10 phút để đọc

Đến Yokohama gặp Lương Khải Siêu

alt

Lương Khải Siêu

Thượng tuần tháng tư, tôi đáp tàu Nhật ở bến Thượng Hải, trung tuần thì đến Yokohama (Hoành Tân), tôi tạm ở lại đây hơn một tuần lễ.

Lúc đầu tôi xuất dương không biết một tiếng Nhật nào, lại cũng không ai giới thiệu, thành ra lúc đi đường cần dùng chuyện chi, đều cậy chú lính gác đường; chú chỉ vẽ cho mình một cách rất tử tế. Thấy vậy lòng tôi rất cảm phục chính sách cảnh sát của Nhật Bản sắp đặt hẳn hoi, trọn vẹn; ngó lại chế độ cảnh sát ở xứ mình mà buồn.

Lúc đó nhà văn học Trung Hoa là Lương công Khải Siêu đang ở Yokohama làm chủ “Tân Dân tùng báo” . Nghe nói Lương công ở Nhật lâu ngày, rõ công việc nước Nhật, tôi bèn quyết định trước hết tới ra mắt họ Lương để cầu ông giới thiệu với người Nhật.

Tuy là tôi với Lương công chưa hề gặp mặt quen nhau lần nào, nhưng tôi nghĩ ông là người cấp tiến, chắc có con mắt và tư tưởng không như bọn tầm thường. Tôi liền viết một bức thư xin ra mắt. Trong thư có câu như vầy:

Lạc địa nhất thinh khóc, tức dĩ tương tri, đọc thơ thập niên nhởn, toại thành thông gia.

Dịch là:
Ra đời khóc một tiếng, đã là tương tri, sách vở đọc mười năm, trở nên thông gia.

Tôi lấy mấy câu đó làm gốc để cầu ra mắt Lương Khải Siêu.

Tiếp được thư, Lương công mời tôi vào lập tức. Lúc đầu thì dùng tiếng Quảng Đông để đối thoại, phần nhiều thì Tăng quân thông ngôn, còn những lời tâm sự thì dùng bút để thoại. Qua ngày sau, Lương công có hẹn thêm hai người Dân đảng của Trung Quốc, cũng lưu học ở Nhật Bản, tới hội đàm với chúng tôi.

Nhân đó tôi nói cho Lương công nghe việc chúng tôi mưu tính cậy nhờ người Nhật giúp cho khí giới để khởi binh đánh đổ Chính phủ Pháp, ông liền giải bày cho tôi:

Nhiệt tâm của các ông như thế, sức tôi có được tới đâu tôi giúp liền tới đó, không hề chạy chối. Nhưng nghĩ lại sự giúp sức cho đảng cách mạng đánh đổ Chính phủ, thuở nay các nước không có lệ đó bao giờ.

Nếu có chăng nữa, chỉ là lúc nào hai nước có chuyện xích mích tới đánh nhau mà thôi. Nay hai nước Pháp-Nhật chưa tới cơ hội xích mích đánh nhau, có khi nào Chính phủ Nhật chịu giúp khí giới cho các ông.

Sau đó ông đề ra một số ý sau:

  1. Quý quốc không lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập.
  2. Kế hoạch quang phục yếu kiện cần có 3 điều sau:
    a. Có thực lực trong nước;
    b. Nhờ sức viện trợ của lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây);
    c. Nhờ Nhật Bản viện trợ bằng thanh thế, ngoại giao;

    Nhưng nếu ở trong nước quý quốc không có thực lực thì hai điều sau đó cũng là vô dụng mà thôi.

Lương công viết tới đó lại có phụ chú rằng:

Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài. Lưỡng Quảng chỉ giúp cho quân hướng và khí giới; Nhật Bản chỉ giúp ở trên trường ngoại giao. Hễ khi mình có độc lập, tất phải yêu cầu liệt cường thừa nhận, mà Nhật Bản là cường quốc ở Á Châu, có thể thừa nhận được.

Lúc tôi tỏ ý đến việc cầu viện với Nhật Bản, ông nói:

Mưu sự ấy sợ không tốt: quân Nhật Bản đã một lần vào nước, quyết không lý gì đuổi nó ra được. Thế là muốn phục quốc, mà thực là làm cho chóng mất.

Quý quốc chớ lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ lo không có nhân tài hay chụp được cơ hội. Hễ đến ngày Đức-Pháp tuyên chiến với nhau, tức là một cơ hội rất tốt cho quý quốc độc lập đấy.

Sau đó vài ngày, lại tới nhà Lương công, xin ông giới thiệu tôi đến các chính khách ở Nhật Bản, vì muốn cho đạt được mục đích cầu viện. Ông nói:

Trong mấy dân đảng ở nước Nhật hiện thời, chỉ có đảng Tấn bộ nhiều thế lực mà Bá Tước Okuma Shigenobu (大隈重信 - Bá tước Đại Ôi) và Inukai Tsuyoshi (犬養毅 - Khuyển Dưỡng Nghị) chính là hai người đầu đảng.

Bá Tước Okuma Shigenobu từng hai phen làm Thủ Tướng, trước là công thần Duy Tân, mà hiện nay là đầu đảng Tấn bộ nước Nhật, rất có thế lực ở Thượng Nghị Viện. Còn Inukai Tsuyoshi trước là Văn Bộ Đại Thần, mà hiện nay làm Tổng lý cho Tấn Bộ đảng, là tướng mạnh của Bá Tước. Trong Dân đảng nước Nhật Bản, hai người này rất có thế lực.

Gặp Inukai Tsuyoshi, Bá tước Okuma Shigenobu

Inukai Tsuyoshi (trái) và Bá tước Okuma Shigenobu (phải)

Liền những ngày sau đó, Lương công đưa tôi tới Tokyo. Trước vào cáo Inukai Tsuyoshi, sau yết kiến Bá tước Okuma Shigenobu. Lúc đầu gặp mặt, khách chủ rất vui vẻ. Sau mấy câu ứng đối, liền nói đến việc cầu viện. Inukai hỏi:

Việc các ông đi cầu viện đây, có ý chỉ kẻ tôn trưởng trong nước không? Như nước quân chủ tất phải có một người trong Hoàng tộc. Các ông đã tính nước đó chưa?

Tôi nói có, rồi đem tờ thông hành của Kỳ Ngoại Hầu xin ở Khâm sứ, và bức ảnh ông ở Đông Cung lấy trong túi cho mọi người xem. Inukai nói:

Nên đưa người này ra khỏi nước, nếu không thế, e sẽ bị bắt vào tay người Pháp.

Tôi liền đồng ý. Lúc bấy giờ ba người: Bá tước Okuma, Inukai, Lương công bàn bạc với nhau. Ước chừng vài ba phút đồng hồ, nói với tôi:

Lấy Dân đảng Nhật Bản giúp cho các ngài thì được; nếu giúp binh lực thì nay chưa phải là phút thích hợp. Hiện tình thế chiến tranh đời bây giờ, chẳng phải là vấn đề riêng Pháp với Nhật, mà là vấn đề Âu-Á đua hơn nhau.

Nhật muốn giúp cho quý quốc, tất phải tuyên chiến với Pháp, chiến cơ đồng thời kéo cả toàn cầu. Lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh quyền với cả Châu Âu thiệt chưa đủ sức. Các ngài có thể ẩn nhẫn mà chờ cơ hội không?

Tôi đáp ngay:

Nếu chúng tôi ẩn nhẫn được, cũng chẳng khổ gì đi sang khóc ở sân quý quốc!

Bá tước Okuma Shigenobu nói:

Các ngài tới đây, chúng tôi mới lần đầu biết người Việt Nam. Ấn Độ, Ba Lan, Ai Cập, Philippines cũng đều là mất nước, nhưng không có ai che bịt đến như thế.

Các ngài bây giờ, nếu cổ động được nhân sĩ trong nước, phần nhiều bỏ nước ra ngoài. Khiến cho lỗ tai, con mắt được mở rộng ra. Vô luận đến nước nào, làm công việc gì, đều có thể thay được không khí hô hấp, tinh thần không mắc lấy cái khổ chết nghẹt. Đó là việc khẩn cấp nhất ở trong đường cứu vong quốc vậy.

Inukai lại hỏi tôi:

Các ngài đã từng tổ chức một đảng cách mạng chưa?

Nghe câu ấy, tôi nghĩ bụng thẹn muốn chết. Tự nghĩ trong nước thực chưa có đảng cách mạng nào ra trò, nhưng cũng miễn cưỡng trả lời:

Tổ chức thì vẫn có, nhưng ở dưới cường quyền áp chế, không lấy gì phát triển được, nên đảng tuy có mà vẫn như không.

Bá tước Okuma Shigenobu lại nói:

Nếu các ông đem được đảng nhân sang đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết. Hay là các ông bây giờ ưng ở Nhật Bản đi? Chúng tôi sẽ vì các ông sắp đặt chỗ ở, ưu đãi theo cách ngoại giao. Sinh kế cũng không phải lo gì. Vì chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc là tính đặc biệt của người Nhật Bản.

Tôi trả lời:

Chúng tôi lặn lội sóng gió muôn dặm để lại đây. Gốc muốn được một kế hoạch thoát chết cầu sống cho dân tộc tôi và nước tôi. Nếu chỉ thân chúng tôi được khoái hoạt mà nước tôi vẫn còn ở trong tay thù giặc. Thì các ông còn kính trọng loại người ấy làm gì?

Ở trong khoảng ngồi đó, có ông Bá nguyên Văn Thái Lang là một Nghị viên Hạ viện. Ông xem hết những tờ giấy bút đàm của tôi với ba người, bảo tôi rằng:

Tôi ngày nay thấy các ông, tưởng tượng như đọc truyện cổ hào kiệt ngày xưa. Bởi vì người Việt Nam đến đất nước Phù Tang này mà có tiếp xúc với sĩ phu nước tôi, thực ông là người đầu tiên.

Tôi nghĩ đến đó, lòng tôi lại đau đớn không biết chừng nào! Nghĩ vì cớ sao nước ta xưa nay, không ai lo xa. Mà cái mưu của người Pháp u bế, sao lại vô cùng cực xảo đến như thế?

Tiệc hội ấy từ chính trưa đến chặp tối mới xong. Ngày ấy chính là ngày đầu tiên tôi tiếp xúc với người Nhật Bản. Sau tôi về lại Yokohama, cách vài ngày Lương công lại mời tôi đến nhà, tính bàn những điểm còn sót trong kế hoạch. Bút đàm rất kỹ, đại lược như sau:

Nước Trung Quốc với quý quốc, cứ theo quan hệ ở trong lịch sử, hơn hai ngàn năm mật thiết có lẽ hơn anh em; anh đứng dòm em chết mà không cứu, há có lẽ đâu? Tức cho bọn đương Triều, chỉ biết ăn thịt mà thôi, tôi lấy làm đau đớn. Tôi đã trù nghĩ hiện thời chỉ có hai kế hoạch, có thể cống hiến cho ông.

  1. Hết sức dùng văn tự đau đớn, thống thiết và hăng hái, mô tả cho hết tình trạng bệnh thống của quý quốc, với âm mưu hiểm độc diệt chủng, diệt quốc của người Pháp, tuyên bố cho thế giới biết. Họa may kêu gọi được dư luận của thế giới tác động tới kế sách ngoại giao của các ông, đó là một kế hoạch.
  2. Ông có thể trở về nước, hay là đưa văn thư gửi về nước. Cổ động những hạng người thanh niên xuất dương cầu học, mượn đó làm cái nền tảng chấn hưng dân khí, khai dân trí, lại là một kế hoạch.

    Trừ hai kế hoạch ấy thì chỉ nằm gai nếm mật, chứa giận chờ thời. Một mai nước tôi mạnh lên, tất phải hướng ngoại mà tuyên chiến.

    Mà tiếng súng nổ lần thứ nhất, tất nhiên là đối với Pháp ở Việt Nam. Bởi vì quý quốc liền kề với đất nước tôi, mà hai ngọn đường sắt Việt Nam - Quảng Tây, Việt Nam - Vân Nam, thiệt là cái họa trong lòng bụng chúng tôi. Những hạng chí sĩ nhân dân nước tôi không phút nào quên việc ấy. Các ông hãy chờ xem sao.

Tôi nghe được bấy nhiêu lời, óc và mắt tôi bây giờ mới tỉnh táo được nhiều. Bút đàm xong tôi từ biệt về nhà trọ, rồi thao thức suy nghĩ cả đêm, không sao nhắm mắt ngủ được. Dòm quanh thế giới như rồng bay hổ thét, như điện chớp mây tuôn, nhân tài có ngàn thu muôn thuở, không có vẻ nào mà không mới lạ. Ngay đến một xó Đông Dương này, nước nhà mình so sánh đã đủ thua kém, người ta muôn phần, mình chẳng có một, còn nói Âu Mỹ làm gì?

Sau đó tôi viết ra cuốn “越南亡國史 - Việt Nam Vong Quốc Sử” . Viết xong đem tới cho Lương công xem và nhờ ông xuất bản, ông đồng ý ngay. Từ ngày đầu xuất dương tới giờ, đây là cuốn sách đầu tiên tôi viết. Chỉ một tuần lễ sách in xong, tôi tới nhà Lương công xin từ biệt về nước.

Ngày cập nhật: