13 phút để đọc

alt

Thực dân pháp xử tử phạm nhân ở Hà Nội (1908)

Tiến hành bạo động

Tôi viết đến đoạn sử này, thiệt là nuốt đau, quẹt nước mắt mà vẫn không nỡ viết. Bởi vì hy sinh mất những người đồng bào có chí khí, tâm huyết. Vì trông mong cho vận mệnh nước nhà được sống lại, lo hạnh phúc của đại đa số, mà nhận cái thống khổ của thiểu số.

Than ôi! Việc đời quá chừng trắc trở, cơ trời quá khó đoán định. Hy sinh oan đồng bào, đồng chí mà không có kết quả gì! Thiệt là đại tội cực ác của tôi, mãi đến giờ vẫn tôi vẫn chưa nguôi ngoai được.

Mùa thu Nhâm Tý (1912), sau khi “Hội Quang Phục” được thành lập, tôi tiếp ba ủy viên ở trong nước ra, cả thảy đều nói rằng:

Muốn vận động quân đội ở trong nước, trước phải có một tiếng kinh thiên động địa xuất hiện thì vận động mới có hiệu lực. Bởi vì người dân họ chỉ muốn thành công ở ngay ngày mai. Nếu kế hoạch tính bằng tháng bằng năm thì không thể thổi họ dậy được (hỏng là tại ở đó).

Nghe vậy, tôi mới đem số tiền 1200$ chia làm ba khoản:

  • Lấy 400$ cấp cho ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Trọng Thường theo đường Lạng Sơn vào Bắc Kỳ.
  • Lấy 600$ cấp cho Hà Đương Nhân, Đặng Tử Vũ theo đường Thái Lan vào Trung Kỳ.
  • Lấy 200$ cấp cho Bùi Chính Lộ theo đường Thái Lan vào Nam Kỳ.

Sau khi mọi người chia ra, tôi nghĩ rằng cái dùi của Trương Tử Phòng, cái súng lục của Yên Trọng Căn cuối cùng cũng được dùng. Tất sẽ đồng thời đốt phá ở cả ba Kỳ. Nếu mà diệt được một đầu lĩnh cầm quyền trong nước thì có thể kích động nhân tâm, lại vừa đánh tan được đầu não giặc, chắc là sẽ tạo được ảnh hưởng to lắm.

Ai ngờ đến lúc sau thì kết quả đúng là không có được gì! Sáu viên lựu đạn mang về Bắc Kỳ thì không tặng cho quan sai Thực Dân mà chỉ tặng cho hàng Tuần Phủ Thái Bình, với Tây buôn ở hàng cơm. Bốn viên lựu đạn sang Thái thì chưa đến mục tiêu cuối cùng đã phải vất uổng ở trên ruộng cày. Hai viên lựu đạn của Bùi Chính Lộ thì chỉ giết mấy con chó săn nhỏ, mà hy sinh tính mạng đáng quý của chính mình.

Lại nghe trong nước có hơn 50 người bị chết chém. Vì cái danh vị hư ảo mà làm hại đồng bào ái quốc hơn 50 người, gan ruột cầm thú thế nào, tôi cũng không khác gì cho cam!

Thiệt ý tôi lúc đầu nào có phải vậy đâu! Than ôi, trỏ một đằng, đi một nẻo! Thành ra cái đồ quý mà Trần tiên sinh cho tôi, chỉ đúc ra một cục lỗi lầm to lớn. Xưa nay việc trong thiên hạ, cái gì có thành công thì chỉ may được một hai việc thành là tốt lắm rồi; còn như thất bại lại có vô số việc đuổi theo sau lưng (họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai). Tôi lúc bấy giờ cũng ở trong cảnh tương tự.

Lại vì việc lựu đạn, mà Chính phủ Pháp mới có cớ kiện chúng tôi với Chính phủ Trung Hoa. Tố rằng cơ quan chúng tôi chứa chấp quân sát nhân, mà tên Phàn Sao Nam (chính là tôi) là tên đầu sỏ. Công sứ Pháp ở Bắc Kinh đôi ba lần yêu cầu Chính phủ Trung Hoa dẫn độ phạm nhân.

May mà lúc đó Tổng Thống Trung Hoa là Viên Thế Khải cũng là một tay cứng cỏi. Kỳ Ngoại Hầu từng đến Bắc Kinh yết kiến họ Viên. Viên sai Tổng Lý Đàm Kỳ Thụy thay mặt, tỏ ý hoan nghênh. Đàm có nói rằng:

Chờ trong khoảng 5 năm, Đại Tổng Thống thu xếp việc Trung Quốc xong, sẽ có một ngày thị uy với ngoại quốc.

Lúc đó chính là lúc các ông sẽ làm được việc.

Các thanh niên nước ta được hỗ trợ học phí vào học nhà học ở Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp rồi, Viên tất thảy đều nuôi dùng. Vậy nên với án người Pháp kiện, Chính phủ Hoa đều chối thẳng, viện rằng không có chứng cứ.

Cơ quan Đảng ta ở Quảng Đông, nhờ thế mà cũng sống qua được ít ngày. Nhưng giá trị của “Quân Dụng Phiếu” đã giảm đi nhiều lắm. Bởi vì cách mạng hành động ở trong nước đã không tăm hơi gì mà ngoại giao ở bên ngoài lại cũng gai góc. Việc này khiến cho những tay đầu cơ lão luyện xứ Quảng cũng phải thè lưỡi rụt vòi. Thật khổ lắm thay! Ngồi mà không làm thì sao mà có tiền? Nhúc nhích mà vấp ngã thì đồng tiền lại càng mau chết. Tình cảnh lúc đó, tiến thoái tới lui đều thật khốn khổ khốn nạn.

Ăn mày văn minh ở Hồ Nam

Năm Quý Sửu (1913), tôi ở Quảng Đông, nghĩ đến việc một mai hơn 40 anh em chúng tôi ở cùng nhau không được chết vì cách mạng mà chết vì đói rét. Thế là tôi mới tính một cách ăn mày mới. Mà nói cho đúng mấy năm nay vận động bằng “Quân Dụng Phiếu” chẳng qua cũng chỉ là một cách ăn mày văn minh mà thôi.

Số là nhớ đến lúc tôi ở Nhật Bản có bạn đồng học với anh em là Trương Huy Toản tiên sinh, người Hồ Nam. Từ lúc Dân Quốc thành lập, ông này được làm tướng quân sư cho Đô Đốc Hồ Nam là Đàm Diên Khải tiên sinh.

Hạ tuần tháng ba, tôi cùng với Lương Lập Nham lên Hồ Nam gặp ông Trương. Tôi đưa bản “Chấn Hoa Hưng Á Tuyên Ngôn” và chương trình cho xem. Trương thích lắm, triệu tập các bạn bè, quan binh ở Hồ Nam hơn chục người, sau đó giới thiệu cho chúng tôi. Ông còn bảo chúng tôi ở lại Hồ Nam chừng vài tháng thì toàn tỉnh Hồ Nam sẽ giúp cho 20 vạn tá khoản.

Chúng tôi nghe mà mừng khôn siết. Ngờ đâu sao đổi vật dời, sự tình chỉ qua ngày mai mà biến đổi một cách nhanh chóng.

Trung Hoa đệ nhị cách mạng nổi lên, quân Quốc Dân đảng đánh Viên Thế Khải, ba tỉnh cạnh bên Hồ Nam đã nghe tiếng súng đùng đùng, mà Hồ Nam cũng tức khắc tuyên chiến. Những người vừa hôm qua nói chuyện, hôm nay tay chân đã phải cuống quýt việc binh, nào còn thì giờ nghĩ đến việc khác.

Chúng tôi đành lìa Hồ Nam. Kết quả chỉ được 300$ tiền đi đường chạy về Quảng Đông. Việc đời biến hóa mau chúng không ngờ, thật không có gì lạ hơn thế!

Long Tế Quang bắt tôi hạ ngục

Mùa hạ năm đó (1913), ở tỉnh thành Quảng Đông có việc quân lính nổi dậy gây biến, cốt đánh đổ Đô đốc Trần Cảnh Hoa, làm cho Trần phải chạy. Long Tế Quang kéo binh tới, tự lãnh chức Đô đốc Quảng Đông.

Thuở nay, họ Long với đảng Việt Nam cách mạng vẫn không quen biết nhau và không quan hệ liên lạc với nhau bao giờ. Đã vậy mà Long lại là người thù ghét vây cánh Hồ Hán Dân và Trần Cảnh Hoa, chỉ muốn có dịp bài trừ cho tận gốc. Thành ra đảng ta bị vạ lây. Tôi phải ôm cái cảm khái thỏ chết chồn đau, vì Hồ-Trần thất bại, mà đảng ta không còn chỗ để nương náu ở đất Quảng Đông này nữa.

Lúc đó tôi muốn bỏ đi nơi khác cho mau, nhưng vì có công việc của đảng còn ràng buộc, thu xếp không kịp, đành phải nấn ná ở lại.

Nhưng cũng lo phòng thân, tôi lật đật viết thư lên Nguyễn quân Đĩnh Nam (tức Nguyễn Thượng Hiền), cậy ông tìm cách vận động xin dùm tôi một hộ chiếu, để sau tôi có đi đâu mới đi được.

Nguyễn quân vốn là một nhiệt tâm với nước. Sơ tuần tháng 7, ông tiếp được thư tôi, lập tức lấy được giấy hộ chiếu của bộ Ngoại giao Bắc Kinh gửi xuống cho tôi. Có tờ hộ chiếu nắm trong tay rồi, tôi bớt lo sợ.

Vả lại các bạn đồng chí cùng ở Quảng Đông với tôi lúc bấy giờ khá nhiều, nếu như đồng thời giải tán, muốn đi đâu cũng phải cần có phí khoản mà hiện tại tiền bạc không có, thành ra chúng tôi đành chịu nấn ná ở lại đây với nhau, không tính đi đâu được.

Cách không bao lâu, có tin báo rằng quan Toàn quyền Đông Pháp sắp tới Quảng Đông. Kế một tuần sau, thì các cơ quan hành sự của đảng ta đều bị khám xét và được lệnh bị giải tán. Tôi với yếu nhân của đảng là Mai quân cùng bị bắt hạ ngục.

Nguyên trước Hoàng quân Trọng Mậu có việc đi Vân Nam và Phan quân Bá Ngọc hồi xuống tàu đi Nhật Bản, đều căn dặn tôi nêu liệu cơ mà từ giã Quảng Đông kẻo nguy. Song tôi suy nghĩ các bạn đồng chí đang ở Quảng Đông với mình vô số, mình không đành lòng nào lo riêng một mình. Vì đó mà tôi cứ do dự chần chờ, mới vương lấy tai ách bây giờ. Đó là cái hiệu quả tôi không khôn và tôi vô dũng ra vậy.

Ban đầu mới bị bắt, tôi vẫn tự nghĩ rằng mình không đến nỗi phải chết. Đến lúc thấy cách thức chúng áp giải mình đi dọc đường, nào xiềng tay, nào trói chặt, dẫn về tới ngục thất. Rồi lại giam trong ngục thất chung một chỗ với bọn tử tù, bấy giờ tôi mới biết rằng họ Long đã coi tôi là hạng tù chính trị rồi, vậy thì ngày giờ tôi chết gần đến nơi mất rồi!

Từ khi xuất dương tới giờ, tôi được nếm mùi ở tù, lần này là lần thứ nhất. Nhưng Mai quân hơn tôi, lần này ông vào ngục là lần thứ ba rồi.

Vào ngục bữa đầu, tôi với Mai quân ở chung một xà lim. Đêm hôm ấy tôi đọc miệng một bài thơ để an ủi Mai quân như vầy:

飃蓬我輩各他鄉
Phiêu bồng ngã tối các tha hương;
辛苦偏君分外嘗
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường.
性命幾回頻死地
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa.
鬚眉三度入囹堂
Tu-mi tâm độ nhập linh đường.
驚人事業天陶鑄
Kinh nhơn sự nghiệp thiên đào chú;
不世風雲帝主張
Bất thế phong vân đế chủ trương.
假使前途盡夷坦
Giả-sử tiền đồ tận di thản.
英雄豪傑也庸常
Anh hùng hào kiệt giã dung thường

Đại ý là:

Bơ vơ đất khách bác cùng tôi;
Riêng bác cay chua nếm đủ mùi.
Tính mạng bao phen gần chết hụt.
Mày râu ba lượt bị giam rồi!

Trời toan đại dụng nên rèn chí.
Chúa giúp thành công tất có hồi.
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết.
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Còn tôi thì tự an ủi mình bằng một bài thơ Nôm như sau này:

Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,\ Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân nọ vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Làm xong hai bài thơ, tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục.

Qua ngày thứ nhì, chúng nhốt riêng tôi và Mai quân mỗi người ở cách biệt nhau một nơi. Thế là từ hôm nay, tôi là thằng tù bơ vơ, trơ trọi ở chốn tha hương khách địa này.

Những nỗi khổ nhục ở trong khám, cố nhiên mình chẳng nên xót xa than thở làm gì. Duy có một điều đau đớn là mình phải cách trở anh em, tuyệt hẳn tin tức, mà ở trong ngục chỉ có một mình nói tiếng Việt cho mình nghe thôi, nghĩ thấy tự buồn rầu cho thân phận, rồi lại chạnh lòng nhớ tới công việc thất bại, khiến tôi phải đau lòng mà khóc, nước mắt tầm tã như mưa. Thật là từ lúc cha mẹ đẻ tôi ra đến nay chưa hề lúc nào biết mùi đau đớn như bây giờ.

Mà từ lúc cha mẹ đẻ ra, tôi chưa hề nếm mùi đau đớn như vầy, đầu giây mối nhợ là vì cái chí tôi hoài bão từ 30 năm trước.

Cái chí tôi hoài bão ra thế nào?

Thì chí muốn đổ máu ra mua sự tự do, đánh đổi cái kiếp tôi tớ lấy quyền tự chủ đó thôi.

Ôi! Cái chí tôi hoài bão như thế, cứ lấy thiên chức quốc dân ta mà nói, có ai dám bảo rằng: không nên. Song ôm cái chí đó mà có làm thành việc lớn chăng, thì phải nhờ có bắp thịt cứng ra thế nào, học thức giỏi ra thế nào, thủ đoạn có tài thao túng ra thế nào, thời thế có khéo xoay chuyển thế nào mới được. Đằng này tôi tự hỏi lấy tôi, bất quá như anh mù cỡi con ngựa đui vậy thôi. Bây giờ kết quả thất bại như thế này, chính vì tôi dở mà ra, còn than trách gì nữa!

Tuy vậy, tôi nghĩ trong thế giới chẳng lẽ nào có một con nước hễ đã xuống rồi thì không bao giờ nó lại lên, chẳng lẽ nào có một cuộc đời hễ đã thành rồi thì không có lúc thay đổi. Bởi vậy cái cuộc thất bại của tôi tạo ra ngày nay, biết đâu không phải là cái phước cho quốc dân ta sau này?

Than ôi! Dòng dõi Hùng Vương chưa chết hết, chuyện cũ Lê Hoàng còn mới hoài, phàm là quốc dân ta, ai hoài bão chí muốn như ta, tất có ngàn ta, muôn ta, ức triệu ta, nên lấy việc thất bại trước của tôi mà răn mình, để cho được trở nên những người năng lực, không đợi tới chín lần đứt tay mới hay thuốc!

Tôi lại nghĩ tôi là một người trong tay không có lấy một tấc sắt, trên mặt đất cũng không có lấy một chỗ nào đứng chân, chẳng qua mình chỉ là một thằng tay không chân trắng, sức yếu tài hèn, lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài vuốt nhọn.

Ai biết lòng mình thì than tiếc dùm mình mà nói: Gan to!

Ai muốn bắt lỗi mình thì bảo mình: Ngu quá!

Tóm lại, trong đời người thật không có ai ngu dại như tôi. Nếu có phải tính mạng của tôi đến ngày hôm nay là ngày cùng rồi, khi tôi chết, người ta cứ đặt tên hèm cho tôi là “Kỳ ngu” thì đúng lắm, không đổi được chữ nào khác hơn. Nhưng nếu mà tôi không chết, thì rồi sau thấy beo cọp há lại không thể đánh được ư? Xin quốc dân ta nên xem gương tôi mà tự răn lấy mình.

Lịch ta ngày 25 tháng chạp năm Quý Sửu (1913),
Sào Nam Tử viết tập “Ngục Trung Thư” này ở nhà ngục Quảng Châu, sau khi vào ngục 3 ngày.

Ngày cập nhật: