Ngoại truyện - Thư gửi cụ Tây Hồ
Tôi gấp bỏ Hồng Kông đến Tokyo, thượng tuần tháng 2, năm Đinh Mùi (1907) thì tới nơi. Anh em thấy tôi ai nấy đều vui mừng, mà trong lòng tôi thiệt là một múi sầu như kim châm, vì lo nỗi đảng phân liệt. Tôi mới tự mình thảo một bức thư gửi ông Lưu để đưa về cho cụ Tây Hồ. Trong thư có câu:
Dân chi bất tồn, chủ ư hà hữu?
Nghĩa là:
Nếu dân đã không còn, thì chủ có ở đâu?
Là cốt để hòa hoãn ý kiến của cụ Tây Hồ……
Thơ gởi cụ Tây Hồ
Hy mã Đại Huynh,
Ngó sang Đông thẹn thùng cùng nước Nhật, ngoảnh về Nam bùi ngùi với nước Nam, thẩn thơ chiếc bóng, bốn bể không nhà. Lúc này chính tôi đương lâm vào tình trạng dở chết dở sống, khạc chẳng ra mà nuốt chẳng vào.
Gần đây được tin Đại Huynh cùng các anh em đồng chí với những nghị luận ý chí mới mẻ, tẩy trừ những não cổ hủ để hấp dẫn những tư tưởng mới, làm cho tinh thần tôi vô cùng dũng dược. Với tài hèn sức mọn ước gì có cánh thì bay, có sừng thì chặn, tình trạng nước nhà đã đến bước may mắn này rồi chăng? Phải chăng ý kiến Đại Huynh xuất phát bởi một hoài bão chứa đựng những hình ảnh làm cho tôi lòa mắt.
Nhưng than ôi! Mấy mươi năm hụp lặn trong ao tù nô lệ, lý thuyết phong kiến, biết đâu những chuyện Lô Thoa Mạnh Đức.
Nay nghe Đại Huynh đề xướng thuyết Dân Chủ như một tiếng sét xé trời, tâm sự ấy, lý luận ấy, ai mà chẳng thán phục.
Nước ta mấy ngàn năm nay, bây giờ ai đã biết thuyết Dân Chủ là gì. Nay bỗng nhiên mọi người trố mắt nhìn và ùa chạy theo với những lý thuyết đáng khát vọng ấy.
Nhưng thưa Đại Huynh, trình độ nhân dân Việt Nam hiện nay hãy còn ấu trĩ như răng chưa cứng, chân chưa mạnh, nếu sử dụng mà nhai, mà đi thì làm sao đi nổi.
Nhân dân Việt Nam so với Âu với Tây hãy còn kém họ xa lắm, như người còn đau, đang mang gánh nặng. Nhân dân ngu muội đói khổ, nay mình đem những lý luận cao siêu mà áp dụng không sao tránh khỏi những việc lảo đảo nghiêng ngã.
Nay đem ra một lý thuyết mà người ta chưa biết đầu đuôi, rõ phía Nam phía Bắc, chỉ hô lên một tiếng đã dễ kiếm được mấy người hưởng ứng cho. Tình trạng như thế, việc hợp quần còn khó lắm Đại Huynh ạ! Rồi sẽ vì ý kiến xung đột, hành động mâu thuẫn nhau. Thù ngoài chưa diệt, nội bộ chống nhau. Ôi Dân Chủ, “Dân” không còn nữa thì Chủ vào đâu? Lúc bây giờ nếu Đại Huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa.
Khi Đại Huynh nghe tôi nói vậy, chắc sẽ chửi rằng: Đồ tồi, căn tính nô lệ vẫn còn! Nhưng thưa Đại Huynh, tôi đâu phải muốn làm nô lệ! Chẳng những bản thân tôi, mà còn muốn làm cho đồng bào thoát vòng nô lệ. Lý luận không đi sát thực tế để thi hành, thì chỉ là một việc tai hại. Vậy tôi đề nghị với Đại Huynh, với tình trạng nước ta, hãy chờ ít lâu nữa. Đại Huynh xướng thuyết Dân Chủ thì cử quốc đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, trong đó có tôi.
Thưa Đại Huynh, thời mà tôi tìm tới các Đồng chí ở quý tỉnh thì Tiểu La tiên sinh là người bậc nhứt mà những ý liền và chủ trương của chúng tôi chính Tiểu La tiên sinh cũng đồng ý. Triệu Xa hạ Hứa Lịch, Hàn Tín lạy Lý Tả Xa, nhân dân Việt Nam cũng ở vào tình trạng ấy, mong Đại Huynh xét kỹ.