Kỳ 7 - Giải quyết việc trong nước
Đập đá ở Côn Lôn - Phan Châu Trinh
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.
Đón hội chủ và gặp ông Tây Hồ Phan quân Châu Trinh
Tháng 2 năm đó, bọn ông Tử Kính đã phò tá Hội chủ Kỳ Ngoại Hầu đến Hồng Kông, viết thơ sang Nhật gọi tôi qua. Lúc bấy giờ, 4 người thiếu niên vừa mới được vô học trường Nhật, lại được nghe tin Hội chủ xuất dương yên ổn, thật mấy năm nay chỉ có chuyện này tôi thấy vui mừng khoan khoái hết sức.
Tôi nóng lòng muốn biết tình hình trong nước gần đây ra sao, lại sẵn có dịp đi nghinh tiếp Hội Chủ, nên chi hạ tuần tháng hai, tôi đáp tàu ở Nhật sang Hồng Kông.
Tới đây, vừa gặp ông Tây Hồ Phan quân Châu Trinh mới từ nước nhà qua. Lúc mới gặp, thì Phan quân mặc áo cụt, đi giày rách, đầu tóc bờm xờm, trông như phường lao động nước ta; bởi vì ông thay lốt làm một tên nấu bếp ở dưới tàu, đây chắc hẳn là thủ đoạn của ông Lý Tuệ chỉ lối. Khi thấy chúng tôi, ông chưa chào đã cười, tôi dậy bắt tay ông, vui không thể nói được.
Sau mấy câu chuyện thường, tôi đem “Duy Tân Hội Chương Trình” cho ông xem, ông lặng thinh, không trả lời, chỉ nói:
Tôi rất muốn qua Nhật Bản một lần rồi liền về nước.
Trong suốt 10 ngày ở Quảng Đông, hai người chúng tôi hằng ngày bàn việc nước. Ý ông luôn hết sức công kích triều đình đương thời, họa quốc cũng từ đó mà ra. Hình như ông nghĩ rằng cái tệ Quân Chủ Chuyên Chế không trừ thì giả có mà phục quốc cũng chưa phải là hạnh phúc.
Trung tuần tháng ba thì chúng tôi tới Yokohama, rồi tới thượng tuần tháng tư thì tôi đưa các học sinh lên Tokyo. Phan quân cũng đi với tôi và thăm quan khắp các học đường, vào khảo sát khắp các công việc chính trị, giáo dục Nhật Bản. Sau có bảo tôi rằng:
Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Trình độ dân Nhật như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ làm sao được! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là thành tựu rất lớn của bác.
Giờ bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc làm văn thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lo.
Từ đó luôn 10 ngày hơn, tôi với Phan quân bàn bạc, ý kiến rất trái nhau: Phan quân thì muốn đánh đổ Quân Chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng Dân Quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ Quân Chủ. Còn ý tôi thì muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác; đương lúc đánh với Pháp thì phải lợi dụng Quân Chủ. Chính kiến của hai rất đối nghịch nhau, cùng chung mục đích mà thủ đoạn thì khác nhau. Tuy vậy nhưng vẫn rất ưa nhau. Ở lại non nửa tháng thì ông đánh tiếng muốn về nước. Lúc tiễn biệt ông nói với tôi rằng:
Bác hết sức cẩn trọng. Quốc dân hy vọng chỉ nơi mình bác. Kỳ Ngoại Hầu không cần gì đâu.
Lúc đó tôi đã giới thiệu Kỳ Ngoại Hầu với hiệu trưởng Chấn Võ học hiệu, Fukushima. Fukushima nói với tôi rằng:
Theo như lệ thường ngoại giao của liệt quốc thì Hoàng Tộc của quý quốc, nếu không có Chính phủ Pháp thừa nhận thì nước Nhật Bản không thể minh bạch thu dụng được. Vậy nên đưa người ấy vào nhà học, trộn vào trong học sinh, làm như bao học sinh khác thì tốt hơn.
Vì vậy mà Kỳ Ngoại Hầu cũng lên Tokyo, vào nhà Chấn Võ học hiệu. Ở nhà học, cả thẩy 5 người, chỉ duy Hầu là nộp học phí, bốn người kia thì Nhật Bản cấp phí cho. Âu đó cũng là một thủ đoạn của nước văn minh vậy.
Cách không bao lâu, bọn anh em trong phái quá khích ở Nghệ Tĩnh, như mấy ông Đại Đẩu, Thần Sơn, phần nhiều viết thư hối thúc tôi về việc quân giới. Chỉ một vấn đề đó, khiến cho tôi hao tổn không biết bao nhiêu tâm huyết mà gây ra lắm nỗi thất bại thê thảm, thật là khổ não cho tôi!
Các ông trong phái quá khích, có bầu máu nóng đáng kính, nhưng đầu óc các cụ chỉ lo xông pha bôn tẩu trên một con đường bạo động mà thôi. Chính tôi chưa bỏ nước ra đi, cũng chỉ có tư tưởng giống y như thế; chừng sau ra ngoài được rộng kiến văn và nhờ người ngoài giáo huấn, tôi mới biết sự nghiệp quang phục nước nhà, không sao có cơ sở cho thật bền vững thì không làm nên.
Bởi vậy, một mặt tôi cổ vũ thanh niên du học, một mặt muốn mở mang tư tưởng ái quốc cho toàn quốc dân, tôi bèn viết ra “Tân Việt Nam Kỷ Niệm Lực” , “Việt Nam Sử Khảo” , và tập “Hải Ngoại Huyết Thư” nối theo. Mấy thứ sách này lời lẽ thống thiết lâm ly, chỉ có chủ ý là trông mong quốc dân ta lấy Chiêm Thành, Chân Lạp làm dấu xe nên tránh và ráng theo chân nối gót của Trưng Vương, Lê Hoàng mà phát phần hăng hái, tìm lấy sự sống ở trong lúc chủng tộc chưa tiêu, tánh mạng chưa tuyệt, bằng không thì trễ mất.
Về nước lần hai
Tuy nhiên, đối với yêu cầu của anh em, tôi không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ cho được. Bởi vậy tôi lại tính phải trở về nước lần thứ nhì nữa. Lần này về nước có hai mục đích.
Một là đi qua các nơi hiểm yếu ở biên giới hai tỉnh Việt (Quảng Đông) Quế (Quảng Tây) để xem xét địa hình và kết giao với đám hào kiệt trong vùng, nhằm sắp đặt những chỗ mượn đường chuyên chở quân giới mai sau.
Một mặt khác lại lên Bắc Giang yết kiến ông Hoàng Hoa Thám, muốn xin ông một miếng đất làm khu đồn điền cho anh em có chỗ nương thân, đợi ngày có thể giải quyết vấn đề quân giới.
Than ôi! Quân giới! Quân giới! Nó có phải là vấn đề chốc lát tính xong được đâu? Đối với vấn đề này, thật không có giây phút nào tôi đã dời phương châm qua chỗ thong thả tính sao cho ổn thỏa thì hơn.
Tháng 7 năm Bính Ngọ (1908), tôi lại từ giã Nhật Bản về Quảng Đông, đến Sa Hà ra mắt Manh Hiếu Công, vừa gặp người con trưởng của cụ Phan Đình Phùng là Phan quân Bá Ngọc, cũng vừa ở trong nước ra đến nơi.
Phan quân còn nhỏ tuổi mà người thông minh anh tuấn. Lúc tôi còn ở nước nhà đã có dịp gặp gỡ phơi trải ruột gan với Phan quân, nay gặp nhau ở chốn tha hương, tôi vui mừng được gặp một bạn tri kỷ. Tôi ngỏ cho Phan quân biết ý tôi muốn về nước, còn Phan quân thì ngỏ ý định sang Nhật.
Sau khi từ biệt Phan quân rồi tôi vội vàng đi Khâm Châu, tìm kiếm một người trong nghĩa đảng hồi trước, tên là Tiền Đức, để nhờ cậy làm người hướng đạo. Chúng tôi đi men một dọc bờ cõi dưới Tư Châu, qua phủ Thái Bình, đến Long Châu, rồi vượt qua cửa ải Trấn Nam quan. Trước sau cả thẩy 5 tuần lễ, bao nhiêu địa thế hiểm trở, tôi đều xem xét kỹ lưỡng. Tiền Đức cũng có công trong việc này nhiều lắm.
Qua ải Trấn Nam, tới chợ Văn Uyên. Chợ này có đồn lính một viên quan binh Tây 4 lon chỉ huy. Hễ ai không có thông hành hộ chiếu của lãnh sự Pháp cấp cho thì không đi qua lọt.
Tôi mua được một tờ thông hành của một chú khách buôn, mạo danh là Hoa thương mà đi. Lúc này trên giấy thông hành chưa có lệ phải dán hình ảnh thành ra tôi được bình an vô sự, lên xe lửa ở Đồng Đăng mà đi Hà Nội.
Hồi này là thượng tuần tháng 9, xe lửa tới ga Gia Lâm thì tôi xuống, đi đường bộ lên Thái Nguyên, tới Chợ Chu vào thăm Lương Tam Kỳ. Nguyên là lúc tôi đi ngang qua Thái Bình Phủ, đã có dịp vào ra mắt quan Thống lãnh Trần Thế Hoa, xin ông giới thiệu tôi với Lương Tam Kỳ, bởi Lương là bộ hạ cũ của ông. Ông Trần lại sai một viên thuộc hạ dẫn đường cho tôi đi tới đồn điền của Lương.
Lương ở Thái Nguyên, có thế lực khá lớn, cầy ruộng nuôi trâu, gần chiếm hết 8 phần mười của toàn tỉnh. Bộ hạ rất đông, quân giới cũng hơi khá, Chính phủ Pháp phong làm chức Chiếu Phủ Đại Sứ để dễ ràng buộc họ Lương.
Lúc tôi và người của ông Trần đến đây Lương Tam Kỳ hoan nghênh hết sức. Nhân dịp, tôi thuyết họ Lương phản chánh và giúp sức chúng tôi.
Lương nói:
Chừng nào đại binh các ngài hạ Đông Kinh (Lạng Sơn) thì tôi xin đem hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn ứng theo.
Tôi xét ý tứ thì thấy họ Lương cũng là người chỉ ngồi đợi cho công việc ai làm gần xong thì mới ghé vào, không có chí khí mạo hiểm tiến thủ gì hết. Chưa đến lúc sấm mưa vang dậy thì sẽ không giúp mình gì đâu.
Đính mật ước với cụ Hoàng Hoa Thám
Ở nhà Lương mấy ngày, tôi từ biệt ra đi, do đường núi rừng lên tỉnh Bắc Giang tới đồn Phồn Xương, yết kiến Hoàng tướng quân Hoa Thám.
Trước kia Hoàng tướng quân đã cùng tôi liên lạc qua lại rồi, nhưng chỉ là sai người đem thư lui tới mà thôi. Đến giờ mới thật giáp mặt.
Lúc này cụ đang có việc ở Hà Nội, được tin tức tôi, liền lên Phồn Xương gặp tôi. Ở lại tầm 10 ngày thì chúng tôi có đính mật ước với cụ ở những việc sau đây:
- Xin cụ gia nhập vào Duy Tân Hội, thừa nhận Kỳ Ngoại Hầu làm Hội Chủ.
- Những người nghĩa sĩ Trung Kỳ mà bị thất cước, xin nhờ cụ dung nạp cho.
- Khi nào Trung Kỳ khởi nghĩa, xin cụ làm ứng viện.
Ba điều ấy là tôi yêu cầu với cụ, mà cụ cũng có yêu cầu với tôi:
- Hễ đồn Phồn Xương có việc đánh, thì Trung Kỳ phải viện trợ cho.
- Khi nào có việc đánh phát sinh, thì Duy Tân Hội phải lo gánh vác việc ngoại giao.
- Đồn Phồn Xương có khi nào cần quân nhu, thì người trong đảng phải hết sức quyên trợ cho.
Hai phương diện đều đã thương thảo xong, chúng tôi xin Hoàng tướng quân cắt đất làm đồn, tính cách thu dụng những đảng viên Nghệ Tĩnh. Cụ vui lòng ừ ngay. Liền dẫn chúng tôi đi xem khắp xa gần, để chúng tôi tùy ý lựa chọ chỗ nào cũng được.
Giữa hồi này ông Đại Đẩu cũng đang ở trên đồn. Tôi căn dặn ông về nói với anh em trong đảng nên tính cách làm ruộng chờ thời.
Không bao lâu có đồn Tú Nghệ lập ra. Việc tôi làm chuyến này, là một cái kết quả nho nhỏ vậy.
Nhưng rồi người Tây thình lình khai chiến với tướng quân, làm cho cái thành tích đồn điền của chúng tôi, phút chốc hóa ra tro bụi.
Than ôi! Xông pha nhọc nhằn trải muôn ngàn dặm, mà chỉ gây nên một cõi mơ màng thất bại, có ai mưu sự mà gặp nông nỗi bất hạnh như tôi vậy chăng? Đó chẳng phải chứng cớ tài hèn trí mỏng là gì? Ai nối gót tôi mà dấy lên sau này, nên coi sự sai lầm của tôi mà thay đổi bước đường đi!
Lúc sắp đặt công cuộc đồn điền xong đâu đó rồi, đã là hạ tuần tháng 10.
Tôi lên Hà Nội gặp ông Ngô Đức Kế và các đảng hữu ở Kinh ra, bàn tính các việc. Lúc đó thương điếm Triều Dương đã thành lập, nghe nói người trong điếm ham bàn luận chuyện cách mạng lắm; tôi lấy thế làm lo; vì ngôn luận với thực hành không thể một khắc mà có thể thu xếp hiệu quả cả hai bên được. Tôi có nói với ông Ngô Đức Kế, nhưng cũng muộn rồi.
Hồi này tiếng tăm vang dậy, lũ sói chồn bủa vây khắp tứ vi. Tôi lại rất muốn một phen về Nghệ Tĩnh, anh em đồng chí sợ tôi rủi ro thì nguy. Cho nên đều khuyên tôi phải rời khỏi bờ cõi nước nhà gấp. Thế là tôi lại cáo biệt quốc dân mà xuất ngoại vậy.