Kỳ 9 - Bị người Pháp đàn áp
Người Pháp đàn áp qua đường ngoại giao
Không bao lâu, có những việc ám sát quan binh Tây và dân rủ nhau xin thuế, thình lình nổi lên ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Người Tây bèn đem toàn lực, bắt cọp trói beo, ra đối chọi với đảng chúng tôi.
Than ôi! người Pháp có kim tiền và võ lực mạnh hơn người mình ngàn lần muôn lần; họ lại khôn ngoan giảo hoạt hơn quốc dân ta vạn bội, vậy thì đảng chúng tôi không phải thất bại sao được?
Khoảng năm Thân, năm Dậu (1908-1909) Chính phủ Pháp bỏ ra nhiều tiền nuôi bọn chồn tinh cáo già cho đi dò la, bắt xét nghĩa đảng. Số mật thám trong nước, so sánh lại đông gấp hai số học sinh du học ở ngoài.
Phàm là đường lối mưu mô bí mật của đảng chúng tôi đem tiền và thông tin ra ngoài thế nào, Chính phủ Pháp nhờ có bọn do thám mà biết tận kẽ tóc chân răng, tìm cách phá hoại tan nát.
Phụ huynh thân tộc các đảng viên phải khóc than giam cầm trong ngục tối, còn bọn ác thám hung tra thì gầm thét nghinh ngang khắp trong xứ. Người trong đảng ta lúc bấy giờ có muốn bỏ nước trốn ra ngoài, chỉ như cá nằm trên thớt mà thôi.
Vì chính sách người Pháp cốt làm tuyệt đường vận lương của ta, chận nghẹt lối cứu viện của ta, ấy là thủ đoạn tàn khốc của họ. Một ngày kia, cảnh sát Nhật mang mệnh lệnh đến nhà trường, tra xét danh tính của học sinh rồi nói rằng:
Theo như lời yêu cầu của công sứ Pháp, buộc học trò mỗi người phải viết thư gửi về nhà, do cảnh sát Nhật giữ.
Nếu không chịu viết thì dẫn độ cho công sứ Pháp.
Vài tuần sau, học sinh Nam Kỳ hết thảy đều được nhận giấy của cha mẹ kể rõ tình hình đau đớn ở nhà, bắt con em mình phải về gấp. Lúc đầu thanh niên Nam Kỳ xuất dương du học, chỉ vì phong trào lùa đẩy, hùa vui mà không có tôn chỉ nhất định; đến bây giờ tan tác rã rời, người nào người nấy nóng lòng, xin cấp phí cho trở về nhà.
Lúc đầu tôi còn tìm cách cứu vãn, cố không cấp phí vì sợ học sinh tan thì nội tình lại biến. Nhưng được vài tháng, thì mệnh lệnh giải tán toàn bộ nhà trường được gửi tới.
Tôi bàng hoàng kinh ngạc, gấp chạy đến Fukushima và Inukai cầu viện nhưng họ lại nói rằng:
Việc này là do mệnh lệnh của Ngoại Vụ. Nội Vụ chúng tôi không có thể cải biện được.
Nhưng chẳng qua là chính sách tạm thời thôi. Các trò nếu tan ra ở các địa phương Nhật Bản, làm người khổ công cầu học, ước trong khoảng một năm, chúng tôi có lẽ nghĩ được cách khác mà làm cho các anh khôi phục được nguyên trạng.
Ôi! Công việc cứu quốc, không có gì cần kíp hơn là vun đắp nhân tài. Mà vun đắp nhân tài, thì chỉ có cách tổ chức ra đoàn học sinh là hay hơn cả. Nhưng chúng tôi gặp phải cảnh ngộ này, không có tài sức nào tổ chức được học đoàn nữa. Duy có cách để cho anh em học sinh bền lòng gắng chí, tự lo lấy cách tìm đường cầu học mà thôi.
Học sinh Nam Kỳ hầu hết là xin về, chỉ còn năm người xin lưu lại. Còn học sinh Trung và Bắc kỳ thì hầu hết lưu lại hết. Có người chạy qua Bắc Kinh, như bọn Chung Hạo Sanh, Hồ Học Lãm. Có người tới Quảng Tây như Nguyễn Tiêu Đẩu (Bá Trác), Nguyễn Siêu, Huỳnh Trọng Mậu. Có người chạy sang Thái Lan (Xiêm La), như bọn Hồ Vĩnh Long, Đặng Quốc Kiều. Cũng có người vẫn lưu ở Nhật, giả mạo làm người Hán để cầu học, như đám Trần Trọng Khắc, Hoàng Đình Tuân.
Chân trời lênh đênh, ai lo thân nấy. Kể về tinh thần, anh em ta vẫn là một bọn ái quốc thanh niên, nhưng về hình thức thì bây giờ họ là một lũ học sinh bơ vơ trôi nổi. Không chỉ vậy, bao nhiêu sách vở, truyền đơn tôi in ra để cổ động Quốc dân, nay đều bị Chính phủ Nhật tịch biên hết.
Tôi với Hội Chủ Kỳ Ngoại Hầu cũng bị Chính phủ Nhật buộc phải xuất cảnh. Cảnh thất bại của tôi lúc này thật là đau đớn, như con người bị lột da xé thịt không còn chỗ nào lành lặn nữa vậy.
Ông Sakitaro Asaba (Thiền Vũ)
Hàng thứ nhất: Ông trưởng thôn tên là Okamoto, cụ Phan Bội Châu và hai người Nhật trong thôn.
Ba người hàng thứ hai là các nhà sư làm lễ cho buổi dựng bia.
Mùa đông tháng 10 năm Mậu Thân (1908), việc giải tán học sinh xong rồi, “Công Hiến Hội” cũng không còn, tôi biết Nhật Bản không thể nương cậy được nữa, chuyển khuynh hướng về Trung Hoa cách mạng và hy vọng với những dân tộc đồng bệnh với ta.
Nên đã nhờ đến ông Tôn Trung Sơn, ông Tôn giới thiệu cho tôi một người là Cùng Kỳ Thao Thiên. Người ấy là một tay lãng nhân ở Nhật Bản, ôm tư tưởng cách mạng toàn thế giới. Khi mới gặp ông nói:
Thế lực một mình Việt Nam, tất không đánh đổ được Pháp, thế thì cầu giúp nước láng giềng cũng là lẽ phải. Nhưng Nhật bản làm gì giúp cho các ông được? Nhật Bản chính trị gia, tất thảy đều là giàu dã tâm, mà đói về phần nghĩa hiệp.
Ông nên khuyên các thanh niên học lấy tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, giao kết với người thế giới cho nhiều. Tuyên bố tội ác nước Pháp, khiến cho người thế giới được nghe thấy.
Trọng nhân đạo, ghét cường quyền, thế giới chắc không thiếu hạng người ấy. Mà chỉ duy hạng người ấy mới giúp được các ông.
Tôi lúc đầu chưa lấy lời nói ấy làm tin; tới nay mới cho là nghiệm, mà tư tưởng liên kết thế giới cũng vì đó mà nảy ra. Nhưng có một vấn đề nhức nhối là bởi vì trong túi đã không còn tiền để đi Châu Âu; mà tiếng Tây chữ Tây lại cũng không hiểu. Chỉ là người mù điếc ở trong thế giới, muốn đi Âu Mỹ làm sao đi được?
Nên việc kết giao Âu Mỹ chỉ nghe nói mà nhịn thèm. Phải trụt xuống một bước là trước hết liên kết các chí sĩ ở Châu Á, và những vong quốc ở nơi này, làm thế nào đoàn kết thành một đảng, sẽ có lúc đồng thời cách mạng cả.
Tính thì tính như thế nhưng mà tình cảnh hiện tại Nhật thật tréo nghoe. Vì tôi lúc bấy giờ, một khoản tiền nhỏ cũng không có. Bao nhiêu tiền vận động quyên góp được đều cung cấp cho học sinh làm phí về nước hết. Tình cờ mà gặp được một người nghĩa hiệp là Sakitaro Asaba (Thiền Vũ Thái Lang) tiên sinh.
Sakitaro tiên sinh, trước vì lúc đi đường gặp một người nước ta ăn xin dọc đường là Nguyễn Thái Bạt. Tiên sinh hỏi đầu đuôi rồi đem về nhà nuôi dạy và cho học, xem như con nhà mình. Đây đã là một tấm lòng hào hiệp hiếm có rồi.
Đến ngày hôm sau, “Hội Việt Nam Cống Hiến” thành lập ở Tokyo, Nguyễn Thái Bạt được tin, xin với tiên sinh cho lên Tokyo tìm chúng tôi, tiên sinh đồng ý, lại còn cấp cho tiền học phí vào “Đồng Văn Thư Viện”.
Tôi lúc bấy giờ nghĩ cảnh quẫn tình bức, tráng sĩ đồ cùng, chỉ còn một chước ăn mày nữa là sách tối hậu. Nhưng ăn mày bằng một cách cao đẳng, há dễ dàng đâu! Tất biết sẵn là người nghĩa hiệp mới dám gõ cửa mà cầu cứu giúp. Tôi sực nhớ đến tiên sinh, mới đem ý ấy bàn với Nguyễn Thái Bạt. Nguyễn lấy làm phải, tôi mới viết một bài văn khất ai, cậy Nguyễn quân cầm tới nhà tiên sinh.
Than ôi! Ơn người chưa giả mà còn cầu nữa! Huồng gì ăn mày to mà lại làm cách ăn mày lịch sự với một người thuở nay chưa biết mặt, mộng tưởng chẳng quá điên hay sao?
Ai ngờ giấy tôi gửi lại buổi sớm, mà ngân phiếu tiên sinh gửi lại buổi chiều và để lại vắn tắt mấy câu:
Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ có sẵn bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm thêm được tiền, nếu như các ngài còn cần dùng thì đánh giấy lại lấy.
Chỉ có bây nhiêu lời, ngoài ra không có chữ gì có giọng khách khí. Trong lúc cùng khốn mà được việc may mắn như thế, mừng biết chừng nào! Tôi bây giờ trích trong số tiền ấy, chia ra làm ba khoản:
- Phí ngoại giao nhiều hơn.
- Phí in sách.
- Lữ phí.
Trong túi đã có đồng xu, liền bôn tẩu khắp mọi nơi. Kết nối với đảng cách mạng Trung Hoa và đảng bình dân Nhật Bản. Cùng với Chương Bính Lân (chủ nhiệm “Dân Báo”, nhà đại cách mạng Trung Quốc) tiên sinh, và một vài chục chí sĩ khác cùng đồng ý thành lập “Đông Á Đồng Minh Hội” vào tháng mười năm Mậu Thân (1908). Người nước ta ngoài tôi còn có ông Đặng Tử Mẫn, Nguyễn Quỳnh Lâm và một số người khác làm hội viên.
“Đông Á Đồng Minh Hội” vừa thành lập, nhưng vì có nhiều thành phần chống phá chính quyền đương nhiệm, nên Chính phủ Nhật bị Chính phủ các nước này đâm chọc hai bên, cặp nhau trách móc. Chính phủ Nhật bắt buộc phải thủ tiêu. Hội ấy thành lập vừa được ba tháng thì tôi với Chương Bính Lân bị người Nhật đuổi xuất cảnh, hội vì thế cũng phải tan ngay.
Từ đó mới thấy ở trong thế giới cường quyền, thiệt không có một một hội chính nghĩa, công lý nào ló mặt ra với bọn Đế Quốc được!
Trước khi rời khỏi Nhật Bản, tôi muốn tạ ơn ông Sakitaro Asaba, đi đến Quốc Phủ Tân yết kiến tiên sinh. Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh. Tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi kéo vào cùng nói chuyện.
Tiên sinh nguyên con một vị Lục quân Đại tướng. Học y học, đỗ bác sĩ, mở y viện riêng, chuyên chữa bệnh cho con nhà đói khổ, một đời người không tham gia vào chính giới. Khi tiên sinh nói chuyện với tôi, rất khinh bỉ chính khách Nhật Bản, như Bá Tước Okuma, Inukai, tiên sinh cũng không xem ra gì, nói với tôi rằng:
Bọn nó đối với các ngài chỉ là ngón ngoại giao của bọn âm mưu, dã tâm mà thôi.
Tôi từ biệt tiên sinh trở về Trung Quốc, 10 năm sau tôi qua lại Nhật Bản thì tiên sinh đã tạ thế. Ôi ân nhân giúp mình lúc hoạn nạn, lại là người tri kỉ hiếm gặp nay đã không còn, mà mình chưa kịp đền giả được gì. Thật lấy làm cảm thương! Bèn lập một tấm bia ở trước mộ của tiên sinh, trên có khắc bài văn:
Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản. Tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người nghĩa hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ!
Bèn ghi mối cảm tạ nơi bia đá:
Hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài,
Công thì như trời, ơn thì như biển.
Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi.
Thẳm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời.
Việt Nam Quang Phục đồng nhân ghi.
Chuyện khí giới
Đến nông nỗi này, tôi không thế nào không chạy qua con đường bạo động. Vẫn biết bạo động với tự sát đều là việc làm của những kẻ kiến thức hẹp hòi, không biết lo xa, nhưng nếu sự thế buộc tự sát, thà rằng xoay ra bạo động mà chết còn hơn. Vì cứ bạo động may ra còn trông được có chỗ thành công. Huống gì tôi đã suy đi tính lại, lúc này bỏ sự bạo động ra, không còn có việc gì đáng làm hơn nữa.
Muốn học cách Thân Bao Tư khất binh để cứu Sở, nhưng có chỗ nào là Tần Đình cho mình đứng khóc mà cầu viện binh? Muốn học cách Việt Vương Câu Tiễn nhịn nhục báo thù Ngô, nhưng có nơi nào là Cối Kê cho mình nương thân để sắp đặt? Còn muốn lấy văn tự để cổ động quốc dân gọi là cho xong phận sự đời mình đối với nước non, nhưng khốn thay văn tự cũng không còn lựa chỗ đất nào để gieo rắc tuyên truyền nó được mới thảm.
Chẳng những thế mà thôi, cho đến những anh em đồng chí ở trong nước cũng đều có cái nguy sớm muộn bị tội, bị tù, bị đày, bị chém nữa kia. Than ôi! Con thú đến lúc cùng đường túng thế, nếu không vùng vẫy tìm đường sống, thì tất phải chết.
Tháng 4 mùa hạ năm Kỷ Dậu (1909), đảng ta phải trải muôn cay ngàn đắng mới quyên góp được một số tiền nữa gửi ra, tôi đem trao hết cho một hiệu buôn Nhật để nhờ họ lén mua quân giới cho mình. Vì chúng tôi muốn bạo động, thế nào cũng phải có ít nhiều quân giới.
Quân giới mua xong rồi, do Đặng quân Tử Mẫn bí mật đem qua Hồng Kông. Lúc ấy là hạ tuần tháng 5 giữa lúc tôi cũng đang ở đó. Vừa nghe tin nước nhà đưa sang, nói rằng Hoàng Hoa Thám tướng quân đang giao chiến với Pháp binh gấp lắm, Chúng tôi thiết nghĩ việc cứu viện Hoàng tướng quân là một việc nghĩa phải làm, không thế nào trì hoãn được. Bởi vậy chúng tôi nghĩ cách làm sao vận tải được khí giới về nước cho mau.
Muốn chở quân giới vào đất Trung Kỳ tất phải mượn đường Thái Lan mới được. Vì đó tôi phải tức tốc lên đường đi tới Bangkok, kinh đô nước Thái tìm cách yết kiến nhà đương cuộc Thái cầu họ giúp đỡ cho mình.
Hai quan đại thần Lục quân và Ngoại giao Thái Lan lúc ấy, hơi có ý muốn giúp đảng cách mạnh ta, nhưng họ còn đang bàn tính với nhau chưa được nhất quyết.
Tôi lại nghĩ đảng cách mạnh Trung Hoa, thuở nay rất thạo nghề mật chở quân giới, cho nên tôi lật đật từ giã Thái Lan mà đi Nam Dương (Hà Nam, Trung Quốc), yết kiết Chương Bính Lân. Chính tay Chương quân viết một bức thư, giới thiệu tôi đi tìm kiếm đầu đảng cách mạnh Trung Hoa để mưu với họ giúp sức cho mình.
Sau khi bàn định việc này xong rồi, tôi đã tới một hãng tàu Trung Hoa, thương thuyết với họ về khoản tiền tổn phí chuyên chở. Nếu đừng có việc trở ngăn, thì cái ngày giờ chuyên chở quân giới của chúng tôi đã định xong rồi.
Không ngờ đâu bụng mình tính một đằng, mà rồi việc lại trái đi một ngả. Trung tuần tháng 2 năm Canh Tuất (1910), tôi ở Nam Dương trở về thì nghe tin nói bảo hộ ra tay công phá đảng ta dữ lắm, trong tin có nói:
Người Pháp đem cả lính Tây lẫn lính Nam vây chỗ nhà ông Ngư Hải. Ông đốt hết những văn kiện lưu trữ trong người.
Rút súng lục bắn vào một tên lính Pháp, sau chĩa súng vào một tên lính Nam mà nói rằng “Sức ta còn giết được mày, nhưng ta không nỡ giết người cùng nòi giống.”
Nói xong liền quay súng lại bắn vào cổ mình mà chết.
Trời ơi! Hung tin báo tới, không khác gì con dao đâm một mũi chí mạng vào trong cái kế bạo động của tôi. Thế là bao nhiêu quân giới còn giấu đút ở Hồng Kông không thể chuyển về nướ được!
Lúc này đảng cách mạng Trung Hoa toan đánh thành Quảng Đông, tôi mưu với các đồng chí ở đó chuyển lại tặng cho đảng Trung Hoa. Do người anh của Tôn Trung Sơn là Tôn Thọ Bình phái người đến nhận. Làm thế định là kết cảm tình đảng với cách mạng Trung Hoa sau này.
Chẳng ngờ khi đến thuế quan, vì rương chở quá nặng, quan cảnh sát nghi ngờ mở xét. Cả thảy hơn mười hòm súng đạn đều bị Chính phủ Anh tịch thâu hết; ông Cảnh Lâm lại vì phạm tội cấm đó mà bị hạ ngục.
Đúng là họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai! Vì lẽ đó tôi có câu thơ cảm khái như vầy:
Ưu thế kỷ hồ thương hải khấp,
Kinh nhân nhất chỉ ngọc sơn đồi.
Khả vô mãnh hỏa thiêu sầu khứ,
Thiên hựu cuồng phong tống hận tai.
Nghĩa là:
Lo nước bao phen sa huyết lệ,
Tin quê đưa tới luống kinh tâm.
Đã không ngọn lửa thiêu sầu rụi,
Lại có cơn giông thổi giận thêm.