tâm khác. Châu Âu đại chiến đã 3 năm mà chưa kết thúc, mà tin tức phần nhiều đang nghiêng về phía Đức. 9 huyện ở phía Bắc nước Pháp cả thảy đều rơi vào tay người Đức v.v… Những tin như thế làm tôi càng thêm nóng nảy, bồn chồn muốn về nước.

Nhưng các lối Quảng Đông, Quảng Tây đã chông gai đen nghịt. Chỉ duy có lối từ đường Vân Nam về nước ta đang còn có thể đi được, vả lại ở Vân Nam tôi cũng có nhiều bạn quen cũ. Vì thế tôi nóng lòng muốn đi Vân Nam. Nhưng tính các tổn phí thì ít nhất cũng 1000$ nên khi nghe đến món tiền của Lê Dư nói tôi cũng muốn qua lấy.

Không lâu sau lại tiếp được bức thư của ông Trần Hữu Công nói rằng:

Kế hoạch của Bộ Tham Mưu Nhật Bản tuyên chiến với Đức không phải là chân tướng của nó đâu. Chẳng qua đây là cách xỏ lá của họ, chỉ là dây máu ăn phần: toan chờ lúc hai bên cùng kiệt thì Nhật nó mới ra tay đâm một lúc được hai cọp.

Hiện có được tin trọng yếu rằng Nhật-Đức có ý muốn kết điều ước đặc biệt. Nếu kế hoạch này thực hiện thì cục diện ngoại giao lại biến hóa lần nữa.

Được giấy Trần như thế, tôi lại nóng lòng qua Nhật Bản. Mặt ngoài thì hội lại với Lê Dư, mặt trong muốn gặp lại những chính khách Nhật ngày xưa như Inukai Tsuyoshi, Fukushima Yasumasa để thăm dò chân tướng mối quan hệ với Đức.

Lần này tôi ở Nhật hơn bốn tháng, mà món tiền ông Lê hứa với tôi không phải một lần trao ngay mà mỗi tháng cấp cho một ít. Ba tháng sau thì mới được hơn 1000$. Tôi vì nóng lòng về nước, được số ấy cũng đã là hay rồi. Tháng 7 năm ấy cùng với ông Trần Hữu Châu về Hàng Châu. Tại đây thì nhận được thư của hai ông Trương Quốc Uy và Lê Ấp Tốn gửi lại.

Nguyên hai ông này xuất dương lúc “Việt Nam Quang Phục Hội” mói thành lập, từng ở Quảng Đông sống cùng với tôi. Quang Phục Hội giải tán, hai ông lên Bắc Kinh vào học trường sĩ quan. Sau khi tốt nghiệp thì lưu lại Bắc Kinh.

Trong thời kỳ Châu Âu đại chiến, hai ông bôn tẩu vận động người Đức. Nhưng Công Sứ Đức ở Bắc Kinh lại giữ thái độ chần chừ, nên chưa có dịp gì hay. Tới bây giờ, người Đức ở Thiên Tân tô giới mới được lệnh của Công Sứ Đức mà thăm tìm Đảng cách mạng ta. Họ liên hệ với hai ông Trương, Lê và dặn rằng phải lập một bản hợp đồng, hai bên có người trọng yếu ký mới được.

Vì việc ấy nên Trương, Lê mới viết thư cho tôi, bảo tôi lên Bắc Kinh để nắm lấy cơ hội này. Tôi lúc này như chim sợ cành cong, đọc xong thư vẫn còn do dự. Bèn biên thư báo hai ông cứ lấy danh nghĩa “Việt Nam Quang Phục Hội” mà thương thảo với người Đức. Hai bên thảo sẵn hợp đồng, đến lúc đó tôi tự khắc tới nơi!

Ông Lê nhận được thư tôi, quay lại Thiên Tân, tiếp chuyện với người Đức. Họ nói rằng:

Hiện Đức-Hoa tuyên chiến, chúng tôi sắp phải rời khỏi Trung Hoa, còn có bấy nhiêu quân giới, bấy nhiêu hiện khoản, tương lai tất bị Chính phủ Trung Quốc tịch thu.

Giả như Đảng các ngài khởi nghĩa được ở Đông Dương thì chúng tôi quyết đem những hạng mục ấy giúp cho Đảng các ngài. Nhưng buộc phải lập tờ khế ước để đảm bảo lợi ích ngày sau.

Nghe người Đức nói như thế, Trương, Lê mới góp hết ý kiến anh em ta ở Bắc Kinh, như Hoàng Đình Tuân, Đặng Hồng Phấn, thương thảo lại các điều kiện, làm thành một bản hợp đồng đến Thiên Tân để ký kết với người Đức. Hai ông mới đi vào tô giới người Anh, chưa đến tô giới Đức thì bị quân Anh chụp bắt. Xét trong túi có hợp đồng nên dẫn độ về lãnh sự Pháp. Ông Lê bị bắt trước, ông Trương may nhờ đi sau mà chạy thoát được. Ông Lê bị bắt giải về Hà Nội, bắt tội thông Đức, bị án chung thân rồi chết trong sở ngục.

Cái kết quả này, sau điều tra thì vì có một mật thám cho Pháp là người Vân Nam được bạc thưởng 3000$ mà người này lại là bạn thân thiết của Phan Bá Ngọc, từng học ở trường sĩ quan.

Ngày cập nhật: