Kỳ 14 - Lăn lộn sau thế chiến
Ngủ giữa núi tuyết - Phan Bội Châu
Nhất dạ sơn trung tuyết tráo thân,
Thạch vi trường châm thảo vi nhân.
Minh triều tàn nguyệt phi chiên tẩu,
Tứ cố thương mang ngã nhất nhân.
Cụ Minh Viên dịch:
Núi vắng đêm trường tuyết phủ quanh,
Đá kia làm gối cỏ làm mền.
Sáng ra tuyết tán mang chiên chạy,
Bốn phía mênh mông một chắc mình.
Tìm đường về nước
Chí nguyện của tôi ban đầu định từ Vân Nam về nước, nhưng vì thư của Lê, Trương mà lôi thôi đến hơn một tháng, sau nghe được hung tin ở Thiên Tân, tôi mới quyết định về nước. Nguyên đường đi Vân Nam có hai lối:
- Lối đường bộ qua Quảng Đông, Quảng Tây xuống địa phận Bắc Kỳ, Hà Nội nước ta, có thể ngồi xe lửa Điền Việt đến Vân Nam.
- Lối đường thủy qua Thượng Hải, Nam Kinh thông qua Hồ Bắc, lại đổi ra đường bộ qua đất Tứ Xuyên, Quế Châu mới đến Vân Nam.
Theo đường thứ nhất thì mau nhưng quyết không đi được, còn đường thứ hai tuy lâu ngày mà còn có lối qua được.
Thượng tuần tháng 8, tôi với ông Trần bí mật rời Hàng Châu, vì không dám đi qua tô giới Thượng Hải, mà phải đi theo đường thủy để đến Tô Châu, ngồi xe lửa đến Nam Kinh, rồi lại đổi xuống tàu thủy theo sông Trường Giang đi ngược lên, trải qua các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Nghi Xương. Nghỉ lại Nghi Xương khoảng một tuần chờ tàu đến.
Lúc bấy giờ cuộc chiến tranh Nam Bắc còn quyết liệt, địa phận của quân Bắc đóng từ Nghi Xương trở xuống. Ở trong thời kỳ quân sự, đường sông khó đi, chúng tôi tới Bắc quân Tổng Tư Lệnh là Ngô Quang Tân, lấy giấy thông hành, mới thuê được thuyền của dân để lên Quỳ Phủ. Chỗ này lại là địa phận Tứ Xuyên, là một chỗ trọng yếu nhất của Nam quân đóng.
Tới Quỳ Phủ, chưa kịp thông tri với Nam quân Tổng Tư Lệnh để lấy giấy thông hành, mà vì cao hứng nghe chủ quán nói ở gần đây có Bạch Đế Thành nên tôi quyết định đi tham quan. Vì đọc sử Trung Hoa, biết tiếng Bạch Đế Thành có đền chúa Thục Tiên, miếu Võ Hầu, thế là tôi cùng ông Trần dắt nhau đi xem núi Bạch Đế.
Mới tới chân núi, gặp lính tuần của Nam quân, nghe thấy chúng tôi phát âm không giống người Tứ Xuyên, liền nghi ngờ. Lại xét trong túi có tờ thông hành của Bắc quân Ngô Quang Tân cấp cho, càng nghi ngờ bạo. Chúng nghi chúng tôi là trinh thám của Bắc quân nên liền bắt chúng tôi giao cho Bộ tư lệnh của Nam quân.
Tổng Tư Lệnh Nam quân là Vương Thiên Túng, truyền đem chúng tôi đến bên Quân Pháp tra xét. Gay gắt đến mức mà vệ binh đem dao giết người mài trước mặt chúng tôi để xem thần sắc có sợ hãi hay không.
May sao lúc đó trong Nam quân có Hà Hải Thanh là sư trưởng, từng quen biết tôi. Tôi mới cầu cứu Hà sư trưởng. Bị giam trên một giờ đồng hồ thì được giấy xin tha của Hà sư trưởng đến, Vương mới tha cho chúng tôi về lại lữ quán.
Lúc này, đất Trung rất nhiều thổ phỉ, mà lại không có phép tắc, luật pháp gì cả. Dân thường không dám ra ngoài đường. Chủ quán có nói với chúng tôi rằng:
Các ông phải chờ có đại quân đi mà đi theo, nếu không thì không đợi tới quan bắt mà thổ phỉ đánh thịt mất!
May sao lúc đó Đường Kế Nghiêu, Hùng Khắc Võ lập hội nghị quân sự ở Trùng Khánh, mà Vương Tổng Tư Lệnh cũng tính tham gia. Tôi lúc này mới tới dinh của Vương, để xin Vương cho đi theo. Vương lúc đó đã biết chúng tôi là người của Đảng cách mạng Việt Nam, tự thấy mình vô lễ mà càng thêm kính trọng chúng tôi. Mới cho hai người chúng tôi lên thuyền đi cùng. Đi dọc sông hơn 10 ngày, từ Quỳ Phủ đến Trùng Khánh bình yên vô sự, thật nhờ ơn của Vương Thiên Túng lắm.
Tổng Tư Lệnh ở Trùng Khánh là Hoàng Phục Sinh. Ông là người tiên phong làm cách mạng. Lúc 18 tuổi đã từng đi với Uông Tinh Vệ vào Bắc Kinh, ám sát Nhiếp Chính Vương của Mãn Thanh. Sau bị bỏ ngục cùng với Uông, đến khi Dân Quốc thành lập mới ra được ngục, làm việc ở phủ Tổng Thống.
Thời ở Nam Kinh tôi đã một lần gặp Hoàng ở phủ Tổng Thống. Bây giờ gặp lại, tay bắt mặt mừng rất vui vẻ, lại có ý muốn giữ chúng tôi lại. Nhưng vì chúng tôi nóng lòng muốn về nước, Hoàng không thể níu kéo lại được nên đành tặng hai anh em chúng tôi 370$ gọi là lộ phí đi đường.
Nhưng đường từ Trùng Khánh tới Vân Nam thì giặc cướp đầy đường, không thể đi được. Trú lại Trùng Khánh non nửa tháng, gặp dịp Đường đốc thắng trận trở về Vân Nam, chúng tôi mới xin theo. Thế là phải tới cuối tháng 11 thì mới đến Vân Nam.
Tính ra kể từ tháng 8 ra đi từ Hàng Châu đến Vân Nam, trải qua dải đất Trung Hoa cả thảy 6 tỉnh thành. Lội khe vượt núi, dãi gió dầm mưa, nếm hết mùi gian nan hiểm trở, mà ai ngờ đâu cái mùi gian nan hiểm hiểm trở đó chỉ là nếm chơi cho biết mà thôi.
Ngày tôi tới thành Vân Nam là ngày 29 tháng 11 âm lịch, dày đặc trong ngoài thành là cờ ba sắc (cờ Pháp) treo tứ tung. Chung quanh đường sắt Điền Việt cờ ba sắc che ngập trời, chúng tôi trông thấy mà ngơ ngác rụng rời.
Cũng là vì trong mấy tháng bôn tẩu trong núi rậm rừng sâu không được đọc một tờ báo nào. Ở xứ sơn lâm hẻo lánh bên Trung này thông tin cũng bít bùng y như nước ta vậy. Tình hình thế giới không biết một tí gì.
Đến sáng ngày sau, tôi gấp chạy mua tờ báo mới biết Thế chiến thứ I kết thúc rồi! Đức đã chịu khuất phục, nước Pháp đã nở mày nở mặt, làm một nước chiến thắng toàn cầu! Luôn mấy ngày nay ở trong thành Vân Nam, tất thảy đều là cảnh tượng chúc mừng nước Pháp thắng trận.
Chúng tôi trong lúc cơ hàn bĩ cực, lại nỡ đem số bạc mới kiếm được hơn 1000$ vứt vào hư không vô ích. Nghĩ cũng quá ngu! Nhưng ý chúng tôi trước kia cũng tưởng Châu Âu đại chiến phải tận 6, 7 năm nữa mới tàn. Ai dè việc thiên hạ, bỏ sai một con tính vào thì hao công tốn của nhiều không kể xiết. Thế là bao kế hoạch, lý tưởng trước kia mang tới đây, tất thảy đều theo mây theo gió cả!
Tôi tức khắc rời Vân Nam, theo đường cũ mà về lại Hàng Châu. Đi đến Trùng Khánh, thì tiền trong túi đã sạch sành sanh!!! Vạn bất đắc dĩ lại phải vào yết kiến Hoàng Phục Sinh. Hoàng khuyên tôi ở lại Trùng Khánh, giúp việc văn thư cho Hoàng, sau đó cấp cho tôi một mảnh bằng trong đó ghi:
Đặc sính Phan thị Hán tiên sinh vi Xuyên quân Tổng tư lịnh tư mưu quan, bổng kim nhất bạch thất thập nguyên.
Tổng tư lệnh Hoàng Phục Sinh ấn
Nghĩ cũng buồn cười, dưới tên họ tôi mà có lót vào chữ “quan”, ngày đó là ngày đầu tiên.
Tôi nhậm chức mới được 7 ngày, vừa đến ngày lĩnh lương, lĩnh được 170$ xong, lên ngay Tổng tư lệnh bộ xin từ chức, xin bỏ Trùng Khánh mà ra đi. Bởi vì mục tiêu của tôi cốt có lương, không cốt quan. Năm Mậu Ngọ (1918), hạ tuần tháng giêng, tôi về đến Hàng Châu.
Kể lần đi này công của thì vất vào hư không mà gian khổ thì thật đáng nhớ. Nhẫn nại gian khổ nhất lại là ông Trần Hữu Công. Từ Trùng Khánh tới Vân Nam, lại từ Vân Nam về Trùng Khánh, đi bộ hơn 90 ngày. Tôi nhiều khi đi ngựa thuê còn ông Trần thì hoàn toàn dùng sức chân mà thôi.
Giữa đường cần phải thuê phu gánh rồi giao hành lý cho họ. Lỡ mà họ chạy mau quá, lại sợ giựt đồ chạy. Thế là phải đi theo nhanh cho kịp chứ không dám hở. Những việc đó nhất thiết nhờ ông Trần, còn tôi vì sức chân yếu, chỉ một quãng là theo không nổi đành rớt lại phía sau, có lúc xa tận hơn một cây số.
Từ năm Mậu Ngọ tới năm Ất Sửu (1918-1924), là một thời đại nhàn tán, tiêu điều của chính tôi. Kể về hoạt động cách mạng thiệt không có gì đáng để nói, chỉ có một số việc kinh tâm động phách, khóc cũng hay mà hát cũng chả dở.
Cả thảy những chuyện này không phải vì tôi thổi mà nó lên, cũng chẳng phải tôi dập mà nó tắt, chẳng qua là nó vận vào người mà thôi.
Chuyện Phan Bá Ngọc (con cụ Phan Đình Phùng)
Việc cụ Mai Lão Bạng
Tháng 2, năm Mậu Ngọ (1918), tôi đang vì việc dựng bia kỷ niệm cho Sakitaro Asaba (Thiền Vũ Thái Lang) tiên sinh mà lưu lại Nhật Bản. Bỗng nhận được thư của Phan Bá Ngọc, bảo tôi cứu cho được cụ Mai Lão Bạng ra khỏi ngục ở Quảng Đông. Việc vận động thì để Phan đảm nhận, tổn phí bao nhiêu thì có người lo.
Nghĩ lại trước kia tôi cùng cụ Mai bị giam, tôi thì bị nhốt ở Quan Âm Sơn, còn cụ Mai thì bị giam ở dinh cảnh sát. Hai bên đông tây cách biệt nên không biết được tin của nhau. Khi Long tha cho tôi thì tôi nghĩ là nó cũng tha cho cụ Mai ở Quảng Đông rồi. Nào ngờ giờ lại nghe tin cụ vẫn trong ngục.
Tôi bèn biên một giấy xin tha gửi cho Quảng Đốc Mạc Vinh Tân xin nhờ tha cho cụ Mai. Mạc đốc trả lời rằng án này do Cảnh sát trưởng Ngụy Bương Bình thụ. Lúc này tôi bèn viết thư gửi Bộ trưởng Tài chính tỉnh Quảng Đông là Tăng Ngạn vốn là bạn cũ của tôi, nhờ Tăng giúp cho.
Đến hạ tuần tháng 3 thì cụ Mai được tha ra. Khoảng tháng tư thì cụ đến Thượng Hải cùng với hai đồng chí khác là ông Hy Cao và ông Kim Đài. Hai ông này bị đày ở tận Côn Luân, phải kết bè vượt biển, vượt qua bao gian nan khốn khổ mới thoát được thân. Nay biết được tin cả ba ông đều cùng thoát ra được thì tôi rất mừng. Ngờ đâu sau đó bốn ngày thì lại nhận được tin ba người đó bị bắt cả rồi.
Được tin tôi vội bỏ Nhật Bản về lại Hàng Châu để tìm ra chân tướng vụ việc. Vì việc này tôi rất muộn phiền, cứu cụ ra tù mà hóa ra là dâng tặng quà cho bọn mật thám Pháp để chúng lập được công. Lại tác thành sự nghiệp cho kẻ kia phản cha, bán nước!
“Ngã tuy bất sát Bá Nhân, Bá nhân do ngã nhi tử”. Liệu sự, liệu nhân ngu ám đến thế, tội tôi trong việc này lại quá lớn, không biết chối vào đâu!
“Pháp-Việt đề huề” luận
Cũng trong đợt này, Lê và Phan hẹn gặp tôi ở Hàng Châu, bàn với tôi thảo ra một bản luận là “Pháp-Việt đề huề”. Để thuyết phục tôi, cả hai nói rằng:
Chính sách của Toàn quyền Pháp mới (Albert Sarraut) khác với Toàn quyền cũ rất xa. Vì Sarraut là người đảng Xã Hội, mà đảng ấy so với đảng Thực Dân thì mâu thuẫn nhau nhiều.
Lê lại kể những chính sách tiên tiến của Sarraut như lập trường cho cả trai lẫn gái, đặt lại luật mới ở Bắc Kỳ, lại cho người của ta có cơ hội thiết lập hội nhóm như “Ích Tri Tấn Đức Hội”.
Lúc đầu tôi vẫn không tin lời Lê lắm, nhưng lại nghĩ nếu thật như lời họ nói thì việc mình viết bản luận này mà tương kế tựu kế chắc là cũng có chỗ hay. Tôi mới mưu cùng bàn việc với Bá Ngọc. Bá Ngọc lúc đó là người cộng sự nhiều năm với tôi, từng cùng nhau vào sinh ra tử không ít lần, kể ra thật không ai hơn Phan Bá Ngọc. Phan lúc này mới nói với tôi rằng:
Muốn việc thành đại sự phải có âm mưu. Nay tiên sinh chỉ nên làm một bài lý luận chuyên nói về chuyện Pháp-Việt đề huề, hai bên đều có ích cả.
Người Pháp được thư ấy, tất bớt nghi ngờ Đảng ta. Ta cũng nhân đó đưa người vào trong dò xét được tình trạng người Pháp. Mà mật tình trong nước cũng có thể thông được với bên ngoài.
Theo như lời ông Lê nói cũng là đắc sách lắm. Tôi tin lời hai người làm một bài văn đề rằng “Pháp-Việt đề huề luận”, dưới đề “Độc Tinh Tử soạn”, cuối bài có viết 5 chữ “Phan Bá Ngọc phụng thơ”. Đoạn Lê cầm bài văn ấy về nước. Bốn năm tháng sau, người con yêu của cụ Phan Đình Phùng quả thật quay ra làm tôi trung cho Pháp!
“Dụng chân chí nan”, lời Tôn Tử xưa có sai bao giờ đâu!
Tháng 2, năm Kỷ Dậu (1919), Phan Bá Ngọc lại gặp tôi ở Hàng Châu, bảo là Sarraut rất muốn “đề huề” với tôi. Tôi bảo rằng tất phải Chính phủ Pháp phái người sang đàm phán, điều kiện thế nào cần phải được tôi đồng ý thì mới tiến hành. Đầu tháng 5, một người Pháp tên Nê Dung, hội với Bá Ngọc đến Hàng Châu.
Tôi hẹn rằng thời gian địa điểm đồi phải do mình quyết. Phía mình bao nhiêu người cũng được, còn phía Pháp thì chỉ được một người. Nếu không đáp ứng thì không đàm phán. Bá Ngọc quay lại thương thảo với Nê Dung, Nê tất thảy đều bằng lòng.
Đến ngày hôm ấy, hai bên gặp nhau ở Hồ Lâu Đình, Tây Hồ, Hàng Châu. Tôi cùng Trần Hữu Công, Hồ Hinh Sơn và ba người nữa đi theo. Ngồi xong, đối đáp vài ba câu, Nê Dung lấy ra một tờ giấy bằng tiếng Pháp dịch ra chữ Quốc Ngữ, nói rằng đây là thư của Toàn quyền Sarraut gửi cho tôi.
Tôi nhờ một người trong đoàn đọc cho tôi nghe, nghe xong thật sự quá ngán ngẩm! Nay xin chép lại những điều kiện trong giấy như sau:
Về phía tôi, phải thừa nhận hai điều:
. Phải tuyên bố một bài về trong nước, quyết thủ tiêu những ý chí với với hành vi cách mạng.
. Phải về nước, nếu không về cũng được, nhưng ở ngoài phải có một địa điểm nhất định, mà địa điểm đó tất phải tiếp cận với tô giới Pháp.
Về phía chính phủ Đông Dương thì đối đãi lại tôi hai điều:
. Nếu tôi chịu về nước thì đặt cho một địa vị trọng yếu trong Nam Triều và cấp lương bổng đặc biệt ưu hậu.
. Nếu không chịu về nước mà chịu theo điều kiện trên thì sẽ cấp lữ phí và đồ nhu yếu phẩm ở ngoài.
Tôi đã quyết định một tông chỉ, nên trả lời với Nê Dung rằng:
Những lời quan Toàn quyền nói đó, tôi không trả lời miệng được, sẽ trả lời bằng giấy.
Nê Dung từ biệt tôi về. Sau tôi mới làm một bức thư phúc đáp bằng văn Quốc Ngữ, giải thích rõ nguyên ý hai chữ “Đề huề”, đồng thời cự tuyệt hẳn những điều kiện không chính đáng. Sau nhờ ông Lý Trọng Bá giao lại cho Phan Bá Ngọc cầm về Hà Nội, đưa cho Toàn quyền Sarraut. Bức thư này là văn tự đầu tiên của tôi trực tiếp giao thiệp với người Pháp.
Tháng 7 năm Kỷ Dậu (1919), tôi rời Hàng Châu, quay lại Nhật Bản. Từ đó về sau, trong khoảng 4 năm không có việc gì làm. Lúc thì ngồi buồn vô liêu, lúc lại chạy rông một độ.
Phan Bá Ngọc bị ám sát
Năm Nhâm Tuất (1922) ngày 15 tháng giêng, tôi còn ở Bắc Kinh làm biên tập viên cho “Đông Á Tần Văn” thì nhận được tin ở Hàng Châu có một vụ ám sát.
Ngày đó là ngày tết Nguyên Tiêu, người Hàng Châu có tục xem đèn. Bên bờ Hồ Tây đèn nháy như sao, trai lục gái hồng, bể người rừng hoa, náo nhiệt cực kỳ. Đột nhiên trong ngàn tiếng pháo nổ, lại nghe thấy ba phát súng lục. Tức khắc có người chết nằm ngã giữa đường. Lính tuần lại soát thì phát hiện ở trong người có 2150$, trong túi lại có một cái đồng hồ vàng 60$.
Ôi! Người đó cũng là đồng bào ta, lại là con nhà nòi chống Pháp kỳ cựu. Sau này lại đi nối giáo cho giặc, cuối cùng cũng phải chết thảm!
Giao thiệp với người Nga
Tháng 11 năm Canh Thân (1920), tôi nghe được Đảng Cộng Sản Liên Xô nhóm họp ở Bắc Kinh, mà đại bản doanh của họ thì ở trong trường Đại Học Bắc Kinh. Tôi vì sẵn tính ham lạ mà cũng muốn nghiên cứu chân lý Cộng Sản, nhưng không biết lấy gì tự giới thiệu với họ, bèn đem bản sách “Liên Bang Nga Chân Tướng Điều Tra Ký” của Bố Trí Di Trĩ, người Nhật Bản, đảo đi lật lại nhằm tìm ngầm ý sâu xa, sau đó dịch ra sách Hán Văn. Trên dưới diễn dịch cực kỹ chủ nghĩa Lao Nông cùng với chế độ của họ.
Xong tôi cắp sách đi Bắc Kinh, vào trường tôi thăm Thái Nguyên Bồi tiên sinh. Thái xem xong bản sách của tôi cũng rất tương đắc, mới giới thiệu tôi với 2 người Nga: một là trưởng đoàn Liên Bang Xô Viết ở Trung Quốc, một là Tham Tán Lạp tiên sinh thuộc đại sứ Nga. Lần này là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Nga. Tôi có hỏi Lạp tiên sinh:
Người nước tôi cũng muốn đi du học quý quốc, nhờ tiên sinh chỉ đường vẽ lối cho.
Lạp đáp:
Lao Nông Chính phủ đối với tất cả đồng bào thế giới du học ở Nga rất là hoan nghênh. Người Việt Nam sang Nga du học lại tiện lợi lắm:
Có thể từ Bắc Kinh đến Vladivostok (Hải Sâm Uy) bằng đường thủy, rồi từ Vladivostok tới Moskva (Mạc Tư Khoa) bằng đường sắt. Kể ra hành trình chỉ có 10 ngày thôi.
Học sinh tới Nga, nên đến Bắc Kinh trước, có quan Đại Sứ ở đó, vào xin lĩnh chứng thư và giấy giới thiệu. Nếu có rồi thì mọi phí tổn sau khi đến Moskva sẽ được Chính phủ tài trợ cho. Kể từ Việt Nam đến đất Nga, chi phí chỉ trong khoảng 200$ chắc cũng dễ lo liệu.
Nhưng du học sinh trước khi sang Nga học, phải chấp nhận những điều kiện sau:
. Phải theo chủ nghĩa Cộng Sản.
. Học thành về nước, phải gánh vác những công việc tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản.
. Học thành về nước, phải ra sức tiến hành sự nghiệp cách mạng Cộng Sản.
Còn như học phí, sinh hoạt phí trong lúc học ở Nga thì đều do Chính phủ đảm nhận hết cả.
Ông Hoàng Đình Tuân thông dịch bằng tiếng Anh lại cho tôi nghe. Tôi còn nhớ họ có nói thêm rằng:
Chúng tôi thấy được người Việt Nam là bắt đầu từ ông.
Ông nếu dùng được chữ Anh làm một bản sách kể hết chân tướng của người Pháp ở Việt Nam rồi gửi lại cho chúng tôi. Chúng tôi cảm tạ không dám quên.
Khổ vì tôi không làm được sách Anh Văn, không có cách nào trả lại thành ý đó. Coi như tôi không có duyên với chủ nghĩa Cộng Sản vậy.