Kỳ 6 - Hô hào thanh niên sang Nhật
Ái quốc - Phan Bội Châu
Nay ta hát một thiên ái quốc,
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta.
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà,
Ông cha để lại cho ta lọ vàng.
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở,
Bốn ngàn năm giãi gió dầm mưa,
Biết bao công của người xưa,
Gang sông, tấc núi, dạ thưa, ruột tằm.
Hào Đại Hải âm thầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền Tây,
Một toà san sát xinh thay,
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn.
Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp.
Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu.
Giống khôn há phải đàn trâu,
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng?
Hai mươi triệu dân cùng của hết,
Bốn mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi! công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao.
Non nước ấy biết bao máu mủ.
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang?
Cờ ba sắc, xứ Đông Dương,
Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau!
Nhục vì nước, mà đau người trước,
Nông nỗi này, non nước cũng oan.
Hồn ơi về với giang san,
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này:
“Hợp muôn sức ra tay quang phục;
Quyết có phen rửa nhục báo thù…”
Mấy câu ái quốc reo hò,
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng.
Về nước
Ban đầu tôi xuất dương chỉ cố chú ý vào vấn đề quân giới. Trong khoảng mấy tháng cơm hàng ngủ trọ ở Tokyo, tôi được nhân dịp biết rõ câu chuyện Nhật Nga đánh nhau và thấy được cái hiện trạng của nước Nhật về chính trị, giáo dục, ngoại giao, công thương nghiệp.
Thấy người ta rồi, mình hết sức hổ thầm cho mình lúc trước kia chỉ ngồi co ro trong nước, hèn gì mà chẳng kiến văn mù mờ, tư tưởng bế tắc, không biết gì cả. Hết thảy anh em đồng chí với tôi cũng đều như tôi cả; tôi nghĩ lấy làm tiếc sao không dời được tất cả bà con mình qua ở Anh hoa tam đảo (tức là Nhật Bản) để cho khối óc và tầm nhìn thay đổi mới lạ hẳn đi!
Sau khi quyết định rước Hội chủ xuất dương, tôi tính phải về nước một chuyến mới được. Thượng tuần tháng 7 năm Ất Tỵ (1905) tôi với ông Đặng Tử Kính đáp tàu ở Yokohama về nước. Tôi qua Nhật Bản chuyến này, đối với việc đảng sai khiến phó thác, mà tôi bỏ dở dang nửa đường như vầy, thật không khỏi tự lấy làm hổ thẹn. Nhưng có hai việc, có thể gỡ tội cho mình.
Một là mưu phò được Hội chủ xuất dương, thì càng thêm vững lòng khuynh hướng của anh em trong nước, mà lại khỏi lo có sự gì nguy hiểm gì xảy tới.
Hai là đem những sự tai nghe mắt thấy mới lạ, cùng là việc mình mưu toan, để bộc bạch với anh em đồng bào, chắc hẳn có phần bổ ích cho cuộc cách mạng mai sau.
Vịn vào hai lẽ đó, tôi mạnh dạn trở về.
Tháng 8, về tới Hải Phòng, ở nhà một người bạn trong đảng. Sự vui mừng không tả ra cho hết. Là vì lúc tôi đến Bắc Hải, Quảng Tây, đánh liều đáp xuống một chiếc tàu Tây, nhờ cậy được một người đồng bào đốt than trong tàu che chở dùm. Tới lúc người Tây xuống tàu khám xét thì bèn giấu tôi ở khoang tàu dưới chót, chung quanh chất đầy than đá, tôi nằm lọt vô giữa im lìm không giám hó hé. Nhờ vậy mà người Tây không hay, tôi mới lén về trong nước được. Đó cũng là một việc mạo hiểm mà thành công.
Lên bến Hải Phòng rồi, tôi đáp xe lửa đi về Nghệ An. Trên xe lửa, tình cờ gặp lão tuần phủ X… tỉnh Thái Bình vốn là tay bợm hót giỏi trong đám quan trường. Lão viết mấy chữ trên miếng giấy nhỏ đưa cho tôi xem, như vầy:
Ông trốn đi chưa đầy tuần lễ, mật thám đã bủa khắp nơi. Vậy ông sớm liệu đào tẩu cho mau, không thì nguy đấy.
Tôi hơi lo. Nhưng cái mục đích mình trở về nước nhà chưa đạt được, thì chưa có thể nào đào tẩu, ta cứ việc ở nhà đã, ra sao thì ra.
Tôi bèn trốn trở về Hà Tĩnh, ước hẹn những anh em kín đáo tới hội họp tại nhà Đặng Quân. Còn Tử Kính thì đem giấy tờ trọng yếu vô Huế trước để yết kiến Hội chủ, rồi đi thẳng vô Quảng Nam, nói việc mình định mưu tính vậy vậy cho đồng chí hai tỉnh Nam Nghĩa hay.
Tôi ở quanh quẩn trong miền Nghệ Tĩnh, ngày ngày cùng các đảng hữu bàn định việc làm. Kế đó có thư của đồng chí ở Kinh và Quảng gởi tới thôi thúc tôi nên gấp đi ra ngoài. Vì đất Nghệ Tĩnh là đất người Tây để ý dòm ngó, coi chừng hơn hết, cho nên các đồng chí không muốn tôi ở lần lựa trong chỗ nguy hiểm đó lâu.
Vừa may gặp ông Trần Đông Phong đem lại 15 nén bạc và 200 đồng tặng tôi làm lộ phí, và giục tôi khởi trình. Thế là tôi lại từ giã non nước Hồng Lam, lên đường bô bá.
Lúc ra đi, tôi lưu Tử Kính ở lại Huế, dặn dò ông Đặng Thái Thên lo việc hộ vệ Hội chủ xuất dương cho thật vẹn toàn; lại viết thư nhắc nhở cho anh em phải liệu định sẵn sàng món tiền mua sắm và chuyên chở khí giới để sắp đặt khởi sự mai sau.
Thượng tuần tháng 9, tôi vời Nguyễn Quân Thức Canh từ bến đò Chế Giang ra đi. Cuối tháng ấy chúng tôi tới Hải Phòng, gặp được một người làm bồi dưới chiếc tàu Tây, tên là Lý Tuệ, tính dùm cho tôi cái kế thoát hiểm.
Lý Tuệ là người có gan dạ, mưu mô, thâm hiểu nghĩa lớn. Về sau ông ta ngầm giúp công việc kia khác cho đảng chúng tôi được nhiều lắm. Lúc này tìm cách đưa tôi xuất dương, ấy là bước đường thứ nhứt của ông ta dấn mình vào quốc sự vậy. Thật là một người hăm hở làm việc nghĩa, gặp nạn coi chết như không. Tôi không ngờ giữa lúc mình gió bụi xông pha lại gặp được người như thế. Nghe nói bây giờ ông ta đã bị đày, còn sống hay chết rồi không rõ.
Quay lại Yokohama, gặp Tôn Trung Sơn
Tôn Trung Sơn và thành viên đảng Cộng hòa Cách mạng Trung Hoa tại Tokyo
Tháng 10 năm ấy, tôi đến Yokohama, vô ở nhà trọ cũ, thấy một vị thanh niên học sinh ta, là Lương quân Lập Nham đã tới ở đó trước rồi. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đầu tóc đang để bờm xờm; dò hỏi mới biết cậu bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình, lúc lên bờ trong túi chỉ còn vỏn vẹn có ba đồng xu.
Thấy vậy, tôi vừa vui mừng vừa chưng hửng. Vì bạn tuổi nhỏ ở nước nhà, một thân một bóng mà dám liều mạng xông pha sóng gió muôn trùng, tới một nước thuở nay chưa nghe biết bao giờ, Lương quân chính là người thứ nhất vậy. Té ra Lương quân vốn là người chứa sẵn kỳ khí, chỉ nghe nói tôi qua Đông, thành ra mạnh bạo bỏ nhà bỏ nước ra đi. Bạn thiếu niên anh tuấn của ta sau này, có mấy người được như Lương quân?
Kế đó tôi bôn tẩu giữa khoảng Tokyo và Yokohama, thường thường cùng những người tai mắt trong dân đảng nước Nhật nối liền thinh khí, nhờ họ chỉ vẽ điều hay việc phải cho mình rất nhiều.
Nhân đấy tôi nghĩ lại dân trí nước mình còn quá thấp, mà nhân tài cũng thiếu thốn không có. Chừng ấy tôi tự ăn năn việc mình lo toan lúc trước là nông nổi, chỉ bo bo về vấn đề quân giới, nào có phải đó là cái kế tuyệt hay để mưu tính công cuộc độc lập cho nước mình được đâu!
Lại cách vào ngày sau, Inukai Tsuyoshi tiên sinh có giấy gọi tôi tới nhà, giới thiệu tôi với Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) tiên sinh, là nhà đại thủ lĩnh cách mạng đảng Trung Quốc. Tôn Trung Sơn lúc đó mới ở Mỹ về Nhật Bản, hiện đương tổ chức hội Trung Quốc Đồng Minh, nên lưu lại Yokohama khá lâu. Inukai có nói với tôi rằng:
Quý quốc có độc lập nữa, tất sau Trung Quốc cách mạng thành công, đảng họ với các ngài đồng bệnh tương liên. Ông nên gặp mặt người này cốt để làm nền tảng cho ngày sau.
Qua ngày hôm sau, tôi cầm danh thiếp ông Inukai và giấy giới thiệu tới Trí Hòa Đường ở Yokohama để yết kiến Tôn tiên sinh. Lúc đó đã 8 giờ đêm, Tôn Dật Tiên đem giấy bộ ra nói chuyện.
Vì đã đọc qua bản “Việt Nam Vong Quốc Sử”,ông biết trong óc tôi chưa thoát khỏi Quân Chủ tư tưởng, nên ông hết sức bài bác đảng Quân Chủ Lập Hiến coi nó là hư ngụy, mà kết thúc thì cốt muốn đảng cách mạng Việt Nam gia nhập đảng cách mạng Trung Quốc. Hễ đến lúc Trung Quốc cách mạng thành công thì theo đà kéo dắt hết các nước bị bảo hộ ở Á Châu đồng thời được độc lập, mà nước thứ nhất được hỗ trợ là Việt Nam.
Còn đến lời đáp của tôi thì cũng thừa nhận Dân chủ - Cộng Hòa là hoàn mỹ, đồng thời lại có chủ ý muốn đảng cách mạng Trung Quốc trợ giúp cho Việt Nam. Lúc Việt Nam độc lập rồi thì xin lấy Bắc Kỳ cho đảng Trung Quốc mượn làm căn cứ địa, sẽ tấn vào lưỡng Quảng mà lấy đến Trung Nguyên.
Tôi với Tôn tiên sinh bút đàm đến hơn vài giờ đồng hồ. Đến 11 giờ, tôi đứng dậy từ biệt, ông Tôn hẹn với tôi hội đàm lần thứ hai.
Qua ngày sau, tôi lại đến Trí Hòa Đường, hội Tôn tiên sinh lần nữa. Nhưng kết quả hai bên đều nhận lầm cả. Kỳ thực thì tôi chưa biết nội dung đảng cách mạng Trung Quốc ra thế nào, mà ông Tôn cũng chưa biết chân tướng đảng cách mạng Việt Nam ra làm sao. Hai bên ve vuốt nhau chỉ là một đám mộng tưởng mà thôi, nhưng về phần tinh thần vẫn là đằm thắm.
Ngày sau đảng ta khi gặp nguy khốn được đảng họ giúp cũng nhiều, chính là từ hai hôm hội đàm này.
Hô hào thanh niên qua Nhật cầu học
Sau những buổi gặp mặt này tôi đã xác định nuôi dựng nhân tài là việc cần kíp của mình, không đợi phải nói nữa. Song muốn nuôi dựng nhân tài ta phải làm sao bây giờ, vì cái thực quyền giáo dục nằm cả trong tay Chính phủ Pháp bảo hộ? Dầu vậy mặc lòng, anh em chúng tôi còn đây, không lẽ nào bó tay chịu chết sao đành.
Giờ chỉ có cách là kêu gào bọn thiếu niên trong nước tỉnh dậy, liều mình trốn ra nước ngoài học tập, như thế thì ta được tự do mở mang trí khôn, mà nước nhà mới chóng có nhân tài đẻ ra được nhiều. Tôi bèn đặt ra bài văn cổ động bà con trong nước giúp tiền cho thanh niên qua Nhật cầu học. Bài “Khuyên Thanh Niên du học” này chỉ viết có lơ thơ mấy ngàn chữ, nhưng thật là một bài văn sinh bình tôi lấy làm đắc ý thứ nhất.
Là vì công việc tôi sắp đặt lo toan từ trước đến giờ, đều chuyên chú vào hiện tượng trước mắt: đến sự mưu đồ sự nghiệp lâu dài bền vững cho nước nhà, thời chỉ có bài văn này thôi. Nếu như có hiệu quả, người nước ta du học ngày thêm đông, nhân tài ngày thêm nhiều, dân trí ngày thêm cao, thì không gì nước Nam ta không có cơ sống lại.
Nhưng thủ đoạn người ta áp bức nặng nề dữ tợn, khiến cho làn sóng du học chưa được năm sáu năm, đã làm cái đích cho muôn ngàn mũi tên nhằm vào nó mà bắn, sự ấy trước kia tôi có dè đâu.
Than ôi! Tài hèn sức mỏng, trăm việc làm đều không được như lòng mình muốn, thành ra đá hết rồi mà biển hận vẫn chưa lấp đầy, oan hồn Tinh vệ, đêm ngày chỉ lênh đênh chìm nổi với ba đào, đau đớn thay!
Bài viết xong rồi, thuê in ra mấy ngàn tập, giao cho Tăng quân Bạt Hổ đem về nước phát hành. Mùa đông tháng chạp năm Ất Tỵ (1906), Tăng quân về nước, cốt lo cổ động anh em qua học bên Nhật. Vừa khi đó ông Nguyễn Hải Thần ở nước nhà trốn qua tới Nhật, gặp tôi ở Yokohama, được đọc bài văn của tôi, ông lấy làm mừng lắm, tình nguyện gánh vác khoản tiền tổn phí cổ động du học sinh.
Không bao lâu, tiếng vang dội của bài văn tôi làm rung động xôn xao cả trong nước. Tháng giêng năm Bính Ngọ (1906), tôi đến nhà ông Inukai để bàn tính về việc đưa học sinh Việt Nam sang học, sắp đặt cho anh em trường học, chổ ở sẵn sàng.
Lúc đó ông Fukushima Yasumasa (Phước Đảo) đang làm hiệu trưởng Chấn Võ học hiệu (Tokyo Shinbu Gakkō - 東京振武学校) tại Tokyo, tôi liền xin cho Trần Hữu Công (tức Nguyễn Thức Canh), Lương Lập Nham và Nguyễn Điển 3 người vô học trường ấy. Còn 1 người nữa là Lương Nghị Khanh thì vô học Đồng Văn thư viện. Nước ta 4 ngàn năm nay chưa hề có người nào du học ngoại quốc, có chăng là tự 4 người này trước hết.
Ôi! Lịch sử quốc dân ta như thế ai bảo là thằng bé con lụ khụ trăm tuổi cũng phải.