12 phút để đọc

Sống - Phan Bội Châu

Sống tủi làm chi đứng chật trời,
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười,

Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống,
Sống tủi làm chi đứng chật trời.

Yokohama đầu thế kỷ 20

Quay lại Nhật Bản

Khoảng trung tuần tháng chạp, qua cửa ải Nam Quan, theo đường Quảng Tây mà đến Long Châu. Long Châu khá nhiều người ta ở đó, nhưng hơn một nửa là là làm trong các bếp ăn của Tây. Tây quan xứ này có lãnh sự quán của Pháp, vì thế tôi không dám ở lại lâu, tức khắc mướn thuyền buôn đi Nam Ninh.

Thống lãnh Trần Thế Hoa thay thuyền đặc biệt cho tôi đến Nam Ninh. Đồ đạc trong thuyền hết thảy đều do ông cung ứng. Cảm tình của người Trung Quốc đối với ta, âu đây cũng là một chứng cứ.

Thuyền đến Nam Ninh rồi tới Hồng Kông, trên đường tại Lưỡng Quảng tôi gặp Lưu Ấm Sinh đang gấp gáp muốn qua Nhật gặp Kỳ Ngoại Hầu đưa một bản văn kiện để điều giải ý kiến trong nước.

Nguyên trước kia tôi và các cụ trong đảng với Kỳ Ngoại Hầu, vốn muốn lợi dụng Quân Chủ để thu phục nhân tâm, còn mục đích thật thì cốt ở khôi phục quốc gia mà thôi. Vì danh nghĩa ấy, sở dĩ sau khi tôi xuất dương, người phụ họa khá đông.

Từ sau Phan Châu Trinh ở Nhật Bản về, lại xướng mạnh lên thuyết “Tôn dân đổ vua, dựa Pháp cầu tiến bộ” chuyên công kích Quân Chủ mà không nói đến người Pháp. Dư luận lúc ấy rất phân vân, cơ hồ nổi lên nhiều tranh cãi trong đảng. Lưu Ấm Sinh sở dĩ ra đi, chính vì lẽ ấy.

Tôi gấp bỏ Hồng Kông đến Tokyo, thượng tuần tháng 2, năm Đinh Mùi (1907) thì tới nơi. Anh em thấy tôi ai nấy đều vui mừng, mà trong lòng tôi thiệt là một múi sầu như kim châm, vì lo nỗi đảng phân liệt. Tôi mới tự mình thảo một bức thư gửi ông Lưu để đưa về cho cụ Tây Hồ. Trong thư có câu:

Dân chi bất tồn, chủ ư hà hữu?

Nghĩa là:

Nếu dân đã không còn, thì chủ có ở đâu?

Xem thêm “Thư gửi cụ Tây Hồ”

Là cốt để hòa hoãn ý kiến của cụ Tây Hồ. Tôi sau đó thương lượng với Kỳ Ngoại Hầu rằng:

Các thuyết bài quân, nếu mai này lan rộng thì nhân tâm Trung, Bắc Kỳ tất hiện ra vẻ bàng hoàng, tan vỡ. Nhân tâm không thống nhất thì vận động ở chỗ nào?

Vậy nên in một món văn thư, phái người đưa về Nam Kỳ. Lợi dụng nhân tâm nhớ cũ yêu vua, vận động ủng hộ tiền bạc. Hễ có được tiền bạc rồi, thì việc khác mới bắt tay làm được. Nếu không thế Trung, Bắc Kỳ e sắp đổ bể cả.

Hầu lấy làm phải lắm, bảo tôi làm một bài văn “Ai cáo Nam Kỳ phụ lão”. In xong, tôi lại tiễn ông Lưu về lại Hồng Kông, để đem các kiện văn thư để chuyển về nước.

Cụ Tăng Bạt Hổ tạ thế

Tôi về lại Nhật Bản, thì được tin cụ Tăng tạ thế! Trời đất ơi! Đây là lần đau đớn đầu tiên sau khi tôi xuất dương.

Nguyên lúc đầu cụ Tăng Bạt Hổ về nước vì có hai cớ:

  1. Thấy tình trạng khốn khổ của chúng tôi ở Tokyo.
  2. Lo vấn đề học phí, mà tính một cách giải quyết cho xong.

Ông về mới hơn một năm, vận động thiệt có công hiệu, Khoảng 1906-1907 chúng tôi ở ngoài, kể những lữ phí, học phí và hành động các phí. Hết thảy đều duy trì được là nhờ công đức của các nghĩa nhân chí sĩ ở Trung, Bắc hai Kỳ. Mà người kéo mối dắt giây ở trung gian chính là ông Tăng.

Mùa xuân năm Bính Ngọ (1096), ông từ Bắc Kỳ chạy khắp khoảng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Thái Bình, ngày đêm đi sức hao lòng mỏi. Mùa đông đến Kinh đô Huế, toan vào phía Nam Kỳ vận động… Nào ngờ, do lao lực quá chỉ vừa kịp đến nhà cụ Võ ở Yên Hòa (Huế) bệnh phát nặng. Cụ Võ vì cẩn trọng, thuê một thuyền con đậu dưới bến, khuya sớm phụng dưỡng ông, mới có vài tuần mà ông đã tạ thế trong thuyền.

Than ôi! Khi tôi xuất dương thật có nhờ ông, mà tôi chưa từng một phút nào được phụng sự ông. Chí lớn lưng chừng, tuổi trời ngắn ngủi, thật đau xót biết bao!

Lập “Đông Á Đồng Văn Thư Viện”

alt

Chân dung tướng quân Fukushima Yasumasa (hiệu trưởng Chấn Võ học hiệu)

Lúc này, bài văn khuyến học của tôi được truyền bá rồi. Thiếu niên nước nhà trốn người Pháp mà xuất dương, tấp nập lên đường.

  • Trung Kỳ thời có đám Nguyễn Siêu, Lâm Quảng Trung.
  • Nam Kỳ thời có đám Đặng Bình Thành, Hoàng Hưng.
  • Bắc Kỳ có Đặng Tử Mẫn, Đàm Khanh v.v…

Họ tắm gội nắng mưa, xông pha sương gió, liều mạng đi tìm học vấn, nối gót theo chân nhau trên đường sang Quảng Đông và Hồng Kông.

Bởi vậy chúng tôi bèn đặt ra tại Hồng Kông một cơ quan của đảng ta, để có nơi tiếp rước học sinh và thâu nhập bạc tiền cùng các giấy tờ bí mật. Chúng tôi để ông Đặng Tử Kính trông coi.

Tôi lại lập ra ở Hồng Kông một nhà Hội gọi là “Việt Nam Thương Đoàn Công Hội” để giúp đỡ việc cho đảng. Công Hội này ông Võ Mẫn Kiến làm người chủ trì.

Lúc đó những bà con mình theo người Pháp qua làm ăn tại Hồng Kông, cũng động lòng vì nghĩa lớn, rủ nhau vô hội một cách hăm hở vô cùng. Chẳng phải vậy là dấu tỏ ra nhân tâm nước mình chưa chết hẳn đó sao?

Chỉ tiếc rằng tôi thiếu tài bao bọc, lại kém sức chu toàn, thành ra mầm giống vừa mới mọc lên thì gió mưa đã làm cho xiêu đổ. Việt Nam Công hội chỉ có cái tên, rồi chưa được mấy năm, lại nhân bị can thiệp mà phải giải tán, đáng thương biết bao!

Từ mùa xuân Đinh Mùi (1907) đến mùa đông Mậu Thân (1908), là thời kỳ thanh niên ta sang du học thịnh nhất. Trách nhiệm tôi phải gánh vác trong thời kỳ này cũng khó nhọc bộn bề. Nào là chọn người vào học, nào là lo liệu giao thiệp; nào là vận động bạc tiền; nào là liên lạc tình nghĩa, đều là một tay tôi đứng mũi chịu sào hết thảy.

Tôi nghiễm nhiên như một quan công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức giám đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham.

Hạ tuần tháng 8, đám du học sinh đến Nhật Bản tính ra đã gần 200 người rồi, trong đó Nam Kỳ ước hơn 100 người, Trung Kỳ ước 50 người, Bắc Kỳ ước hơn 40 người. Việc trù liệu nhập học lại phát sinh nhiều vấn đề:

  1. Các trường tư lập, chương trình không thể nào bằng trường học công, và không có khoa luyện tập quân sự. Các trường công lập mà ta ưng thì lại không có giấy văn bằng của Chính phủ cho phép. Tất không được vào, đó là một vấn đề.
  2. Các học sinh chưa học thạo tiếng Nhật mà trong trường lại cũng không có khóa tiếng Nhật. Tiếng Nhật còn chưa hiểu thì làm sao học được các thứ khác? Đó là vấn đề thứ hai.
  3. Hỗ trợ học phí cũng chỉ có một hạn mức nhất định. Hiện kinh tế chưa có nền tảng vững vàng, chỉ trông mong ở trong nước quyên trợ, thực không có gì làm chắc chắn, đó là vấn đề thứ ba.

Các vấn đề này đều không dễ giải quyết. Vì muốn giải quyết hai vấn đề đầu tiên, tất phải cần cứu các chính khách Nhật Bản. Tôi đến gặp Inukai Tsuyoshi và ông Fukushima cùng bàn việc viện trợ cho du học sinh Việt Nam. Lúc bắt đầu, tôi muốn xin tất cả vào học ở Chấn Võ học hiệu. Ông Fukushima nói:

Tôi với các ngài giao kết, chỉ là lấy tư cách cá nhân, tỏ ra tình bạn thân thiết thì được. Nếu lấy tư cách một ông quan Tham mưu bộ Tổng Trưởng của Chính phủ thì không được. Bởi vì Chính phủ một đế quốc, tất không thể có chuyện hiển nhiên liên kết với một đảng cách mạng nước khác. Đó là thông lệ ngoại giao.

Ngày trước thu dụng 4 trò ở Chấn Võ học hiệu là phá cách đã nhiều; nếu bây giờ lại thêm vào nữa, tất không có phép; bởi vì nhà học hiệu ấy của Chính phủ lập, mà lại dạy học quân sự.

Nếu thu dụng các ngài nhiều quá thì Chính phủ Pháp tất có cớ mà kháng nghị với Chính phủ tôi, làm cản trở chính sách ngoại giao Chính phủ đế quốc tôi, cũng là làm hại đến các ngài.

Bây giờ nghĩ cho các ngài một chước: chỉ nên chuyên đưa vào “Đông Á Đồng Văn hội”. Vì “Đông Á Đồng Văn hội” là dân đảng tổ chức nên dân đảng viện trợ cho dân đảng, Chính phủ không cần hỏi tới nơi thì là hay rồi.

Fukushima nói đến đó, thì ngó Inukai Tsuyoshi tiên sinh mà nói:

Người Việt xuất dương ngày càng đông, kết quả tưởng ra thế nào?

Inukai nói:

Xem như hiện tại tình hình khá tốt, nhưng không biết bọn họ có kiên trì nhẫn nại được không.

Ông Fukushima lại nói:

Ta là một quân nhân, theo những việc quan hệ trên chiến lược thì người Việt Nam có hai phần được hơn người Pháp. Nếu có một ngày khai chiến thì phần thắng người Việt nhiều hơn:

Đất Việt Nam gần về nhiệt đới, còn binh sĩ nước Pháp thì là người nước ôn đới. Sang ở dưới trời nắng, đất nực, sức chiến đấu tất nhiên không bằng dân Việt. Đó là phần hơn thiên thời.

Quân lính ở Châu Âu qua tiếp tế, tất phải đi đường biển, mà quân cảng ở Việt Nam có thể chứa được thuyền to chỉ có ở cửa Cần Giờ; nếu dùng một đại đội chiến hạm, lấp quách cửa ấy thì ngăn được viện binh ở Châu Âu qua. Đó là phần hơn về địa lợi.

Chỉ còn không chắc được thế nào là nhân tâm nữa mà thôi. Hễ các ngài kiên trì nhẫn nại được đến nơi thì có ngày quang phục.

Tôi trả lời:

Nước chúng tôi không đến nỗi vô nhân tâm; duy thế lực quá mỏng, nhân tâm chưa có chỗ biểu hiện được.

Ông Fukushima lại tiếp:

Đó chẳng phải lo. Nhân tâm là một giống có thế lực rất to lớn. Muốn xem nhân tâm thì phải chứng thực là chịu nhẫn nại khổ lao được hay không? Phen này Nhật Bản đánh được Nga, nguyên nhân tuy nhiều, nhưng người Nhật Bản nại lao nhẫn khổ là cái nguyên nhân rất to.

Các ngài cũng có đọc báo Nhật Bản chắc biết được? Lúc đánh với Nga, nước Nhật Bản chúng ta đất gầy dân đói, cung ứng rất khổ, chiến phí quá nặng, kéo dài đến tận hai năm.

Giá phỏng quan quân Nhật Bản cũng đua nhau ăn thịt bò, uống sữa như người Nga thì làm sao trụ nổi. Duy người Nhật Bản chỉ đánh no cải củ muối dưa với cơm mì đen, sở dĩ quyết thắng được là nhờ vậy.

Nói đến đó thì vừa lúc người hầu đưa một mâm khoai đót lên, Fukushima mời tôi ăn, mà ông trước đó tự lấy một củ ăn luôn cả vỏ, cười nói:

Chúng ta làm người quân nhân, nếu sợ vỏ khoai không dám ăn thì làm sao ở giữa trận đánh mà ăn được thịt giặc?

Sau ngày đó tôi đến “Đông Á Đồng Văn Hội” để nhờ cậy sắp xếp. Được các ông chính khách Nhật Bản giúp đỡ mà một trường riêng cho học sinh Việt Nam được lập ra có tên là “Đông Á Đồng Văn Thư Viện”. Hiệu trưởng là ông Bá nguyên Văn Thái Lang ở Hạ Nghị Viện. Nội quy học đường, chương trình học đều do người Nhật Bản quy định. Trong đó chương trình được chia làm hai đoạn lớn:

  • Thượng Bán Nhật Công Khóa: dạy Nhật văn, Nhật ngữ, khoa học phổ thông, toán học, vật lý, lịch sử, hóa học, tu thân, luân lý…
  • Hạ Bán Nhật Công Khóa: dạy kiến thức quân sự, luyện tập binh thao.

Lập “Tân Việt Nam Cống Hiến”

alt

Hàng thứ nhất (ngồi) từ trái qua phải: Trần Đông, Hà Đương Nghiêu, Hải Thần, Phan Bá Ngọc, Đặng Tử Mẫn.

Hàng thứ 2 (đứng) từ trái qua phải: Nguyễn Thái Bạt, Trương Hưng, Hải Thạc (tức Nguyễn Quỳnh Chi - con trai thứ hai của Tán Thuật), Hoàng Trọng Mậu, Đặng Tử Võ, Quỳnh Lâm, Trần Hữu Lực.

Một số lưu học sinh phong trào Đông Du

Đồng thời chúng tôi lại dựng lên “Tân Việt Nam Cống Hiến”, bắt chước làm như một Chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài, nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước nhiều lắm.

“Công Hiến Hội” được thành lập, toàn thể thanh niên có chỗ học, có chỗ nuôi, trật tự ngó cũng nghiêm túc. Mỗi tuần lễ tất có vài ngày quan Đan Ba Thiếu Tá đem học sinh ra ngoài cùng tập thể thao bằng các trận đánh, học sinh thì vui vẻ nhưng trong lòng tôi thì có hai việc lo:

  1. Lo làm sao cho toàn thể học sinh được bền chặt.
  2. Lo làm sao cho tài chính hậu viện được tiếp tục.

Về phần học sinh, vì Tam Kỳ nhân sĩ xưa nay không tiếp xúc nhau, mà khí chất lại khác nhau:

  • Người Nam Kỳ có ý hành động mà nóng gấp, muốn chóng. Lại khuynh hướng về phần vật chất quá sâu.
  • Người Trung Kỳ có ý trung dũng, ưa mạo hiểm, mà thái độ thường hay thô sơ, khó dung hợp được tình cảm.
  • Đến người Bắc Kỳ thì văn sức quá nhiều mà hành động có ít.

Tuy xứ nào cũng có phần tử ưu tú, nhưng mà tập hợp chung lại thì rất khó. Tôi ở trong một năm hơn, thiệt nhiều chỗ đau đầu không thể nói ra, mà cũng tự thẹn cho mình tài đức quá kém, không đủ cảm hóa, dung hợp.

Ngày cập nhật: