8 phút để đọc

Giang hồ mãn địa nhất ngư ông - Phan Bội Châu

Núi đó ai đây bể đó ai?
Giang hồ đầy đất một cha chài.
Mênh mông nước bạc trời mù tít,
Đủng đỉnh thuyền câu lão sống dai.

Trước mắt đã làm cơ tạo hoá
Trong tay chi sót ngón cò trai?
Từng phen ghềnh thác, từng giông tố,
Nhắm cuộc năm châu tủm tỉm cười.

Bán sách

Từ tháng 3 năm Canh Tuất (1910) trở đi, tôi bước vào cái thời kỳ hết sức thê lương.

Tin tức nước nhà, có khi cả mấy tháng trời, tôi không tiếp được mảy may nào. Vì bảo hộ thẳng tay làm chính sách khám xét thư từ và tịch thâu tiền bạc trong nước gửi ra ngoài cho chúng tôi.

Thỉnh thoảng có người làm dưới tàu Tây qua đây nói một vài tin miệng cho mình nghe, đều là những tin tức kinh tâm động phách. Nếu không phải là tin Đàm Kỳ Sanh bị đày, thì cũng là tin Lê Võ bị bắt. Những tin nói đảng nhân này, đảng nhân kia bị bêu đầu bằm xác, thường thường theo tiếng còi tàu mà đưa đến tai tôi. Thật đau lòng hết sức!

Tôi lúc này dời về Quảng Châu. Đem những thứ sách còn lại, dấu tên bịt họ, đi bán sách rao. Lúc bấy giờ các học sinh, thương khách Trung Quốc, phần nhiều có tư tưởng cách mạng, thấy tôi đem sách bán, thường cũng có nhiều người hỏi mua. Có một điều rất buồn cười là nếu người trẻ đi bán toàn về tay không, duy tôi đi bán thì ngày hoặc 2, 3 đồng, cũng có ngày được đến 5, 6 đồng. Có lẽ vì tôi râu mày bặm trợn, quần áo lang thang, nhiều người thấy lạ lại thương mà chịu mua đắt cho. Thế nên tiền bán sách của tôi cũng được khá.

Thường ngày sớm ra tối về, được ít đồng thì lại được nhóm năm ba đồng chí uống điên say liều. Tiền bán sách được bao nhiêu hầu hết đều đem đi đánh chén ráo. Có ngày kia rượu giữa bàn hết, ông Lương Lập Nham biết trong túi tôi còn tiền bảo mua thêm. Tôi bảo không tiền, Lương thò tay móc trong túi tôi được vài mươi xu, thét to mà rằng:

Phải đâm họng ông mới được! Cớ sao keo một chén rượu không cho chúng tôi say!

Chu Sư Thái

Từ đó về sau suốt 5, 6 tháng tôi chỉ làm ông thầy đồ già bán sách. Sớm tối nương dựa vào một bà nữ sĩ nghĩa hiệp trên 70 tuổi đầu. Bà họ Chu, tên là Bách Linh, là nữ giáo đầu. Tục Quảng Đông gọi nữ giáo đầu là Sư Thái, nên bà được gọi là Chu Sư Thái. Chu ân nhân là người huyện Hương Sơn, Quảng Đông, tinh thông Hán Văn. Bà ở góa từ ngày còn trẻ, mở trường tư dạy học trò gái, sinh nhai bằng nghề ruộng bút.

Con trai bà là Chu Thiết Sinh cũng làm nghề dạy học. Thiết Sinh gặp tôi bán sách ở giữa đường, dắt tôi vào chào mẹ. Bà sẵn có tính nghĩa hiệp, khi gặp biết chúng tôi là người cách mạng Việt Nam, tỏ ý mừng lắm, bảo với chúng tôi rằng:

Các anh bây giờ trong lúc cùng đường thì mượn nhà tôi làm nơi đạo chủ, cũng không ngại gì.

Lúc đó chúng tôi cùng quẫn quá, thuê nhà thiếu tiền, mới kéo nhau đền nhà bà nhờ làm chỗ quán ở. Từ đó, Hoàng Sa Chu Thị Lữ quán mới thành ra một cơ sở trong đảng, già hay trẻ, trai hay gái, không một người nào không ăn ngủ nhà bà.

Lúc đó, khi có chén rượu chúng tôi thường ngâm thơ. Có một bài được Chu Sư Thái tán thưởng lắm, thường khi gặp mặt tôi, bà ngâm bài này:

Ỷ lâu Nam vọng nhật bồi hồi,
Tâm tự như vân uất bất khai.
Sơ vụ thâm tiêu nhẫn ám khốc,
Tà dương sơ nguyệt nhạn cô hồi.
Khả vô đại hỏa thiêu sầu khứ,
Thiên hữu trường phong tống hận lai.
Cố ảnh tự lân hoàn tự tiếu,
Đồng bào như thử ngã hà ai!

Dịch là

Tựa lầu Nam để ngóng phương trời,
Tâm tư tơ vương ruột rối bời.
Lác đác đêm trường mưa điểm giọt,
Là đà bóng nhạn tít ra khơi,
Đốt sầu nhưng kiếm không ra lửa,
Rước hận ai xui gió thổi hoài.
Ngó bóng ngẫm mình cười lẫn khóc,
Đồng bào như thế dạ sao nguôi!

Mỗi khi chúng tôi có việc khẩn dùng, trong nhà không sẵn tiền thì bà cầm đồ đạc, bán nữ trang liệu giùm cho chúng tôi. Bà chẳng những trọng nghĩa khí, mà can đảm cũng phi thường. Chúng tôi thường để lựu đạn, hỏa khí ở trong nhà mà bà cũng tự nhiên không sợ.

Ông Trần Hữu lực và ông Đặng Tử Mẫn một đêm nọ mượn dao chặt củi của bà, giết một tên mật thám, sáng ngày bà dậy cười mà hỏi rằng:

Chúng mày hôm qua có làm thịt được một con heo phải không?

Con trai bà cũng vì chuyện của tôi mà bị Long Tế Quang (Tổng đốc Quảng Đông) giam cầm hơn 10 ngày, bà cũng thản nhiên.

Lữ quán có ba tên trước ở nhờ nhà bà, đến sau làm mật thám vào hỏi dò việc của đảng. Vào nhà đem số tiền khá nhiều tặng bà. Bà nói chuyện và dò ý, khi biết lai lịch số tiền đó, liền giận ra mặt:

Tao trước kia tưởng chúng mày là người, bây giờ chúng mày ra chó. Chúng mày còn lại thăm tao nữa ư?

Ba người đó từ sau tuyệt tích ở sân nhà bà.

Trên đời, những người tình cờ gặp ở trong lúc đại thất ý, mà giúp đỡ ta như ân nhân, thật không thể nào quên được!

Than ôi! Bà chiếu cố tôi trong lúc gió bụi lênh đênh. Nuôi tôi ăn không biết bao nhiêu bữa cơm, mà không hề nghĩ tới chuyện mai sau, trông mong mình đền đáp gì hết. Thật là Châu Mẫu Việt Thành, khiến cho tôi chết xuống đất cũng còn mang ơn ngậm vành kết cỏ vậy.

Nương náu ở Thái Lan

Vua Thái Lan Chulalongkorn - Rama V

Trước kia khoảng mùa xuân, hạ năm Mậu Thân (1908) khi “Cống Hiến Hội” mới thành lập, sau khi chuyện học sinh được xử trí ổn thỏa, tôi đã sang Bangkok, Thái Lan một lần.

Lúc đó vua Thái Lan là một vị anh chúa, đã du lịch khắp Châu Âu, có cặp mắt chính trị tinh đời. Nguyên Thái Lan là một nước quân chủ, quyền vua rất trọng, sở dĩ độc lập ở giữa khoảng thế kỷ 19 thực do một vị Minh Hoàng làm nên. Nội chính, ngoại giao đều do vua quyết, không một việc gì thần dân được tự quyền.

Tôi đi Thái cùng với thư giới thiệu của Bá Tước Okuma Shigenobu tới một ông quan ngoại giao của Nhật ở Thái Lan. Ông này thường đi lại với một vị Thân Vương Hoàng Thúc. Lúc đó tôi đem việc mượn đất cày khẩn mà thương thảo với Thân Vương Hoàng Thúc, Vương vui lòng nhận lời.

Qua đến năm sau, người trong đảng như bọn các ông Tử Kính, Vĩnh Long, Ngọ Sanh và Minh Chung, cả thảy đều lục tục qua Thái. Rủ nhau chịu khó cày cấy ruộng nương, chăn nuôi gà vịt, để làm kế trữ sức lâu dài.

Tháng 2 năm Tân Hợi (1911), sau khi bị Nhật trục xuất, các ông viết thư sang Hồng Kông kêu tôi qua. Tôi suy nghĩ muốn bắt chước Ngũ Tử Tư ngày xưa cày ruộng đợi thời, cũng là kế hay bèn đáp tàu sang Thái.

Sang đây, tôi tới ở sở ruộng Bạn Thầm (tỉnh Phichit, Thái Lan), tắm gió gội sương, dầm mưa trải nắng, cùng mấy anh em chia sẻ đắng cay, nhằm cho tiêu bớt nỗi đau thương, ăn không ngồi rồi.

Tôi sống cái đời nông phu cực nhọc trước sau 8 tháng.

Nhưng trong 8 tháng đó, tôi thấy trong mình vui vẻ, thư thái lạ lùng. Lúc khát gặp suối thì uống, lúc đói vớ được trái cây thì ăn, cái ngày giờ cảm khái vô liêu của tôi lúc này, chôn đứt ở trong cảnh sống ăn sương hút gió, kể cũng là một cách sống thú vị của anh tráng sĩ đang cơn túng thế cùng đường. Bởi vậy, tôi cho đây cũng là một câu chuyện đáng để ghi chép lại.

Hồi này rảnh rang nhàn rỗi, tôi soạn ra được nhiều bài văn Quốc Ngữ. Nào truyện Lê Thái Tổ, nào truyện Trưng nữ Vương, nào là những khúc hát, bài ca cổ vũ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Tôi đem những bài ấy ra dạy cho những người ở trong sở ruộng học, sớm tối họ thường nghêu ngao ca hát làm vui. Ấy là tôi muốn gieo hạt giống cách mạng ở giữa khoảng non xanh nước biếc này vậy.

Tháng 10 năm ấy (Tân Hợi, 1911) Phan Bá Ngọc ở Hồng Kông sang Thái, đem cái tin Võ Xương khởi nghĩa nói cho tôi nghe. Quân cách mạng Trung Hoa thu phục xong Võ Xương, chưa đầy ba tháng mà đánh đổ được Triều Mãn Thanh, dựng thành Dân Quốc ở Nam Kinh. Thực là một việc mà tôi không dám nghĩ tới.

Hồi trước tôi còn ở bên Nhật, từng có cơ hội kết giao với những vị cốt cán của cách mạng Trung Hoa như Hoàng Khắc Cường, Chương Thái Viêm. Lại cùng bọn Trương Kế và chí sĩ các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines, tổ chức ra “Đông Á Đồng Minh Hội” .

Chúng tôi với họ cũng là một hạng người đau lòng mất nước, mong phục nghiệp xưa, tôn chỉ vốn là tương hợp. Nay nghe tin quân cách mạng Trung Hoa dấy lên, khiến tôi có cái cảm giác tiếng đồng reo, tiếng chuông ứng.

Nhân đó Bá Ngọc khuyên tôi nên trở về Trung Quốc. Tôi liền từ giã sở ruộng ở Thái mà đi.

Ngày cập nhật: