Kỳ 11 - Lập Việt Nam Quang Phục Hội
Xưa nước ta chỉ có cờ Hoàng Đế mà không có cờ nước cũng là một việc đáng quái gở. Hội Việt Nam Quang Phục mới chế định ra quốc kỳ bằng cờ ngũ tinh, dạng huy thức dùng bằng cách ngũ tinh liên châu.
Nhân vì nước ta có năm địa bộ, sở dĩ dùng thức này để tỏ rõ cái ý năm đại bộ liên lạc làm một.
Sắc cờ dùng hoàng địa, hồng tinh làm cờ nước; hồng địa bạch tinh làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta. Hồng là biểu thị sắc nước ta: Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng. Quân kỳ sở dĩ dùng bạch tinh là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ Chính phủ người da trắng.
Trần Kỳ Mỹ và Hồ Hán Dân giúp sức
Hạ tuần tháng 11 tới Hồng Kông anh em đồng chí trước đó tản tác các nơi, giờ đều quần tụ lại đây.
Lúc này nghĩ rằng sau cách mạng đảng thành công thì Chính phủ Trung Hoa mới tất nhiên không hủ bại như Chính phủ cũ (thất bại là tại chỗ đó!), và rồi Trung Hoa tất nối gót theo Nhật Bản mà làm một cường quốc. Nếu hai nước Trung-Nhật chung sức toàn lực mà kình với Châu Âu thì chẳng những nước Việt Nam ta, mà nước Ấn Độ, Philippines cũng đồng thời có cơ hội đứng dậy cả.
Nghĩ thế tôi bèn thảo một bản, tựa là “Liên Á xổ ngôn”, cốt bày tỏ kêu gào hai nước Trung Hoa, Nhật Bản nên đấu sức cùng lòng, để sửa sang gây dựng đại cuộc Châu Á. Bài này truyền ra nhiều tri thức xứ Trung đều khen ngợi tán thành.
Song thời cuộc Đông Á đến giờ (năm 1924), xoay đổi khác hẳn sự trông mong của mình lúc đó. Thế mới biết việc đời lý luận đi tới thực tiễn không phải là chuyện dễ dàng. Bọn mình hay ngồi nói ngông tưởng hão, chỉ tổ làm trò cười cho người ta mà thôi.
Xưa nay Đông Tây các nước, tuyệt không một đảng cách mạng nào chỉ là đoàn ăn mày mà thành công được. Ngẫm lại trong nước không một tổ chức, một thế lực gì, mà chỉ trông chờ ngoại lực, điều gì cũng phải dựa vào lưng người. Khốn vì chúng tôi lúc ấy đã không thế lực nào mạnh ở trong, lại không phát triển ở ngoài, cứ ăn no, ngủ kỹ, bỏ suông ngày tháng vô liêu kia thì dầu biết hạ sách cũng phải làm, chỉ may rủi thôi!
Mùa xuân năm Nhâm Tý (1912), nước Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Tôn Trung Sơn tiên sinh được cử làm Trung Hoa lâm thời Đại Tổng Thống. Hạ tuần tháng hai tôi lên Nam Kinh yết kiến Tôn Trung Sơn, có được vào dự lần họp Quốc Hội đầu tiên. Lúc đó Nam Kinh Chính phủ mới được thành lập hai tháng, mà Viên Thế Khải lại muốn lên thay. Tôn Trung Sơn vì đại cuộc mà phải nhường chức Đại Tổng Thống cho họ Viên.
Tôi đến Nam Kinh chính vừa giữa lúc hai đám Tân-Cựu giao đấu, công việc rối như tơ vò, Tôn tiên sinh không có thời gian ứng tiếp. Tôi chỉ gặp được Tôn tiên sinh vài phút đồng hồ, sau chỉ đi lại tiếp chuyện với Hoàng Hưng tiên sinh. Qua lại vài lần mới bàn tới chuyện trợ giúp Việt Nam. Hoàng Hưng nói:
Nước tôi viện Việt là nghĩa vụ của bọn tôi, không thể từ được; nhưng lúc này bàn tới hơi sớm. Nay chỉ có thể nghĩ giùm được cho các ngài một việc sau:
Tuyển mộ du học sinh Việt Nam vào học trường Trung Hoa, hay là vào quan dinh Trung Hoa. Có sẵn nhân tài sẽ chờ cơ hội, dầu có chậm trễ cũng chẳng qua độ 10 năm. Các ngài lưu tâm việc này, có cần những gì chúng tôi có thể giúp đỡ cho được. Ngoài chuyện ấy, lúc này không việc gì có thể giúp dùm các ngài.
Tôi nghe lời Hoàng nói, quá chừng thất vọng, ngán ngẩm nghĩ rằng: “Tuyển du học sinh thì chẳng qua lại là nước cờ thua ngày xưa mà thôi”. Tôi ghé qua Thượng Hải, gặp người bạn khi xưa là Đô đốc Trần Kỳ Mỹ mà thổ lộ rằng:
Lúc này tôi định cho người về trong nước làm bạo động cách mạng…
Trần Kỳ Mỹ tiên sinh ra sức phản đối, bảo rằng nên theo giáo dục. Hễ quốc dân không giáo dục thì chẳng bao giờ bạo động mà có công hiệu cả. Tôi liền trả lời rằng:
Quyền giáo dục nước tôi hoàn toàn ở trong tay người Pháp. Học đường dựng ra, hoàn toàn là giáo dục bằng cách nô lệ: cấm tự lập học đường, cấm học sinh xuất dương. Tất thảy những công việc giáo dục chúng tôi không một tý gì tự do.
Người nước tôi cầu một sự sống trong vạn cái chết, chỉ duy còn một cách là bạo động. Lấy bạo động là tiền đề để cải cách giáo dục vậy.
Tôi nhân lấy câu “Giáo dục và bạo động đồng thời tiến hành” của Giuseppe Mazzini mà cáo với tiên sinh và đồng thời lấy dẫn chứng về lịch sử những thất bại của đảng mình xưa nay. Cuối cùng tiên sinh cũng cho là phải, lấy 4000$ tặng ngay cho tôi, rồi đem 30 viên lựu đạn quân dụng làm quà.
Lâu nay tôi khốn khổ luôn gặp cảnh túng bấn nghèo nàn, không khác gì người hết gạo nhịn ăn lâu lắm rồi. Bây giờ được tiên sinh vác một số tiền lớn mà cho, khiến trong lòng vừa vui mừng, vừa an tâm vì lại có tiền để hoạt động. Ơn lớn của tiên sinh thiệt dầu đến chết tôi cũng không dám quên.
Vừa gặp lúc Dân đảng ở Quảng Đông cũng thành công đắc chí, Hồ Hán Dân làm Đô Đốc, cùng với cảnh sát trưởng Trần Cảnh Hoa, vốn tỏ ý đồng tình với đảng cách mạng nước ta, cho nên tôi nhân dịp lại đi Quảng Châu và định ở luôn tại đó.
Trung Hoa Dân Quốc dựng lên, như có luồng gió tiếng vang, rung động tới nước mình nhiều. Dân khí ta lại phấn chấn đáo để. Những hạng chí khí lại rủ nhau bỏ nước mạo hiểm trốn ra ngoài, chân nối gót nhau tới Quảng Châu đông lắm.
Bọn ông Liệt Sanh ở Nam Kỳ qua; bọn ông Hải Thần ở Bắc Kỳ tới; bọn Đặng Tử Kính và Đặng Hồng Phấn thì ở Thái sang; Kỳ Ngoại Hầu từ Hồng Kông về. Cho tới mấy anh em học tốt nghiệp ở trường Lục quân Quảng Tây, nay cũng đồng thời kéo đến Quảng Châu để hội họp nhau.
Anh em đồng chí ngó thấy vậy, đều khuyên nhủ, thúc giục tôi nên thừa cơ hội này mà cử đồ đại sự. Bình sinh tôi vốn ôm chủ nghĩa Dân Chủ nay lại được đa số anh em đồng chí thúc hối tán thành, cho nên tôi càng quả quyết làm.
Lập “Việt Nam Quang Phục Hội”
Tôi từ sau khi đến Nhật Bản, nghiên cứu nguyên nhân cách mạng và chính thể ưu nhược ở Đông Tây nhận thấy lý luận bài Quân Chủ là chính đáng. Vả lại bàn luận, tranh biện với các đồng chí Trung Hoa lâu ngày, nhận thấy chủ nghĩa Quân Chủ đã gác lại ở đằng sau.
Sở dĩ chưa dám xướng to lên là vì lúc đầu tôi mới xuất dương, vẫn nêu ngọn cờ Quân Chủ mà thủ tín với người. Phỏng cục diện hãy còn y nguyên thì thủ đoạn chưa dám thay đổi. Bây giờ cục diện đã thay đổi rồi, tôi mới đề xuất đổi chủ nghĩa Quân Chủ thành Dân Chủ.
Hầu hết mọi người đều tán thành, chỉ duy một vài người Nam Kỳ phản đối. Cũng là vì đồng bào trong Nam đối với Kỳ Ngoại Hầu tín ngưỡng rất sâu, không thể nào phút chốc mà đổi được. Cụ tiền bối Nguyễn Hải Dương có ý không thích Dân Chủ, nhưng cụ cũng ừ cho. Kết quả đa số khuynh hướng là về Dân Chủ, quyết định bỏ đi “Hội Duy Tân” mà lập nên “Việt Nam Quang Phục Hội”.
Chương trình Hội Quang Phục do tôi thảo ra, được toàn thể hội viên thừa nhận. Trong đó “Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng Hòa Dân Quốc, ấy là tôn chỉ độc nhất của bản hội”. Hội chức viên đặt làm ba bộ phận:
- Tổng Vụ Bộ
- Bộ trưởng là Việt Nam Quang Phục Hội, Hội Trưởng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
- Phó Hội Trưởng là Hội Tổng Lý Phan Sào Nam.
- Bình Nghị Bộ: bộ này ba người làm hội viên, chọn trong ba Kỳ mỗi Kỳ một người.
- Bắc Kỳ: Nguyễn Thượng Hiền
- Trung Kỳ: Phan Sào Nam
- Nam Kỳ: Nguyễn Thần Hiến
- Chấp Hành bộ: bộ này đặt 10 ủy viên
- Quân Vụ Ủy Viên: Hoàng Trọng Mậu, Lương Lập Nham
- Kinh Tế Ủy Viên: Mai Lão Bạng, Đặng Tử Mẫn
- Giao Tế Ủy Viên: Lâm Đức Mậu, Đặng Bỉnh Thành
- Văn Độc Ủy Viên: Phan Bá Ngọc, Nguyễn Yên Chiêu
- Thư Vụ Ủy Viên: Phan Quý Chuân, Đinh Tế Dân
Địa điểm mà đảng nhân tụ hội có hai cơ sở:
- Sa Hà Lưu Gia Từ: ông Lưu Vĩnh Phúc cho mượn, cơ sở này dung được hơn 50 người.
- Hoàng Sa Chu Thị Lữ quán: cơ sở này dung được hơn 10 người.
Quang Phục Hội chương trình và tuyên ngôn, in xong gửi người đem về phân bố, phát tán. Nhưng khốn một điều vì lúc đó, ông Lý Tuệ đã bị đi tù, không có người bí mật ở dưới tàu thủy. Mà đường bộ mang sách lại quá khó khăn, nên những văn kiện đó về lại trong nước rất ít.
Thời điểm này, kinh phí hoạt động vẫn là hết sức khó khăn. Góp cả ba kỳ chỉ được hơn 2000$. So với thời “Hội Duy Tân” đang thịnh thì tình hình vận động trong nước hiện tại khổ gấp mấy lần. Khi mọi người sắp sửa về nước, tôi cũng đồng thời hết sức vận động ở ngoài.
Phát hành “Quân Dụng Phiếu”
Lúc đầu tôi theo đường lối tuyên truyền chính sách với diễn tiến hòa bình. Tuy nhiên đến giờ cần phải vũ trang cách mạng, mà vũ trang cách mạng tất phải cần kinh tế mới tiến hành được. Mà muốn kinh tế cho đủ dùng cần phải có vốn.
Nghĩ thế, tôi cũng làm liều tới ông Tô Thiếu Lâu mà cầu cạnh. Ông Tô Thiếu Lâu là người làm cách mạng ở Quảng Đông, đối với “Quang Phục Hội” rất đồng tình. Ông mới chỉ tôi cách dùng “Quân Dụng Phiếu”.
Đây là một cách thức huy động vốn ở đất Lưỡng Quảng này. Ta sẽ phái người phân tán ở khắp nơi, đem tờ “Quân Dụng Phiếu” coi như là tờ giấy nợ mà đổi lấy tiền về. Sau này cách mạng thành công thì sẽ theo tờ phiếu này mà trả lại tiền. Việc này thành thì lấy tiền đổi lại phiếu khoán cũng rất dễ, rủi không thành thì cũng là một cách dối người lấy tiền theo lối văn minh vậy.
Tôi liền ủy thác ông Hoàng Trọng Mậu đi với ông Tô, qua Hồng Kông tìm những người trong đảng cách mạng đã quen với việc ấy. Bí mật chế tạo, in thành phiếu khoán với 4 mệnh giá: 5$, 10$, 20$ và 100$. Mặt trước khắc “Việt Nam Quang Phục Quân Quân Dụng Phiếu”, chính giữa in số tiền, mặt sau khắc chữ Hán và chữ Quốc Ngữ ghi rõ đây là do “Việt Nam Quang Phục Quân, Lâm Thời Chính Phủ” phát hành. Người ký là Phan Sào Nam, người kiểm phát Hoàng Trọng Mậu.
Phiếu bạc này in bằng điện, tinh xảo như tờ tiền của Trung Quốc. Người quyên góp chờ đến khi Dân Quốc Chính phủ thành lập, đem phiếu ra thu hồi lại tiền, trước quyên góp một đồng thì sẽ nhận được hai đồng.
Lập “Chấn Hoa Hưng Á Hội”
Coi như chuyện tổ chức phát hành “Quân Dụng Phiếu” đã xong. Nay đến bước vận động quyên góp trong ngoài. Ở ngoài thì nhớ sức viện trợ của Trung Quốc. Quân phí, quân nhu đều cầu người Trung giúp.
Lúc bấy giờ, chúng tôi một mặt phái người về trong nước vận động, một mặt phải lo lập một cơ quan để liên lạc với người Trung bên này. Cô Thiếu Lâm, Đặng Cảnh Á và các đồng chí Trung Quốc bàn với tôi rằng:
Sự nghiệp cách mạng vốn trọng thực tế, nhưng cũng có lúc cũng cần hư danh. Chẳng qua nhờ hư trương thanh thế ban đầu mà thu được hậu thuẫn để có thực lực về sau. Nay thực lực các ông còn thiếu quá, cần phải tiến hành một hoạt động để hư trương thanh thế.
Trước lập một cơ quan, tô vẽ mặt ngoài để người ta chú ý đến, khiến người Quảng Đông đây tưởng rằng các ông bên trong cũng đã có 5, 6 phần rồi. Đó cũng là một cách “hư giả thực chi” của nhà binh vậy.
Tôi nghe lời họ bàn và ý mình cũng không thấy vấn đề gì, mới quyết làm theo cách ấy. Số bạc 4000$ của Trần Kỳ Mỹ tiên sinh cấp cho dùng vào việc trên ngốn hết 2800$. Chúng tôi đặt ra “Chấn Hoa Hưng Á Hội”, thảo một chương trình và một bức tuyên ngôn đại lược như sau:
Trung Hoa đất lớn, người đông, của nhiều, chiếm dải đất lớn nhất ở Châu Á. Lại là nước giàu truyền thống văn hóa nhất ở Phương Đông. Thiên chức Trung Hoa đáng làm huynh trưởng cho toàn Á mà vun trồng các tiểu quốc ở Á Đông mới là tròn chức trách ấy. Còn như thời đại Mãn Thanh, vứt bỏ cái chức trách huynh trưởng ấy, thiệt là làm nhục cho Trung Hoa lắm.
…
Đến như Trung Hoa, chỉ tội tại ngoại giao bất chấn. Mà sở dĩ bất chấn là vì Quốc uy bất dương. Muốn dương Quốc uy tất phải bài Âu, mà bài Âu tất phải bài Pháp viện Việt. Lý do bài Pháp là vì xét về các nước Đế Quốc thì:
. Nước Anh hải quân vĩ đại, mà Trung Hoa thì sức hải quân mỏng lắm, chưa thể nói đến Anh được.
. Nhật Bản đồng minh với Anh, nước mới mạnh lên, huống lại là nước đồng chủng đồng văn, chỉ nên kết làm bạn.
. Nước Đức thì Đức Hoàng thứ hai có chí hùng bá toàn Âu, và lại nước thù với Pháp, nay muốn đánh Pháp, người Đức tất nhiên đồng tình, nên hiện thời chỉ nên kết Đức làm một cánh.
. Nước Nga là đồng minh với Pháp; đánh Pháp, Nga tất sẽ giúp Pháp. Nhưng Đức cũng có thể chế ngự được Nga, vả lại nước Nga hiện giờ đương sợ đảng cách mạng bên trong. Huống gì còn có Nhật Bản rình ngó một bên. Chắc Nga cũng chưa dám động đến Trung Hoa. Vì thế tình thế của Nga không đáng lo ngại.
Đến như tính về phương diện kinh tế, quân sự thì một mai viện Việt mà có ngòi lửa chiến tranh bùng ra, chắc là Trung Hoa chiếm phần hơn vì có bốn lẽ:
. Đất Việt Nam liền Vân Nam, Quảng Đông, đường lương hướng tiếp tế dễ như ở trong nhà mình, và quân Trung Hoa vào đất Việt rồi thì có thể ăn lương của giặc, đó là một điều hơn.
. Đất Việt Nam gần nhiệt đới mà người nước Pháp là người xứ lạnh. Sức chịu nóng đánh không được dai, tất nhiên thua quân Trung Hoa, đó là hai.
. Đất Hoa với Việt liên tiếp nhau, mà nước Pháp thì cách xa họ muôn dặm bể, kể về quân tiếp tế, tất nhiên Hoa chóng mà Pháp chầy, đó là ba.
. Quân Pháp đóng ở Việt Nam chỉ có số ít, có việc hoãn cấp, ỷ vào binh bản xứ, bỗng chốc có quân Trung Hoa vào thì lính Việt Nam tất quay súng hết, đó là bốn.
…
Ở trước lúc Hoa-Pháp chưa tuyên chiến, nên có một đội quân dự bị sẵn. Đội dự bị đó là đảng cách mạng Việt Nam. Trung Hoa nên dìu dắt họ, khiến cho họ đủ lực mà hành động. Sau này họ cũng chính là tiền đội của công cuộc chấn Hoa bài Pháp vậy.
Nói tóm lại Quốc uy Trung Hoa đã chấn chỉnh thì Đông Á nhân đó mạnh lên, mà việc đầu tiên không gì bằng viện Việt bài Pháp.
Chương trình và tuyên ngôn thư đã ấn hành xong, phát hành khắp xứ Quảng Đông. Nhân sĩ Trung Quốc nhiều người tán thành. Tôi mới thuê một nhà lầu ở Quảng Đông, rộng hơn 10 gian, 2 tầng lầu. Trong ngoài chia làm ba căn lớn, mỗi tháng thuê 36$.
Trong nhà thiết lập một căn Y viện, trước cửa treo tấm bảng đề “Đông bằng y xã”. Tây Y chủ trì là Dương Trấn Hải, Trung Y chủ trì là cụ Mai Lão Bạng. Y xã đặt ở một căn rộng phía ngoài, căn lớn chính giữa là “Chấn Hoa Hưng Á Hội” hội sở, còn căn trong là “Việt Nam Quang Phục Hội” hội đường.
Bộ vị chỉnh tề, quy mô cũng khả quan. Mặt ngoài của đảng cách mạng Việt Nam cũng vì thế mà nhiều người để ý vào. Đó âu cũng là tác dụng của cách hư trương thanh thế vậy.
Hồi đó các nhà làm báo ở Quảng Đông nhiều người quen với tôi, giúp sức viết báo cổ xúy không ít. Trong khoảng hơn một tháng, người Trung ký tên xin vào “Chấn Hoa Hưng Á Hội” non hơn 200 người. Trong đó có cả những người thành danh ở thương trường, cũng có nhiều học giả, tri thức xin gia nhập. Ngày thành lập hội, Đặng Á Cảnh tiên sinh đứng dậy nói rằng:
Công cuộc viện Việt, trăm việc gì tiến hành cũng phải cần có tiền, mà phương pháp tiện nhất chính là phát hành “Quân Dụng Phiếu”. Nay “Việt Nam Quang Phục Hội” đã in ra “Quân Dụng Phiếu”, xin đồng bào cả thảy Hoa Việt vui lòng nhận mua cho.
Đặng tiên sinh nói xong, người tại đại hội tán thành đông lắm. Cuối buổi thu được hơn 1000$ giao hết cho “Việt Nam Quang Phục Hội”. Từ lúc thành lập đến giờ, tôi cuối cùng mới thấy được chút hy vọng. May mắn là tỉnh trưởng Quảng Đông lúc đó là Trần Quýnh Minh đồng tình với đảng cách mạng nên không can thiệp gì đến việc đảng làm.
Những tổn phí về giao thiệp, bôn tẩu coi như cũng vừa đủ chi trả, không đến nỗi bị lòi cái mặt bần cùng ra. Hiện giờ đảng chỉ còn chú tâm vào việc tiến hành bạo động mà thôi.