Kỳ 4 - Xuất dương
Chuẩn bị xuất dương
Nay tôi vâng mạng của đảng sai khiến, xuất dương là lần đầu. Tôi đi đây, vốn lấy tư cách là đại biểu của đảng cách mạng một nước mà đi. Cũng tức là đại biểu cho toàn quốc dân một nước mà đi.
Nếu như tôi là người tài cao trí giỏi, học rộng biết nhiều về mặt ngôn ngữ, văn tự, chính trị, học thuật ngoại quốc cũng thông thuộc nằm lòng, như kẻ nhớ biết mỏi mòn đồ quý trong nhà họ kia thế thì mình mặc dầu có mang cái hổ vong quốc, nhưng được điều không thẹn mình là giống người giỏi giang trên đời. Được vậy, chẳng phải đủ làm vẻ vang cho dân ta nước ta ở xứ ngoài sao!
Tiếc thay! Người thứ nhất được đi ra ngoài cùng thế giới hội diện, lại là người ngu dốt quê mùa như tôi; tài đã không có tài, học cũng không nhằm học. Trừ ra ba câu chữ Hán, chứa đầy bụng cũng như là không. Tấm thân đã là con người mất nước, tính mạng vốn không đủ gì trọng khinh, nhưng tài học cũng không đủ gì phẩm lượng, thật mình làm trụy lạc mất cả giá trị quốc dân mình tới đâu mà nói cho xiết. Như vậy thì trời đất mênh mông có chỗ nào dung được mình? Đêm khuya nhìn bóng hổ thầm, đến nỗi lệ tuôn như máu. Tới nay tôi nhớ lại việc cũ, chỉ xin quốc dân ta lượng xét cho tôi là may!
Nghĩ xem mình đã sinh nhằm non sông còn ấu trĩ, nòi giống còn u mê, chưa được mở mang cho nên vừa ở trong bọc mẹ lọt ra, không ai chỉ vẽ dìu dắt để mở trí cho mình, lại gặp phải cái cảnh giam hãm xiềng khóa đêm ngày, người ta chỉ sợ mắt mình được thấy, tai mình được nghe, như thế bảo sao mình không ngu muội cho được!
Dầu vậy mặc lòng, ban đầu tôi mới phụng mạng của đảng cử đi ra ngoài, thật tôi chưa biết có nông nổi khổ nhục thế này đâu. Con chim bị nhốt trong lồng lâu ngày, ngó thấy trời rộng mây xanh, thèm thuồng hết sức. Thình lình bây giờ có dịp thoát mình ra khỏi lồng được, thì trong óc hớn hở, chỉ biết cái vui được cỡi mây lướt gió, phóng khoáng tự do, chứ đâu có vội nghĩ tới sau khi ra khỏi lồng rồi thì gặp phải tình trạng ra làm sao. Vì đó mà tôi mạnh bạo vâng mạng của đảng ra đi.
Hạ tuần tháng chạp năm Giáp Thìn (1904) tôi tới Kinh, yết kiến Hội Chủ, dặn dò công việc sau khi tôi đi rồi. Lại đi thăm viếng hết thảy những người trọng yếu trong đảng, bàn bạc mọi việc quan hệ. Sắp đặt đâu đó xong cả rồi, liền từ Quảng Nam lên đường khởi hành.
Cùng đi với tôi có hai người, là ông Tăng quân Bạt Hổ và ông Đặng Tử Kính. Tăng quân lúc trước từng làm mặc khách, giúp bàn việc quân cho Lưu Vĩnh Phúc, có dịp đi du lịch khắp hai tỉnh Quảng và Đài Loan nên thông thạo tiếng Quảng Đông.
Tháng 4 năm đó, Tăng quân mới ở hải ngoại về, nay lại cùng tôi lo lắng việc đảng, và đảng lựa chọn cùng xuất dương với tôi, thật là xứng đáng.
Mùng hai tháng riêng năm Ất Tỵ (1905) chúng tôi ra Hải Phòng để xuất dương. Lúc xuống tàu, tôi ứng khẩu bài thơ “Xuất dương lưu biệt” từ giã anh em.
出洋留別
生爲男子要希奇
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
肯許乾坤自轉移
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
於百年中湏有我
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
豈千載下竟無誰
Khởi thiên tải hạ cánh vô thùy.
江山死矣生徒贅
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế.
賢聖寥然頌亦痴
Hiền thánh liêu nhiên tụng riệc si
願逐長風東海去
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ.
千重白浪一齊飛
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Xuất dương lưu biệt
Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời!
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thuở há không ai?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Đông Hải xông pha nương cánh gió,
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.
Từ đây trở đi, chúng tôi để chân vào con đường nguy hiểm rồi.
Chính phủ Pháp không cho người Việt Nam mình có quyền tự do lai vãng. Phàm ai muốn ra xứ ngoài du lịch hay là buôn bán, nếu không được bảo hộ cho phép đi thì tất bị buộc vào tội ngầm thông nước ngoài, mưu chuyện làm loạn. Có điều là ai được bảo hộ cho phép đi, tất phải là người có tư cách đủ tin cậy hay là khéo chiều lòng mới được; tài vốn không có đủ những tư cách ấy, thành ra tôi phải đi trốn.
Tăng quân đi trốn nhiều lần rồi, đường xá rất quen thuộc thông thạo, ông chỉ vẽ cho tôi cái kế thay hình đổi dạng để qua cửa quan ải cho lọt. Từ Hải Phòng ra Moncay, tôi giả làm chú khách đi buôn, cạo đầu kết bím, đáp một chiếc tàu buôn mà đi.
Đặt chân đến Trung Quốc
Lúc tàu đến bến, chúng tôi đợi đêm khuya mới dám mướn một chiếc thuyền đánh cá nho nhỏ, lén qua Trúc Sơn, Trường Sơn là bờ cõi huyện Phong Thành nước Trung Quốc.
Chuyến đi này tuy là nguy hiểm, nhưng mà vui thú lạ thường. Ra khỏi bờ cõi rồi, các món giấy tờ quan hệ và tiền bạc của chúng tôi đều còn nguyên lành. Ôi người ta nghiêm cấm mình chừng nào, kết quả bà con mình càng thêm giỏi cái ngón phá cũi sổ lồng chừng nấy, không riêng gì một mình tôi, theo chân nối gót chúng tôi đi ra hải ngoại, còn thiếu chi người!
Ở lại Trúc Sơn một tuần lễ mới đáp ghe buồm Khâm Châu mà đi Bắc Hải, Quảng Tây. Lúc bấy giờ đã bước qua sơ tuần tháng hai, còn có ngọn gió đông bắc thổi khá, thành ra ghe đi chỉ có 7 ngày tới Hiệp Phố. Chúng tôi đổi sang tàu buôn Hồng Mao mà đến Hồng Kông (Hương Cảng).
Tàu đến bến, chúng tôi lên bờ, ở loanh quanh hết hơn một tuần lễ. Trong óc tôi lúc này thấy sự vui sướng không biết sao mà nói, cảm sự đau khổ, cũng không biết sao mà nói.
Vì tôi mới bỏ nước trốn đi, người Pháp chưa hề nghe biết. Lúc ra khỏi bờ cõi áp chế rồi, mình thấy hoàn cảnh mình đều là không khí tự do, mặc ý mình đi lại thong thả, trái lại, thân mình về trước không khác gì một con ngựa hay bị nhốt trong chuồng, lại bị người ta may kín cả hai mắt lại tối đen, nay bỗng chốc được cắt chỉ mở mắt ra mà chạy nhởn nhơ rong ruổi ở giữa khoảng đồng rộng mênh mông, sung sướng thảnh thơi biết mấy. Nhưng nghĩ mình thì vậy, nhớ tới cái cảnh đồng bào đang bị bó buộc, thì ruột mình muốn dứt ra từng khúc.
Tại Hồng Kông thấy học trò đi học vui vẻ đông đảo, cảnh buôn bán tấp nập đêm ngày; dọc đường không hề thấy ai bị lính bắt đứng lại xét hỏi giấy thân; không có ai đi đêm không đèn mà bị lính thộp ngực dẫn về bốt; không có thứ lính tuần hung bạo ngang tàng, bắt bớ người vô tội ở giữa đường không có cảnh tượng người bản xứ bị người Âu Tây bát nạt mà phải nép mình một bên đường.
Ôi! Hồng Kông cũng là đất dưới quyền ngoại nhân cai trị, nhưng Hồng Kông có vẻ mùa xuân tươi cười, không phải như ở xứ mình.
Lúc này tôi nghe nói quan Hiệp đốc đại thần Nguyễn Thiện Thuật trước kia vì quốc nạn mà chạy sang Quảng Đông, giờ đang ngụ trong nhà thờ họ Lưu ở Sa Hà. Nguyễn công là người ngang hàng với bậc thân phụ tôi, lại là một tay Cần Vương ngày trước, nay tôi sang tới đây, chẳng lẽ không nói cho cụ biết.
Tôi bèn đi Quảng Đông, tìm tới viếng cụ. Thấy tôi, cụ hết sức vui mừng, rồi dắt tôi đến yết kiến Uyên Đình Lưu Vĩnh Phúc. Lưu bây giờ đã già, nhưng cùng tôi nói lại chuyện cũ ở Bắc Kỳ, thỉnh thoảng Lưu còn vỗ bàn hàn hét lớn, khiến cho tôi tưởng thấy cái hùng phong như hồi đánh nhau với quân Tây ở Cầu Giấy gần Hà Nội vậy.
Lúc tôi đến tỉnh thành Quảng Đông, chính là lúc Sầm Xuân Huyền đang làm tổng đốc lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
Tôi gửi cho Sầm một bức thư, nói rõ tình hình tỉnh Quảng và nước Nam ở giáp ranh nhau như thể là môi với răng; hễ môi hở thì răng phải lạnh. Lại nhắc đến tình nghĩa hai nước lâu đời, kẻ chúa người phiên thân thiết với nhau; nay tôi cầu xin họ Sầm giúp cho nước Nam bất cứ về mặt nào cũng được.
Nhưng tôi gửi thư mấy ngày, chẳng thấy họ Sầm trả lời gì hết. Chắc lão sợ người Âu Tây như cọp, ấy là thói quen của đám quan lại nhà Thanh mình không lạ gì.
Trở về Hồng Kông, đợi tàu qua Nhật. Song vì hồi này cuộc hòa giữa Nga với Nhật bàn định chưa xong, thành ra ở Hồng Kông không có tàu đi Nhật, tôi phải đáp tàu Chiêu Thương đi lên Thượng Hải.
Lúc ấy đã sau ngày rằm tháng ba. Tới Thượng Hải, mới thấy cuộc lữ hành của mình có lắm nông nổi khó khăn đẻ ra lần hồi. Việc khó khăn thứ nhất, là ngôn ngữ. Cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, tôi chưa từng học tập bao giờ. Cũng may cho mình giao tiếp đều là người Trung. Nếu biết chữ Hán thì có thể dùng ngọn bút thay thế cho tấc lưỡi. Nhưng cũng bất tiện đáo để.
Than ôi! Sinh ra giữa thời đại là thế kỷ 19, 20 này, ai không có học thuật giỏi giang thì không thế nào cùng thế giới tranh cạnh sống còn cho được. Ngôn ngữ văn tự chính là kẻ dẫn đường đi tới học thuật. Người ngu dốt quê mùa như tôi, mà khỏi bị đào thải, là may mắn biết bao.
Tuy vậy, lúc đó tôi đã 40 tuổi, bị công việc của đảng ràng buộc nơi mình, mình phải vì đảng mà ra sức lo chạy, đến nỗi cơm không biết ngon, chiếu không biết ấm. Bấy giờ dầu cho mình có muốn ôm sách đi học như hồi thi cử trước kia, cũng không có ngày giờ nào mà đi học được nữa.
Than ôi! Sa đà ngày tháng, chớp mắt ra không, mài miệt công danh, hối mình đã lỡ. Tôi khuyên tất cả thanh niên nước nhà, muôn vàn xin chớ bước lầm vào con đường của tôi.