4 phút để đọc

Ngày đó là ngày tết Nguyên Tiêu, người Hàng Châu có tục xem đèn. Bên bờ Hồ Tây đèn nháy như sao, trai lục gái hồng, bể người rừng hoa, náo nhiệt cực kỳ. Đột nhiên trong ngàn tiếng pháo nổ, lại nghe thấy ba phát súng lục. Tức khắc có người chết nằm ngã giữa đường. Lính tuần lại soát thì phát hiện ở trong người có 2150$, trong túi lại có một cái đồng hồ vàng 60$.

Kỳ 14 - Lăn lộn sau thế chiến

alt

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở tuổi trung niên

Con trai Phan Đình Phùng bị mưu sát

Năm 1922, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã thực hiện một hành vi mà ít ai ngờ tới. Hành vi này liên quan đến một trong những người con trai của vị lãnh tụ kháng chiến Phan Đình Phùng (1847 - 1895) tên Phan Đình Cừ, tự Bá Ngọc (trong hồi ký, Kỳ Ngoại Hầu chỉ sử dụng tên Phan Bá Ngọc). Ngọc là một trong những thanh niên xuất dương theo phong trào Đông Du sớm nhất (vào nửa sau năm 1906), đến năm 1909 thì hoạt động ở nhiều nơi thuộc Hồng Kông và Trung Quốc.

Trong thời gian hoạt động, có lần Phan Bá Ngọc bị Pháp bắt rồi tình nguyện làm người chỉ điểm và thi hành các mật lệnh của Pháp. Khi anh ta có mưu định tiếp cận với cụ Phan Bội Châu và gài cho mật thám bắt cụ thì việc này đến tai Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Và sau khi suy tính kỹ, để cứu lấy cụ Phan, vị Hội chủ “Việt Nam Quang Phục Hội” quyết định trừ khử Phan Bá Ngọc.

Công việc trên được Kỳ Ngoại Hầu giao cho một thanh niên có bí danh Tản Anh (theo Cường Để, người này tên thật Võ Nguyên Trinh, còn có tên Hồng Sơn). Phương tiện hành sự là một khẩu súng Kỳ Ngoại Hầu thường mang theo người. Lãnh nhiệm vụ, Tản Anh tìm cách tiếp cận và bám sát Phan Bá Ngọc.

Ngày rằm tháng giêng năm 1922 là dịp đăng tiết, người dân thành phố Hàng Châu treo đèn kết hoa và tham dự nhiều trò vui chơi. Khi Phan Bá Ngọc từ Thượng Hải sang Hàng Châu dự lễ đăng tiết vào đúng đêm nguyên tiêu, Tản Anh cũng có mặt trong đêm đó. Và khi Ngọc chăm chú đốt những quả pháo trong cuộc vui náo nhiệt đó thì hai phát súng của Tản Anh đã khiến anh ta gục xuống. Hạ thủ xong, Tản Anh gặp lại Kỳ Ngoại Hầu Cường Để tại Nhật, báo cáo sự việc và trả lại khẩu súng. Cuộc đời người con trai của cụ Phan Đình Phùng đã có một kết cuộc đáng buồn như thế.

Pháp kết án Tản Anh

alt

Tập hồ sơ La terreur rouge en Annam (Khủng bố đỏ ở An Nam) 1930-1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương

Mãi cho đến năm 1933, trong bộ hồ sơ số 5 của Phủ Toàn quyền Đông Dương có tên “La terreur rouge en Annam 1930-1931 (Khủng bố đỏ ở An Nam 1930-1931)”, người ta đọc thấy một tài liệu trích trong tập san của “Ủy ban Ân xá người Đông Dương (Comité d’amnistie aux Indochinois)” đề cập đến bản án của Tòa đề hình Vinh (Nghệ An) xét xử người từng sát hại Phan Bá Ngọc vào năm 1922. Nạn nhân được tập hồ sơ nêu rõ là Phan Bá Ngọc, còn người bị truy tố có tên Lê Văn Phan, tự Hồng Sơn - trùng với tên Hồng Sơn trong hồi ức của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, song khác biệt hẳn với tên Võ Nguyên Trinh và bí danh Tản Anh như Cường Để đã kể. Điều này cũng dễ hiểu vì vào thời kỳ này, hầu hết những người hoạt động cách mạng đều có nhiều tên khác nhau.

Trong vụ án do Tòa đề hình Vinh xét xử vào ngày 24/02/1932, Lê Văn Phan (hay Tản Anh trong hồi ký của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để) phạm vào các tội chính như sau: Ngày 11/02/1922, theo lệnh của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Lê Văn Phan đã hạ sát Phan Bá Ngọc bằng 5 phát súng lục (theo Cường Để là 2 phát) tại một công viên ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Tháng 12/1926, với sự tiếp sức của Hồ Tùng Mậu, trong vùng ngoại ô Quảng Đông, Lê Văn Phan đã sát hại Kim Quang Ich, bị nghi ngờ là một kẻ phản bội lại phong trào cách mạng. Đầu năm 1930, Lê Văn Phan qua Nhật hoạt động cạnh Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và đã giúp vị hoàng thân này tự tay dìm chết một người tên Nguyen Thoi Hien tự Lai Minh (tài liệu của Pháp không bỏ dấu). Theo lời khai của Phan trong hồ sơ điều tra, Hien vốn là một thuộc hạ cũ của Kỳ Ngoại Hầu và vụ dìm chết người được Kỳ Ngoại Hầu dàn dựng trong một cuộc đi chơi tay ba trên sông nước. Tất nhiên, không loại trừ nghi vấn lời khai của Phan là kết quả sự mớm cung hay ngụy tạo chứng cứ của cơ quan mật thám Pháp hòng hạ uy tín của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.

Với những chứng cứ trên, Lê Văn Phan bị Tòa đề hình Vinh kết án tử hình, bản án được thi hành ngày 20/02/1933 trước sự chứng kiến của các quan tỉnh và đông đảo người xem (La terreur rouge en Annam 1930-1931 - Hà Nội 1933, tr.164 - 165).

Theo Báo Thanh Niên

Ngày cập nhật: